Mỹ phẩm giả - Hậu quả thật!
- Các loại bệnh
- 13:51 - 03/11/2017
Thị trường mỹ phẩm tràn lan các mặt hàng nhái, hàng kém chất lượng với mẫu mã, bao bì giống hệt hàng thật đang đe dọa, hủy hoại sức khỏe, làn da người tiêu dùng.
Vàng - thau lẫn lộn.
Dạo một vòng quanh chợ Mun - Ở Khu công nghiệp Bắc Thăng Long và một số chợ sinh viên nội thành Hà Nội, không khó để bắt gặp những quầy hàng bày bán các loại mỹ phẩm với chủng loại đa dạng: Kem dưỡng da, dầu gội đầu, sữa rửa mặt, son môi, phấn má, nước hoa… của các thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng như: Lancome, MAC, Etude, Shishedo, Chanel, 3CE, Shu uemura… Tuy nhiên, giá thành của các loại mỹ phẩm này rất “bình dân”, dao động từ 80 đến 300 nghìn đồng/sản phẩm.Những sản phẩm này giống hệt hàng thật từ bao bì, nhãn mác, nhãn phụ, màu sắc, hình dáng… khiến người tiêu dùng khó phân biệt. Không chỉ có mặt tại các khu chợ, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường còn len lỏi tại nhiều cửa hàng mỹ phẩm đội lốt “hàng xách tay”, ngoài ra còn được bày bán công khai trên Facebook với giá rẻ khó tin kèm theo những lời cam đoan vô cùng chắc chắn khiến người tiêu dùng càng khó phân biệt. Tìm hiểu tại một quầy mỹ phẩm tại chợ Mun (KCN Bắc Thăng Long), rất nhiều loại mỹ phẩm cao cấp từ các thương hiệu nổi tiếng được bày bán tại quầy hàng được bà chủ giới thiệu là hàng chính hãng từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Nga... Được bán rẻ như vậy là do bà chủ sắp nghỉ bán hàng nên bán lỗ vốn, cam đoan là hàng thật nếu không tin có thể check barcode và sản phẩm được dán tem chống hàng giả vô cùng uy tín.
Khi tôi hỏi mua một thỏi son nhãn hiệu 3CE, bà chủ đưa ra thỏi son có mẫu mã khá giống son thật. Tuy nhiên, nếu tinh ý thì có thể thấy thỏi son này cầm khá nhẹ tay, có phần lỏng lẻo chứ không chắc chắn như son thật, màu sắc của thỏi son có phần xỉn, và do có sự tìm hiểu từ trước, tôi kín đáo quan sát phần đáy của thỏi son thì thấy không hề thấy có tem ánh 7 sắc màu (nếu là son thật sẽ thấy có tem ánh 7 sắc màu do hãng 3CE dán vào sản phẩm).
Mỹ phẩm giả vẫn thường khó phân biệt thật giả, đặc biệt là nhiều sản phẩm hàng fake 1, khả năng nhái vô cùng tinh vi. Chính vì vậy, việc mua nhầm phải hàng giả, hàng kém chất lượng cũng là điều dễ hiểu.
Chị Hà Phương (công nhân công ty Denso) chia sẻ: "Mình sống ở gần chợ Mun nên biết là ở đây có rất nhiều quầy mỹ phẩm. Biết là ở đây có bày bán mỹ phẩm kém chất lượng nhưng cũng chủ quan, nghĩ rằng chắc chỉ son, phấn họ mới làm giả. Cho đến lần mình hết mất sữa tắm mà ra tạp hóa thì hơi xa. Bình thường mình hay dùng sữa tắm Lux vì đây là thương hiệu bình dân phổ biến, qua chợ thấy có bán nên mua luôn vì nghĩ rằng sữa tắm bình dân sẽ không bị làm giả. Giá ở tạp hóa là 80 nghìn mà ở đây họ bán rẻ hơn hẳn chỉ có 50 nghìn. Về dùng đúng một lần mà mình vứt đi luôn vì chất lượng quá chán, không làm sạch da mà còn làm da nhờn nhờn, nổi mề đay khó chịu. Sau lần đó mình không dám mua bất cứ mỹ phẩm gì ở chợ nữa."
Tuy vậy, vẫn có khá nhiều người dùng chủ quan, ham rẻ lao vào mua những mỹ phẩm giả này dù biết rõ nguồn gốc của chúng.
Ham rẻ để "tiền mất tật mang".
Hóa mỹ phẩm giả không chỉ dừng lại ở những sản phẩm chăm sóc da mặt, hộp phấn hay thỏi son. Nó còn có trong những sản phẩm chăm sóc tóc như: Thuốc nhuộm, uốn, ép, dầu hấp tóc,… Hiện nay, nhu cầu làm đẹp tóc cũng được rất nhiều chị em quan tâm. Chính vì thế, những hóa mỹ phẩm tóc được sản xuất và bán tràn lan, không có sự kiểm soát. Do đó, khách hàng khó mà biết được đâu là hóa mỹ phẩm giả, đâu là hóa mỹ phẩm an toàn.
Chị Thanh Vân - chủ một Salon tóc tại Hà Nội cho biết: “Những hóa mỹ phẩm làm tóc kém chất lượng có thể gây ra những nguy hại khôn lường cho sức khỏe cho người sử dụng nó. Bởi thành phần chủ yếu của nó là chì và kim loại. Sau khi sử dụng mái tóc sẽ trở nên khô, xơ và chẻ ngọn. Những sợi tóc đã qua xử lý hóa chất bằng thuốc kim loại sau đấy đều trở thành tóc chết, chỉ có thể cắt đi và chờ mọc tóc mới mới có thể phục hồi lại được. Một số trường hợp nguy hiểm hơn, người dùng bị dị ứng với thành phần của thuốc kém chất lượng có thể sẽ gây ra những phản ứng gây viêm da dị ứng, cũng như những trường hợp bị tróc vẩy nến, nổi mụn nước, viêm da tiếp xúc,... Vì thế, khi lựa chọn sản phẩm thuốc nhuộm tóc, khách hàng cần chọn lựa sản phẩm thuốc nhuộm tóc uy tín để đem lại chất lượng tốt nhất".
Tuy nhiên với một số người dùng việc bỏ ra 500.000 nghìn đến 700.000 nghìn đồng để làm đẹp là một điều khá khó khăn. Chính vì vậy họ không ngần ngại giao bộ tóc, da mặt của mình cho những sản phẩm rẻ hơn vài trăm ngàn, dù biết đây là sản phẩm không rõ nguồn gốc.
Em Thủy Tiên (học sinh trường THPT Ngô Quyền) cho biết: “Em thường xuyên nhuộm tóc, với học sinh chúng em việc đến cửa hàng nhuộm tóc là điều khá xa xỉ. Vậy nên em thường đến những cửa hàng bán mỹ phẩm mua thuốc nhuộm rồi tự nhuộm lấy ở nhà. Giá mỗi tuýp thuốc nhuộm từ 50.000 – 70.000 nghìn đồng. Bao bì thuốc nhuộm 100% là tiếng nước ngoài, cũng không có tem chống hàng giả. Khi nhuộm xong thì màu lên khá đẹp nhưng sau một thời gian thì tóc em bị xơ, có dấu hiệu chẻ ngọn và rụng tóc nhiều. Em nghĩ có thể mình đã mua phải thuốc nhuộm tóc giả nhưng đành chấp nhận vì “tiền nào của ấy”. Phù hợp với túi tiền của mình mà tóc vẫn nhuộm ra màu mình thích là được rồi.”
Lý giải việc dù biết là mỹ phẩm giả nhưng vẫn dùng của người tiêu dùng có lẽ đầu tiên là do tâm lý ham rẻ, không muốn đầu tư cho sản phẩm chất lượng giá cao hơn tại những cửa hàng uy tín. Mỹ phẩm giả thường không có biểu hiện gây hại ngay lập tức mà từ từ ngấm vào cơ thể. Người sử dụng không thấy biểu hiện là lại yên tâm dùng tiếp. Một trong những lý do tiếp theo đó là sự chạy đua theo bạn bè của không ít các bạn trẻ, nhìn thấy bạn bè sở hữu những thỏi son Chanel hay Tom Ford... Hay những mái tóc màu sắc bắt mắt nên cũng tự đầu tư một thỏi son giả có hình dáng gần như tương tự, mua thuốc nhuộm tóc không rõ nguồn gốc về nhuộm nhưng giá rẻ hơn có khi cả chục lần. Ví dụ như một thỏi son MAC fake có giá khoảng 80.000 đến 100.000 nghìn đồng so với mức giá hơn 500.000 nghìn của hàng thật. Hoặc do sự cả tin của chúng ta với những sản phẩm “xách tay” do người quen từ nước ngoài mang về. Chính điều ấy đã tạo điều kiện cho mỹ phẩm giả ngày càng xuất hiện tràn lan trên thị trường.
Làm đẹp vốn là nhu cầu cần thiết và biết làm đẹp một cách thông minh cũng không phải là điều khó khăn. Để tránh mua nhầm mỹ phẩm giả, kém chất lượng người tiêu dùng nên đến những địa điểm bán uy tín, như: hệ thống cửa hàng, nhà phân phối chính thức. Đẹp phải đi đôi với khỏe, an toàn. Đừng vì ham rẻ rồi "tiền mất tật mang". Đồng thời để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và các doanh nghiệp kinh doanh chân chính, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp và thực hiện đồng bộ, quyết liệt hơn nữa các biện pháp nhằm kiểm soát và xử lý nghiêm đối với việc sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm giả, mỹ phẩm không đảm bảo nguồn gốc xuất xứ và kém chất lượng đang lưu thông trên thị trường.