Lo lắng ẩn sau phương án cấm thi tuyển vào lớp 6
- Tra cứu Từ điển y khoa
- 12:30 - 25/04/2015
Nói về chủ trương cấm thi tuyển vào lớp 6, cô Tuyết có một góc nhìn đầy kinh nghiệm. Hóa ra, không thi tuyển, nhưng nếu người thầy tâm chưa sáng thì chuyện tiêu cực không phải là không có.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Đến nay, Bộ GD&ĐT đã chốt phương án không thi tuyển vào lớp 6 mà xét học bạ. Với quy định này, được đánh giá là tạo sự công bằng cho học sinh và cho các trường nhưng sẽ vô cùng khó khăn cho những trường muốn tuyển được học sinh nổi trội.
Bởi vì học sinh nổi trội ở tiểu học hiện nay có trường đã chiếm tới 90% chứ không ít. Em giỏi thật sự với những em “thường thường bậc trung” cũng chẳng thể nào phân biệt nổi khi nhìn vào học bạ.
Bộ GD&ĐT đã chốt phương án không thi tuyển vào lớp 6 mà xét học bạ. Ảnh: Petrotimes.
Với quy định cấm thi vào lớp 6, dù gây khó khăn cho một số trường, nhưng với cách làm này, chắc chắn sẽ giảm được áp lực trong cuộc chạy đua học thêm của trẻ nhưng giảm mặt này biết đâu sẽ mang đến nhiều tiêu cực ở mặt khác.
Chẳng hạn như việc tạo mối quan hệ để tác động tới thầy cô giáo chủ nhiệm có những lời phê, lời nhận xét đẹp cho con từng năm học không phải là khó. Trước đây, hàng tháng học sinh còn có điểm kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ bốn lần trong năm thì dù thầy cô muốn “thiên vị” ai đó cũng hơi khó.
Từ năm học này, việc bỏ chấm điểm thay bằng nhận xét theo Thông tư 30, nếu thầy cô có tâm không trong sáng thì muốn phê, nhận xét thế nào mà chẳng được. Điều này chẳng ai kiểm chứng nổi. Giáo viên chủ nhiệm ở tiểu học, một tuần dạy ở lớp tới gần ba chục tiết, vì thế muốn “nâng đỡ” em nào cũng như trở bàn tay.
Trong khi nhiều vùng cả nước đang “sôi sùng sục” vì việc cấm thi tuyển vào lớp 6, nhiều trường đang “đau đầu nát óc” nghĩ cách để lên phương án tuyển sinh cho trường của mình phù hợp nhất thì tại thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận chuyện đó chẳng hề có liên quan gì.
Đã nhiều năm nay, việc học sinh lớp 5 được công nhận hoàn thành chương trình tiểu học sẽ được tuyển thẳng lên lớp 6. Ở mỗi xã phường có từ một đến bốn trường tiểu học và có ít nhất một trường trung học cơ sở. Học sinh ở địa bàn nào sẽ vào học ở trường trung học cơ sở địa bàn đó.
Việc quy định này, tránh được tình trạng chạy trường hàng năm. Mặc dù trong thị xã cũng có một số trường trung học cơ sở được xem như trường tốp đầu, vì tỷ lệ học sinh đạt các giải ở các cuộc thi cấp thị hoặc cấp tỉnh luôn dẫn đầu, nhiều phụ huynh cũng muốn con mình được theo học ở ngôi trường như thế. Nhưng đã là quy định họ cũng đành chịu.
Người ngoài cứ nhìn vào tên trường để đánh giá giáo viên, họ thường có suy nghĩ ai dạy ở ngôi trường đó đều là giáo viên giỏi hết. Những người trong nghề như chúng tôi thì hiểu rất rõ trường nào cũng có thầy cô giáo giỏi, tận tâm vì học sinh ngược lại cũng còn một số thầy cô dạy hời hợt, ít chăm lo cho các em, đến giờ vào dạy, hết giờ ra khỏi lớp…Con chúng ta học ở trường tốt nhưng gặp những thầy cô như thế sẽ thế nào?
Muốn con học giỏi, muốn con được học ở ngôi trường tốt cũng là điều mong ước chính đáng của các bậc làm cha mẹ. Nhưng cũng đừng vì danh tiếng của trường mà điều này đôi khi là “tự phong” để tìm đủ mọi cách đạt được ước muốn. Trong thực tế nhiều thủ khoa hay giáo sư tiến sĩ chẳng học ở ngôi trường làng đó sao.