'Lộ đề thi': Tung tin đồn có thể bị xử 7 năm tù
- Tra cứu Từ điển y khoa
- 22:44 - 05/07/2016
Thí sinh tại TP.HCM ra khỏi trường thi sau khi kết thúc môn Văn, ngày 2/7/2016.
Ngày 2/7 sau khi kết thúc phần thi môn Văn, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện và lan truyền thông tin về việc đề thi môn Văn bị lộ trước ngày thi.
Sau quá trình điều tra, Bộ Công an khẳng định thông tin lộ đề thi là thông tin thất thiệt. Bàn về tính pháp lý của trường hợp "tung tin lộ đề thi" này, PV đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia.
Đề thi chưa công bố là "Tài liệu tối mật"
Thạc sĩ Nguyễn Việt Khoa (Giảng viên khoa Luật Trường đại học Kinh tế TP.HCM) cho biết, theo quy định tại khoản 4, Điều 1, Quyết định 32/2005 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước độ tối mật trong ngành Giáo dục và Đào tạo thì đề thi tuyển sinh đại học chưa được công bố được xem là "tài liệu tối mật".
Vì vậy, việc làm lộ bí mật đề thi được xem là vi phạm pháp luật, tùy tính chất mức độ mà bị xử lý bằng các hình thức khác nhau, mức độ nhẹ sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, bị cấm tham gia hoạt động liên quan đến tuyển sinh trong một thời gian.
Trong trường hợp nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự theo điều 286 Bộ luật Hình sự về: Tội cố ý làm lộ bí mật công tác với mức tù cao nhất là 7 năm. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Ông Khoa phân tích, với góc độ xã hội thì hành vi này rất nghiêm trọng vừa ảnh hưởng đến tính công bằng trong thi cử vừa tạo tâm lý hoang mang cho học sinh và phụ huynh. Do đây là kỳ thi Quốc gia, Bộ GD&ĐT là đơn vị đứng ra tổ chức, nếu xác định đúng đề thi bị lộ trước khi bắt đầu thi chính thức, kết quả tuyển sinh có khả năng bị hủy bỏ, Bộ GD&ĐT phải tổ chức một kỳ thi lại, vừa tốn thời gian, kinh phí tiền bạc của nhà nước, phụ huynh, học sinh.
Tin đồn "lộ đề thi" vừa ảnh hưởng đến tính công bằng trong thi cử vừa tạo tâm lý hoang mang cho học sinh và phụ huynh. Ảnh minh họa: ĐÀO NGỌC THẠCH.
|
Theo luật sư (LS) Nguyễn Đức Chánh (thuộc Đoàn LS TP.HCM), mặc dù đây chỉ là “tin đồn” trên mạng xã hội, không có căn cứ, nhưng có thể gây ra những tổn hại nghiêm trọng về uy tín cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tạo ra nghi ngờ về công tác bảo mật trong kỳ thi quốc gia. Vì vậy, hành vi này phải bị xử lý theo quy định pháp luật.
Vụ việc này hoàn toàn có thể xử lý hình sự vì "tin đồn lộ đề thi" gây ra hậu quả nghiêm trọng. Tội hình sự có thể bị khép là tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet theo điều 226 BLHS 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Theo đó, người nào đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điều 88 và điều 253 của BLHS hiện hành, xâm phạm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Tung tin đồn thất thiệt là hành vi vi phạm pháp luật
LS Nguyễn Văn Quynh (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) khẳng định việc tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội Facebook về việc "lộ đề thi" là hành vi vi phạm pháp luật, gây hoang mang cho các thi sinh dự thi.
Theo điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15.7.2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng quy định việc “đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức; Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…” là các hành vi bị cấm.
Theo các quy định vừa trích dẫn ở trên, việc tung tin đồn thất thiệt về người khác, tổ chức... lên các trang mạng nói chung và trang mạng xã hội Facebook nói riêng là việc làm không được pháp luật cho phép. Do đó, người có hành vi vi phạm có thể sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy theo thiệt hại gây ra.
Còn LS Huỳnh Công Thư (thuộc Đoàn LS Long An) nêu ý kiến, hành vi tung tin đồn đề thi Văn bị lộ là hành vi tung tin đồn gây hậu quả xấu đến dư luận xã hội về quy trình ra đề thi của cơ quan giáo dục có thẩm quyền.
Về mặt dân sự thì cá nhân, tổ chức bị thiệt hại bởi tin đồn thất thiệt có quyền khởi kiện người có hành vi tung tin đồn thất thiệt để yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định tại của Bộ luật Dân sự 2015 (có hiệu lực ngày 1/7/2016).
Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 quy định cá nhân có quyền yêu cầu Tòa bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình và có quyền khởi kiện ra tòa để yêu cầu người tung tin đồn phải xin lỗi, cải chính công khai (khi đăng tin bằng phương tiện nào thì phải cải chính bằng chính phương tiện đó) và bồi thường thiệt hại.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc