Mỗi nghệ sĩ Jazz đều là đại sứ âm nhạc
- Văn hóa
- 14:20 - 12/10/2019
Là nghệ sĩ Jazz Việt Nam duy nhất tham gia biểu diễn tại "Jazz Festival Ystad" ở Thụy Điển - một chương trình quốc tế uy tín được đánh giá cao, Tiến Mạnh cho biết đây là niềm vinh dự, tự hào đối với bản thân anh nói riêng, khoa Jazz tại Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam nói chung.
"Tự hào nhưng đó cũng là áp lực rất nặng nề, nhất là khi nhìn hai chữ Việt Nam trong bài giới thiệu của BTC, tôi đã rất xúc động. Áp lực hơn nữa là những tên tuổi nghệ sỹ Jazz lớn thế giới của Ystad 2019 tiêu biểu như: Benny Golson, Charles Lloyd, NDR Bigband, Joyce Moreno, Nils Landgren, Paolo Fresu, Richard Galliano... họ đều là những bậc thầy âm nhạc tôi đã học, đã nghe suốt những năm qua, giờ được chung sân khấu thì cảm giác rất lo lắng. Chính vì vậy, tôi đã quyết định đến Thụy Điển sớm hơn 15 ngày so với lịch trình và chỉ để tập đàn chuẩn bị cho buổi biểu diễn. Bởi đối với các nghệ sĩ nhạc Jazz, học và luyện tập phải được thực hiện hàng ngày. Và đây là một trong những quyết định sáng suốt của tôi mặc dù chi phí ở Thuỵ Điển khá cao mà tôi phải bỏ tiền túi ra"- Nghệ sĩ Tiến Mạnh chia sẻ.
Về tiết mục biểu diễn trước bạn bè quốc tế, nghệ sĩ Tiến Mạnh cho biết, đó là chương trình diễn ra trong hơn 70 phút, anh đánh độc tấu từ đầu đến cuối nên cũng tạo ra áp lực sợ bị "nhàm" cùng một màu. Chính vì vậy, thay vì chuẩn bị 12 đến 14 bài cho chương trình này, Tiến Mạnh cho biết, anh đã chuẩn bị 30 bài và báo cho Ban tổ chức thời lượng biểu diễn để mở, để anh có thể quyết định giờ kết thúc chương trình biểu diễn bằng việc xem không khí khán giả, cảm xúc của mình trong lúc diễn như thế nào.
"Tôi đã cố gắng kể câu chuyện bằng âm nhạc, đưa khán giả vào câu chuyện của chính mình từ khi còn bé đến khi lớn. Tất cả các tác phẩm diễn trong chương trình này đều là những tác phẩm mà tôi được nghe qua băng đĩa sách nhạc từ hồi tôi khoảng 10 tuổi cho đến lúc tôi tốt nghiệp đại học, cao học và tiến sĩ. Nó là câu chuyện về hành trình vì sao tôi thích nhạc Jazz và vì sao tôi sống "chết" với nó…
Sau buổi diễn tôi đã nhận được rất nhiều lời chúc mừng và phản hồi tốt từ các phóng viên nhà báo, nhà phê bình nhạc Jazz thế giới. Đặc biệt, ngay sau đó tôi lại tiếp tục được mời cá nhân biểu diễn độc tấu tại Đan Mạch cho giới hoàng gia của Đan Mạch cùng kết hợp song song với chuyến lưu diễn 3 buổi hoà nhạc 50 năm quan hệ ngoại giao Thụy điển và Việt Nam." – Nghệ sĩ Tiến Mạnh cho biết.
Là người được đào tạo bài bản về âm nhạc, Tiến Mạnh dành được học bổng tại Học viện âm nhạc Hàn lâm âm nhạc Malmo (Thụy Điển), anh tốt nghiệp đại học, rồi cao học chuyên ngành Piano Jazz và cũng là người Việt Nam duy nhất có bằng thạc sĩ biểu diễn Piano Jazz tại đây. Sau đó Tiến Mạnh tiếp tục làm nghiên cứu sinh tại Việt Nam, anh cho biết, bản thân có sự may mắn khi có sự trao đổi hợp tác về công tác biểu diễn, nghiên cứu và đào tạo tại Thụy Điển liên tục trong hơn 16 năm qua.
Đã có rất nhiều nghệ sỹ lớn tại Thụy Điển mà Tiến Mạnh được học, đây cũng là cơ hội để tiếp thu các phong cách Jazz khác nhau cũng như được biểu diễn cùng các thầy. Và sau này chính các thầy là người đề cử giới thiệu Tiến Mạnh đến "Ystad Jazz festival". Phải khẳng định rằng, ở nước ngoài, tất cả đều được thể hiện bằng chuyên môn của người nghệ sỹ. Và trong một chương trình nghệ thuật, việc bán hết vé cũng khẳng định đẳng cấp của nghệ sĩ. Trong "Jazz Festival Ystad" vừa qua, chương trình của Tiến Mạnh được bán hết vé trước một tháng, và anh được Ban tổ chức mời thêm một suất diễn nữa, anh là một trong số ít nghệ sĩ được biểu diễn hai suất tại chương trình này.
Theo Tiến Mạnh, những nghệ sỹ Jazz Việt Nam đều đã và đang không ngừng nỗ lực phấn đấu để trở thành những nghệ sĩ Jazz thực thụ, không hề thua kém với các nghệ sỹ Jazz thế giới.
"Tất cả các giảng viên khoa Jazz của chúng tôi đã và đang nỗ lực từng ngày, phấn đấu đưa âm hưởng âm nhạc Việt Nam vào Jazz, mang "màu cờ sắc áo" Việt Nam ra thế giới từ nhiều năm qua. Có thể nói, Jazz là một những loại hình âm nhạc xuất phát điểm từ nước Mỹ, tuy nhiên Jazz đã lan tỏa ra toàn thế giới nhờ kết hợp với những bản sắc địa phương mà mỗi vùng miền nó cập bến. Nhạc Jazz là loại hình âm nhạc của sự đa văn hoá. Tính đặc trưng nhất trong các nghệ sỹ nhạc Jazz là sự ngẫu hứng. Thế hệ những nghệ sỹ nhạc Jazz hiện nay của chúng tôi như: Quyền Thiện Đắc, Lương Xuân Thịnh, Nguyễn Mạnh, Lê Duy Mạnh... là sự thừa hưởng kế thừa của các thế hệ đi trước tự học như: PGS TS NSƯT Lưu Quang Minh, NSƯT Hoàng Tùng là các thầy tự học tự nghiên cứu qua các đợt Masterclass của các nghệ sỹ và băng sách đĩa nước ngoài." - Nghệ sĩ Tiến Mạnh chia sẻ.
Cũng theo nghệ sĩ Tiến Mạnh, để trở thành được nghệ sỹ nhạc Jazz, anh và các đồng nghiệp của mình phải tập luyện và học hành với cả một quá trình, ít là hơn chục năm, dài đến hai chục năm và đến giờ vẫn tiếp tục không ngừng tập luyện và học tập. Sau đó, các anh lại tìm ngược lại những đặc trưng của âm nhạc dân gian Việt Nam trong các loại hình như: dân ca, chèo, cải lương, nhã nhạc cung đình... để làm sao kết hợp khéo léo, vừa giữ được những đặc trưng của nhạc Jazz nhưng lại vừa mang bản sắc riêng. "Đây chính là điều mà chúng ta mới có thể mang nhạc Jazz đi đánh "xứ" người" - Nghệ sĩ Tiến Mạnh chia sẻ.
Mơ ước lớn nhất của nghệ sĩ Tiến Mạnh là trong tương lai các học viện âm nhạc tại Việt Nam có hệ thống nhạc Jazz được đào tạo, biểu diễn và nghiên cứu một cách bài bản, chính quy với tất cả các chuyên ngành nhạc cụ từ Piano cho đến Kèn, hát, violon, guitar... Bên cạnh đó, là có đội ngũ giảng viên là những nghệ sỹ nhạc Jazz giỏi, và hệ thống các môn học về bố trợ chuẩn cho nhạc Jazz theo đúng như mô hình của các nhạc viện, học viện âm nhạc trên thế giới. Tiến Mạnh khẳng định: "Với niềm tin mỗi nghệ sỹ là một đại sứ cho chính dòng nhạc mình đam mê và theo đuổi, tôi tin rằng, chỉ 5 đến 10 năm nữa sẽ có nhiều tầng lớp khán giả yêu nhạc Jazz, không chỉ về lượng mà còn chất. Chính từ sự ủng hộ đó mà các nghệ sỹ nhạc Jazz luôn tìm tòi, sáng tạo, quay trở về với cội nguồn tìm những nhân tố trong âm nhạc truyền thống, từ đó kết hợp hài hoà với nhạc Jazz, giúp Jazz mang âm hưởng Việt Nam ngày càng bay cao và xa hơn nữa trên quốc tế".
Đến thời điểm này, cái tên Nguyễn Tiến Mạnh được nhắc đến nhiều nhất trong những concert quan trọng của quốc gia như: Lễ đón tiếp Chủ tịch Triều Tiên - Kim Jong Un, Tổng thống Mỹ - Donald Trump hay biểu diễn cho nữ hoàng Đan Mạch, các nguyên thủ trong diễn đàn WEF... Nghệ sĩ Tiến Mạnh cho biết, đây là niềm vinh dự không riêng cá nhân anh mà toàn thể tập thể cán bộ giảng viên của khoa Jazz. "Những chương trình đặc biệt này là sự ghi nhận của Đảng, nhà nước và lãnh đạo Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch, Ban giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đối với đội ngũ giảng viên và nghệ sĩ nhạc Jazz chúng tôi."
Nói về thành công của mình trong suốt thời gian qua, nghệ sĩ Tiến Mạnh chỉ cười: "Cá nhân tôi cũng chỉ đóng góp một phần nhỏ cho sự thành công của khoa Jazz và đối với chúng tôi, những chương trình đặc biệt này là sự ghi nhận của Đảng, nhà nước và lãnh đạo bộ văn hoá thể thao và du lịch, ban giám đốc học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam và đặc biệt là sự ủng hộ PGS.TS Lê Anh Tuấn về khoa nhạc Jazz tại học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam, mặc dù là một khoa còn non trẻ tuy nhiên có thể thấy được tiềm năng và bước đầu có những thành quả đáng khích lệ và chúng tôi biết mình vẫn còn phải học hỏi và nâng cao chất lượng trong công tác đào tạo, biểu diễn và nghiên cứu khoa học nhiều lắm.
Với những chương trình trên, khi được báo về Khoa, tôi và các giảng viên trong Khoa luôn cố gắng hết sức để đảm bảo cho chương trình được diễn ra một cách thành công tốt đẹp nhất. Đó là niềm vui đặc biệt, không có gì sánh được đối với khoa Jazz là việc phục vụ quốc gia trong những sự kiện trọng đại".
Chia sẻ về những kỷ niệm trong những buổi biểu diễn trước các "siêu VIP" ấy, nghệ sĩ Tiến Mạnh kể: "Kỷ niệm tôi nhớ nhất là gần đây, trong lần cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Tổng thống Mỹ Donal Trump. Lúc đến tiết mục nhạc Jazz, cố Chủ tịch nước có bắt tay Tổng thống Trump và giới thiệu về nhạc Jazz. Lúc đó tôi rất tự hào khi biểu diễn nhạc Jazz mang âm hưởng Việt Nam. Và ngay sau đó trợ lý của Nhà Trắng có điện khen ngợi về chương trình này với văn phòng Chủ tịch nước. Đây cũng là niềm tự hào, động lực lớn để tôi tiếp tục nỗ lực và dành tình yêu của cuộc đời mình cho nhạc Jazz".
Nói về thực trạng nhạc Jazz tại Việt Nam hiện nay, nghệ sĩ Tiến Mạnh cho biết, nhạc Jazz tại Việt Nam vẫn đang tiến chậm so với thế giới, tuy nhiên anh tin khoảng cách này sẽ được ngắn gần trong 5 đến 10 năm tới.
Nghệ sĩ Tiến Mạnh nói: "Khó khăn nhất của chúng tôi hiện nay là đang thiếu thầy, trong khi số lượng người học nhạc Jazz đông. Để trở thành giảng viên bộ môn Jazz, công tác chuyên môn được đặt lên hàng đầu, họ phải trải qua quá trình học tập, rèn luyện hơn chục năm, rồi còn biểu diễn và có kinh nghiệm thực tế nên rất khó để tuyển thêm giảng viên. Có thể nói, Khoa Jazz là một khoa non trẻ của Học viện, nhưng chúng tôi luôn tâm niệm phải nỗ lực hơn nữa. Các thế hệ trước đã vất vả gây dựng Khoa thì chúng tôi càng phải quyết tâm giữ gìn và phát triển khoa Jazz theo đúng như mô hình đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp tại các học viện lớn trên thế giới".
Tại Khoa Jazz, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đang có một học sinh rất đặc biệt, đó là Bôm (tên thật là Nguyễn Anh Tuấn) - con trai diễn viên Quốc Tuấn theo học. Bôm mắc hội chứng Apert (bệnh xương cứng sớm cục bộ) và đường thở hẹp, một căn bệnh hiếm gặp trên thế giới. Nhưng với tình yêu con vô bờ bến của một người cha, diễn viên Quốc Tuấn đã đồng hành với con qua 11 cuộc phẫu thuật lớn. Và điều kỳ diệu và Bôm hiện nay đã trở thành một trong những học sinh xuất sắc của Khoa Jazz.
Chia sẻ về cậu học trò đặc biệt này, nghệ sĩ Tiến Mạnh cho biết, Bôm là một học sinh đặc biệt và đầy nghị lực, có đủ sức truyền cảm hứng cho tất cả mọi người. "Bản thân tôi cũng như toàn thể các thầy trong khoa Jazz đều tâm niệm sẽ tận tâm truyền dạy hết tất cả những gì mình học được cho thế hệ các nghệ sỹ Jazz tiếp theo. 10 năm trước, ngày tôi trở về nước chỉ bởi 1 câu nói của thầy tôi - Giáo sư Hakan Rydin: Hãy về nước và cố gắng phát triển nhạc Jazz, trong khi tôi có đầy đủ cơ hội để trở thành công dân của Thụy Điển. Còn đối với Bôm hay tất cả các học sinh sinh viên khoa Jazz chúng tôi đều nhắn nhủ với các em rằng chuyên môn cần và phải có, phải luôn luôn không ngừng rèn luyện phấn đấu và học hỏi, song song với nó hãy làm và trở thành một nghệ sỹ chân chính"- Nghệ sĩ Tiến Mạnh nói.
TS Nguyễn Tiến Mạnh biểu diễn cùng Bôm- con trai diễn viên Quốc Tuấn trong chương trình Điều ước thứ 7
Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với nghệ sĩ Tiến Mạnh về âm nhạc cứ dài mãi, từ một nghệ sĩ biểu diễn nổi tiếng đến đưa âm hưởng Việt Nam vào nhạc Jazz, rồi quá trình truyền dạy cho thế hệ trẻ. Có thể nói, sự năng động, nhiệt huyết và tài năng của Tiến Mạnh không chỉ được ghi nhận trong nước mà đông đảo nghệ sĩ Jazz nước ngoài đánh giá cao. Nói về âm nhạc, nghệ sĩ Tiến Mạnh chia sẻ: "Giữa nhạc Jazz được viết sẵn (Jazz transcriptions - Jazz nguyên bản ghi nốt sẵn như âm nhạc cổ điển) với nhạc Jazz Ngẫu hứng (jazz chính quy) còn rất cách xa nhau một trời một vực. Và tôi có thể khẳng định 100% chỉ có duy nhất tại khoa Jazz - Học viện Âm nhạc quốc gia là đào tạo nhạc Jazz chính quy, đồng thời hỗ trợ cho Học viện âm nhạc Huế & Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh trong công tác đào tạo. Chúng tôi – những giảng viên khoa Jazz tại Học viện Âm nhạc quốc gia đã, đang và sẽ làm những gì tốt nhất cho những thế hệ nghệ sỹ trẻ nhạc Jazz tiếp theo ở Việt Nam với niềm mong mỏi đóng góp một phần nhỏ cho nghệ thuật âm nhạc của nước nhà".