THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:05

Mùng ba, kể chuyện Tết thầy

 

"Muốn sang thì bắc cầu Kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”
Từ ngày xưa, khi còn đi học, bố đã nghe câu ca ấy. Và rồi từ buổi đó nó đã gieo vào lứa tuổi học sinh của bố một điều tâm niệm về lòng biết ơn đối với người đã từng dìu dắt mình ngay từ những bước đi đầu tiên trên con đường tri thức. Xa hơn nữa, công lao ấy còn được người xưa sánh ngang ơn dưỡng dục của cha mẹ: Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy...
Chẳng phải vậy mà cho tới tận bây giờ, khi đã có cuộc sống riêng, mỗi khi gặp lại nhau, bạn bè thời thơ ấu của bố vẫn thường nhắc tới đầu tiên là những kỷ niệm mà trong đó hình ảnh người thầy luôn được dành nhiều trân trọng nhất.
Người Việt Nam xưa nay vốn vẫn tự hào về truyền thống tôn sư trọng đạo của mình. Song phải đến khi dắt đứa con đầu lòng của mình trao vào tay cô giáo, thì cái tình cảm yêu thương, trân trọng đối với nghề giáo từ thẳm sâu tâm khảm mỗi người mới thực sự nảy nở, và theo thời gian, nó ngày càng lớn dần lên theo sự trưởng thành của con mình. Và tới lúc này người ta mới thực sự thấm thía câu ca: Muốn con hay chữ...

 

(Tranh minh họa: Internet)

Ngày sắp chia tay lớp mẫu giáo, một lần thấy con đi học về và hát: “Tạm biệt gấu Misa nhé, tạm biệt thỏ trắng tinh, mai em vào lớp một”... Nghe mà thấy lòng nao nao. Vậy là con mình sắp bắt đầu bước vào một guồng quay mới.

Dẫn con vào lớp Một, gặp cô giáo chủ nhiệm, cảm giác ngày đầu tiên đến trường cách đó cả một quãng thời gian dài hút hắt lại dường như vừa thức dậy. Đứng trước mặt cô giáo của con, bố cũng thấy mình như bé nhỏ lại, con gái ạ.
Thế rồi mỗi ngày trôi qua, con lại lớn hơn lên một chút. Cô giáo bảo là con tiến bộ, nhưng bố thì hiểu rằng con đang lớn dần lên thực sự. Và rồi chẳng mấy chốc năm học cũng kết thúc.
Suốt một năm trời, cả con, cả bố mẹ, cả cô giáo đều chăm chút theo từng bước đi của con, để rồi tới buổi học cuối cùng, khi nghe con bảo: Sang năm cô Trang sẽ không chủ nhiệm lớp con nữa; thì cả nhà đã cùng lặng đi một lúc khá lâu. Rồi cũng thật bất ngờ, con bảo: Nhưng cô vẫn còn dạy ở trường, vẫn dạy lớp ấy, nên con vẫn được gặp cô...
Có một điều gì như vừa òa vỡ, tựa một chồi non vừa bật ra khỏi lớp vỏ xù xì nơi đầu cành để vươn lên trong tươi mới. Sự lạc quan ấy thật đáng yêu biết bao vì con đã hiểu sự lo lắng của cả nhà để một đứa bé biết tìm một lý do an ủi những người lớn. Và bố cũng thấy mừng hơn vì trong con đã bắt đầu có những tình cảm tuy nhỏ nhoi nhưng đầy thiện căn.
Rồi trong cơn bão thị trường thực dụng đang quay cuồng ngoài xã hội mà ngôi trường nhỏ ấy không là ngoại lệ cũng mang đến tuổi học trò trong sáng của con và các bạn, bên cạnh niềm vui còn là những áp lực, sự quá tải, những nỗi buồn và đôi khi cả sự thất vọng…
Chừng ấy thời gian con lớn lên cũng là chừng ấy thời gian bố nhận ra một điều, rằng với trẻ con thì người nào được nó yêu, nó sẽ trân trọng tất cả những gì thuộc về người đó; và thầy cô giáo nào có tâm với học trò thì cũng sẽ được học trò yêu trở lại, con sẽ học rất chăm môn học đó. Mới vào lớp Hai mà đã thấy con say mê học Ngoại ngữ, bố hiểu rằng đó hoàn toàn không phải con đã ý thức được sự cần thiết của môn học này trong tương lai, mặc dù đó là điều vô cùng chính xác.
Và rồi những tấm giấy khen, những món phần thưởng con giành được trong những môn học mà con yêu thích càng giúp bố vững tin hơn vào điều đó, để cho đến hôm nay, khi mà tất thảy, kể cả những lần vấp ngã, kể cả những thiệt thòi mất mát… thì trong hành trang vào đời của con, may mắn thay, vẫn là sự nhân ái, niềm tin vào những điều tốt đẹp của cuộc sống.
Nghề giáo là một nghề vô cùng đặc biệt đòi hỏi mỗi người khi chọn làm công việc này đều phải có sẵn trong mình một thứ gì đó như là sinh ra chỉ để làm việc đó thôi vậy. Không thể cáu gắt như bố mỗi khi con làm sai một điều gì đó, cũng không thể tặng cho con những món quà như món quà của ông già Noel trong câu chuyện của mẹ. Thế nhưng con sẽ lớn lên thành người như thế nào thì thầy cô giáo của con sẽ là người giúp con nhiều lắm đấy.
Đến trường, con thấy xung quanh toàn là thầy cô giáo, nhưng con có biết là so với tất cả mọi người trên thế gian này thì những người làm nhà giáo ít lắm không và ở xứ mình cuộc sống của họ cũng khó khăn lắm với tiền lương ít ỏi mà chương trình thì cải cách lên cải cách xuống đến chóng cả mặt.
Và với con, sau này có thể sẽ còn có rất nhiều các thầy giáo, cô giáo khác trong mỗi sự trưởng thành của mình, nhưng những người đã từng nắm lấy bàn tay nhỏ xiu của con ngày ấy như bố và như mẹ thì mãi mãi chỉ có một mà thôi. Đó là những người đã dắt con đi những bước đầu tiên trên con đường thật dài, khi mà con hãy còn vô cùng yếu ớt. Điều này mãi tới khi có con rồi bố mới hiểu…
*
Con gái yêu của bố!
Thấm thoát vậy là mùa Xuân này con đã qua tuổi 20, cái tuổi đẹp như một giấc mơ thần thoại với bao nhiêu hứa hẹn đợi chờ phía trước. Ngày ngày nhìn con tự tin và háo hức hòa vào dòng đời, lòng bố ấm áp nghĩ về những điều tốt đẹp của cuộc sống, trong đó có bao nhiêu ân nghĩa vô hình mà chúng ta không bao giờ được phép lãng quên, trong đó có ân tình từ những người thầy tử tế, ân tình của hôm qua… Chính vì điều ấy mà 20 năm trước, đúng vào ngày con ra đời, trong một bài thơ về lời ru viết tặng con, bố đã nhắc:
Những tình yêu
Những niềm thương
Ru con say ngủ
Nâng niu giữa đôi tay này
Là chiu chắt của bao người
Con đừng quên nhé con

Con đừng quên nhé. Một năm bắt đầu bằng mùa Xuân. Và trong những ngày đầu tiên của một mùa Xuân mới, ông bà mình từ bao đời nay đã biết dành ra một ngày để tôn vinh những người thầy, những người đã chăm chút cho mùa Xuân của cuộc đời con…/.

Theo Vov.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh