THỨ TƯ, NGÀY 13 THÁNG 11 NĂM 2024 05:31

Méo mặt với cuộc đua “chạy” trường cho con

 

"Nóng" mùa chạy trường cho con.


"Nóng" mùa chạy trường

Trên nhiều trang mạng xã hội, rục rịch từ khi ra Tết, các ông bố bà mẹ bắt đầu quay cuồng trong việc chọn trường cho con. Điều đáng nói là dù mới ở bậc mẫu giáo, muốn con được vào trường như mong muốn, các bậc phụ huynh phải "méo mặt" chi 15-20 triệu đồng để con em mình có một suất.

Tại khu chung cư Đ.T (Hà Nội), cơn sốt tìm trường cho con nổi lên từ hai năm nay, nhưng đỉnh điểm bắt đầu từ năm học 2014-2015 khi cư dân về ở đông đủ. Nếu học đúng tuyến, các em sẽ học tại trường mầm non T.O. Tuy nhiên, trường này cách hơn 2km và ngược đường đi làm vì phải... vào làng nên nhiều gia đình chỉ biết buông câu: "Chịu".

Địa điểm lý tưởng nhất là trường mầm non T.L, vừa là trường đạt chuẩn Quốc gia đồng thời trường gần khu chung cư và tiện đường đi làm. Thế nhưng, không phải phụ huynh nào cũng có thể ghi tên con mình tại ngôi trường này. Chị Quỳnh Hoa bày tỏ: "Hôm trước mình đến trường, cô giáo từ chối thẳng thừng là không nhận trái tuyến nên mình đành ngậm ngùi ra về cho con học trường tư dưới nhà".

Trong khi đó, một phụ huynh khác tiết lộ, cái giá để có suất học cho con trong trường mầm non này lên tới 16 triệu đồng.

Dường như việc chạy trường, chạy lớp đã trở nên quá phổ biến đối với các bậc phụ huynh. Chỉ cần search từ khóa trên Google như "kinh nghiệm chạy trường trái tuyến", "xin học trái tuyến"... sẽ có không ít các diễn đàn bàn về chủ đề nóng này. Nhiều phụ huynh còn hỏi thẳng thừng: "Có mẹ nào xin được trái tuyến các trường T.T, K.T, C.L, T.CB... cho biết luôn giá "chạy". Khu vực được mọi người quan tâm lâu nay vẫn thuộc về Cầu Giấy và Đống Đa.

Thậm chí, trên một diễn đàn, có bà mẹ còn mách nước: "Mình chạy cho con hết xxx tiền. Mình xông thẳng vào phòng hiệu trưởng, nói khéo với cô, tâng bốc trường để lấy lòng và tỏ ra mong muốn xin cho con đi học. Sau đó bỏ trước phong bì khoảng 2 triệu dưới đống giấy tờ. Khi cô đưa tờ khai đồng ý rồi hẹn hôm sau gặp, lúc đó mình nhét nốt phong bì còn lại cảm ơn cô".

 Nên cho con học trường gần nhà

Liên lạc với ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, ông Đại khẳng định nạn chạy trường không có ở Hà Nội.

Còn theo TS Vũ Thu Hương (giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội): "Chạy trường là sự cạnh tranh không công bằng. Chẳng lẽ các trường không có tiếng tăm gì có nghĩa là họ "xấu xa" hết hay sao? Chẳng qua phụ huynh chỉ mách nhỏ với nhau và đua theo danh tiếng của nhà trường.

 

Tiến sĩ Vũ Thu Hương đang tư vấn cho một phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1.


Thực tế có những trường không có danh tiếng nhưng dạy dỗ vô cùng tuyệt vời, số lượng học sinh ít, các cô dễ chăm sóc và bảo ban từng bé. Nạn chạy trường hoàn toàn là do phụ huynh chưa có đủ thông tin về trường sở".

Cũng theo vị tiến sĩ này, phụ huynh chọn cho con nên chọn trường gần nhà. Nếu có nhiều trường gần nhà thì chọn trường ít học sinh vì càng ít học sinh trong 1 lớp thì các cô càng dễ chăm sóc bảo ban.

Việc bố mẹ dồn dập chạy trường vừa tạo gương xấu cho các con vừa làm khó cô giáo. Số lượng học sinh đông, cô không dạy được lại oán trách cô.

Tiến sĩ Hương nhấn mạnh, những hình ảnh đạp đổ cổng trường, chạy phong bì... làm cho con trở nên hư đi rất nhiều. Các cha mẹ cần phải tránh các hành động phản giáo dục đó.

 

Cập nhật về tình hình tuyển sinh vào lớp 1, đại diện trường tiểu học Lômônôxốp Mễ Trì cho biết, trường bắt đầu tổ chức kiểm tra đầu vào từ ngày 9/5. Năm học 2015-2016, chỉ tiêu vào lớp đầu cấp của trường cũng như mọi năm là 150 học sinh chia cho 5 lớp. Trong khi đó, nhà trường nhận đến gần 1.000 hồ sơ.

theo giaoducthoidai.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh