THỨ HAI, NGÀY 25 THÁNG 11 NĂM 2024 06:57

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội nói gì về quy định gây tranh cãi?

 

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội về quy định buộc HS thôi học 1 tuần nếu nhiều lần tái phạm luật giao thông đang gây tranh cãi khi trả lời phỏng vấn Dân trí.

Nếu 2% không chấp hành = 16.000 học sinh

Trước khi có quy định này, Sở GD&ĐT Hà Nội từng có nhiều văn bản liên quan đến việc học sinh chưa đủ tuổi đi xe máy đến trường. Sau một thời gian triển khai, liệu tình trạng này được xử lý đến đâu, thưa ông?

Việc giáo dục học sinh không đi xe phân khối lớn đến trường đã được ngành Giáo dục triển khai từ lâu nay. Năm học 2009 - 2010, việc này đã được làm thí điểm tại 6 trường THPT khu vực nội thành Hà Nội. Năm tiếp theo làm tại 4 quận nội thành và đến năm thứ 3 triển khai rộng rãi tại tất cả các trường học trên địa bàn thông qua văn bản là quy chế phối hợp 167 về "Đảm bảo an ninh trật tự tại các cơ sở giáo dục" và" Kế hoạch liên ngành" số 240/KH- SGD&ĐT ngày 15/1/2013.

Theo đó, nhà trường thường xuyên phối hợp với gia đinh và các cơ quan chức năng địa phương (công an và chính quyền) trong việc bảo đảm an toàn an ninh trường học, đồng thời nhấn mạnh nội dung yêu cầu học sinh sử dụng điện thoại đúng mục đích và tuyệt đối không đi xe phân khối lớn đến trường.

 

 Ông Nguyễn Hiệp Thống - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội: Tạm đình chỉ không có nghĩa là đuổi.

Ông Nguyễn Hiệp Thống ,Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội: "Tạm đình chỉ không có nghĩa là đuổi".

 

Qua 3 năm thực hiện, hầu hết học sinh đã chấp hành, số lượng học sinh vi phạm giảm rõ rệt. Đó là vì các em đã đc tuyên truyền giáo dục bằng rất nhiều hình thức cả trong và ngoài giờ lên lớp, đặc biệt là đã nhận được sự đồng thuận của đa số cha mẹ học sinh và sự vào cuộc tích cực của các nhà trường, các cơ quan chức năng.

Việc phối hợp xử lý giữa nhà trường để nâng cao ý thức chấp hành giao thông của học sinh đã được Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT Hà Nội đưa ra từ trước. Tuy nhiên, theo ông vì sao tình trạng này vẫn chưa giải quyết dứt điểm, nhất là ở các trường lớn tại Hà Nội?

Những năm gần đây, nội dung bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe gắn máy, xe đạp điện cũng đã được bổ sung vào công tác giáo dục ATGT trong các nhà trường Thủ đô, đã được triển khai rất mạnh mẽ với rất nhiều biện pháp, kể cả vừa tuyên truyền giáo dục vừa xử phạt răn đe.

Tuy nhiên, việc giáo dục ATGT không thể chỉ ở trong nhà trường, còn rất cần sự vào cuộc của các bậc cha mẹ học sinh, các cơ quan chức năng để ngăn ngừa tình trạng học sinh vi phạm quy định về ATGT. Phải để mọi người nhận thức rõ rằng, việc yêu cầu đội mũ bảo hiểm, việc không vượt đèn đỏ, không đi xe phân khối lớn nhằm mục đích trước hết là để đảm bảo an toàn tính mạng cho chính các em học sinh.

 

Học sinh không đội mũ bảo hiểm
Học sinh không đội mũ bảo hiểm.

 

Ông nghĩ thế nào khi nhiều người nghi ngờ, việc đưa quy định an toàn giao thông vào thi đua cuối năm cho học sinh và giáo viên mới đây, tiếp tục triển khai theo kiểu “đầu voi, đuôi chuột”?

Việc yêu cầu học sinh và gia đình kí cam kết, việc đánh giá xếp loại hạnh kiểm của học sinh, đánh giá chỉ tiêu thi đua của các đơn vị nhà trường … đều là một trong số nhiều biện pháp mà ngành GD&ĐT Hà Nội đã thực hiện mấy năm gần đây và đã mang lại những kết quả tích cực.

Ở đây cũng cần nói rõ, Hà Nội hiện có gần 1,7 triệu học sinh. Nếu không kể số học sinh mầm non, không kế số học sinh đến trường đi bộ, đi xe đạp, đi xe buýt, hoặc được đưa đón bằng xe ô tô của trường, của gia đình, vẫn còn khoảng 800 ngàn em thuộc diện phải đội mũ bảo hiểm khi đi học.

Nếu có 98% HS chấp hành, chỉ có 2% số này chưa thực hiện thì hàng ngày, chúng ta sẽ nhìn thấy khoảng 16.000 HS không đội mũ bảo hiểm đi ngoài đường. Đó là con số không nhỏ, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục kiên trì tuyên truyền, giáo dục cùng những biện pháp khác để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, bảo vệ an toàn cho các em.

Đình chỉ không có nghĩa là đuổi

Sở GD&ĐT Hà Nội vừa đưa quy định buộc thôi học 1 tuần nếu học sinh nhiều lần tái phạm các quy định về an toàn giao thông đã gây nhiều ý kiến tranh luận. Sở GD&ĐT đã có tham khảo các văn bản luật liên quan khi đưa ra quy định này?

Nếu học sinh mặc dù đã được tuyên truyền giáo dục, đã cùng gia đình kí cam kết, đã bị nhắc nhở phê bình cảnh cáo nhiều lần mà vẫn cố tình vi phạm thì sẽ bị xử lý đình chỉ học tập 1 tuần để kiểm điểm, giáo dục cho học sinh nhận thức rõ về hành vi sai trái của mình. Đây là hình thức kỉ luật đã được quy định rõ trong Điều 42 của “Điều lệ trường THPT” do Bộ GD&ĐT ban hành từ năm 2011.

Ông nghĩ sao khi một số người cho rằng, nếu học sinh vi phạm bị trả về địa phương, xa trường lớp, các em sẽ khó được quản lý và sẽ hư hỏng hơn?

Chúng ta nghiêm khắc để bảo vệ các em được an toàn tính mạng. Mặt khác chúng ta nghiêm khắc với các em hôm nay để rồi mươi năm nữa, khi học tập và làm việc ở nước ngoài trong xu thế hội nhập toàn cầu, các em sẽ là những công dân Việt Nam văn minh, ứng xử có văn hóa, có kĩ năng tham gia giao thông, có ý thức chấp hành pháp luật của cộng đồng nơi mình sống và làm việc. Đó chính là những hành trang cần thiết trong cuộc sống của mỗi người.

 

Học sinh phạm luật giao thông
Học sinh phạm luật giao thông.

 

Đình chỉ học tập không có nghĩa là đuổi các em ra ngoài đường. Giáo viên chủ nhiệm, cán bộ lớp vẫn cần phải phối hợp với cha mẹ học sinh theo dõi quản lý, hướng dẫn học sinh rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, ôn tập, tiếp thu kiến thức trong những ngày không đến lớp, đặc biệt phải để học sinh nhận thức rõ về những việc làm sai trái của mình.

Tôi tha thiết mong các thầy cô giáo, các đơn vị chức năng, các cơ quan báo chí truyền thông và các bậc cha mẹ học sinh hãy cùng chung tay tuyên truyền giáo dục, quan tâm nhắc nhở các em chấp hành pháp luật về ATGT khi đi trên đường, không để đến mức các em nhiều lần tái phạm phải bị nhà trường xử lý.

 

Hà Nội hiện có gần 1,7 triệu HS, trong đó có khoảng 800 ngàn em thuộc diện phải đội mũ bảo hiểm khi đi học. Nếu có 98% HS chấp hành, chỉ có 2% số này chưa thực hiện thì hàng ngày, chúng ta sẽ nhìn thấy có 16.000 HS không đội mũ bảo hiểm đi ngoài đường. Đó là con số không nhỏ, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục kiên trì tuyên truyền, giáo dục cùng những biện pháp khác để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, bảo vệ an toàn cho các em.

Ông Nguyễn Hiệp Thống

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh