THỨ TƯ, NGÀY 11 THÁNG 09 NĂM 2024 03:28

Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Theo đại diện Cục An toàn Thông tin (Bộ TT&TT), một trong những nhiệm vụ chính của Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là tiếp nhận, phân loại các phản ánh về nội dung xấu độc, không phù hợp với trẻ em trên môi trường mạng để chuyển các cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý. Đây là một trong những nội dung cụ thể cho thấy sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động bảo vệ trẻ em.

Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng là vấn đề đang được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết. Ảnh: Minh Tú (Ảnh mang tính minh hoạ)

Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng là vấn đề đang được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết. Ảnh: Minh Tú (Ảnh mang tính minh hoạ)

Tạo lập môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ em

Mạng lưới ứng cứu và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng bao gồm: Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT (Cơ quan điều phối Mạng lưới); Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH); Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm có sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an; Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo); Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử; Cục Báo chí; Ban Công tác Thiếu nhi, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam; Hội Bảo vệ Trẻ em Việt Nam; các nhà mạng viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet và một số tổ chức nước ngoài về bảo vệ trẻ em.

Mạng lưới đóng vai trò là một tổ chức liên ngành, giúp Bộ trưởng Bộ TT&TT tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và kết quả thực thi các nhiệm vụ phòng chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, nâng cao nhận thức xã hội và tạo lập một môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ em.

Mạng lưới có các chức năng, nhiệm vụ gồm: Đẩy mạnh truyền thông, góp phần nâng cao nhận thức xã hội về hoạt động bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; tiếp nhận phản ánh, thu thập thông tin về các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; tổng hợp, phân loại và điều phối các thành viên Mạng lưới xử lý các phản ánh, thông tin về hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái các sản phẩm, nội dung lành mạnh, sáng tạo cho trẻ em trên môi trường mạng.

Bên cạnh đó, Mạng lưới cũng tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực, tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn các biện pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; tham gia xây dựng và vận động thực hiện Bộ quy tắc ứng xử, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; kết nối với các mạng lưới bảo vệ trẻ em quốc tế nhằm nâng cao hình ảnh Việt Nam trong hoạt động bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; tư vấn, đề xuất chính sách, quy định về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 

Với vai trò là cơ quan điều phối của mạng lưới, Cục An toàn Thông tin có trách nhiệm thành lập Ban Điều hành do lãnh đạo cơ quan điều phối mạng lưới làm Trưởng ban, Tổ giúp việc, Tổ chuyên gia... để tổ chức và hỗ trợ thực hiện các hoạt động của mạng lưới.

Nòng cốt của mạng lưới trên là Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam - đơn vị trực thuộc Cục An toàn thông tin. Một số giải pháp mang tính công nghệ cao sẽ được triển khai như: thiết lập Hệ thống tích hợp thông tin và quy trình tự động tiếp nhận phản ánh về nội dung không phù hợp, hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; xây dựng công cụ phân tích hình ảnh, video clip để tìm các nội dung mà trong đó trẻ em là đối tượng bị xâm hại tình dục, phát hiện sớm và yêu cầu đơn vị liên quan gỡ bỏ.

Cần sự chung tay của cả phụ huynh và cộng đồng

Ông Hoàng Minh Tiến - Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin cũng cho biết, đã có văn bản gửi các nền tảng xuyên biên giới đề nghị các nội dung với đối tượng người xem là trẻ em cần phải có một tiêu chuẩn cộng đồng, cơ chế phản ánh đặc thù. "Sẽ cần có một cơ chế để chỉ cần 10 - 15 phản ánh của người dùng về các nội dung xấu độc là các nền tảng phải đưa vào diện theo dõi rồi, khi đó mới kịp thời xử lý được".

Theo các chuyên gia công nghệ, để ngăn chặn các video độc hại với trẻ em cần sự chung tay của cả phụ huynh và cộng đồng. Ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm xử lý khủng hoảng và an ninh thông tin Athena - cho hay: "Khi bố mẹ đưa YouTube cho con trẻ xem mà đăng nhập bằng tài khoản của bố mẹ, YouTube sẽ nghiễm nhiên nhìn nhận đó là người lớn đang sử dụng. Cơ chế gợi ý sẽ đưa ra các nội dung cho người lớn chứ không phải trẻ em".

Từ đó, khi trẻ em vô tình xem được các video có nội dung bạo lực, các video có nội dung tương tự sẽ xuất hiện liên tiếp trong phần gợi ý, dần dần nội dung ấy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhận thức của trẻ em. Theo chuyên gia công nghệ, phụ huynh có thể sử dụng các biện pháp kỹ thuật, như cài đặt các phần mềm cảnh báo thời gian truy cập, chặn các trang có nội dung độc hại. Dù vậy, không có phần mềm nào là tuyệt đối, mà cha mẹ cần phải có sự trao đổi, định hướng thông tin với con trẻ để hướng đến những nội dung lành mạnh, tích cực.

Để bảo vệ trẻ em trước các thông tin xấu độc trên không gian mạng, Cục Trẻ em kêu gọi cộng đồng, các bậc phụ huynh khi phát hiện những nội dung, hình ảnh có dấu hiệu sai phạm về trẻ em trên không gian mạng hãy liên lạc với Tổng đài bảo vệ trẻ em 111 để nhận sự hỗ trợ kịp thời.

Việt Cường

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
UNICEF đánh giá cao về hướng dẫn ưu tiên chăm sóc trẻ em mồ côi do Covid-19 của Việt Nam

UNICEF đánh giá cao về hướng dẫn ưu tiên chăm sóc trẻ em mồ côi do Covid-19 của Việt Nam

Ngày 26-9, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam đã ra thông cáo báo chí cho biết bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam bày tỏ sự đánh giá cao trước việc mới...
2 năm trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh