Lắng nghe trẻ em nói
- Xe máy
- 08:48 - 18/06/2023
Trẻ em chia sẻ nhiều tâm tư, nguyện vọng
Với tinh thần “Trẻ em lên tiếng - trẻ em khởi xướng và trẻ em cùng hành động”, Diễn đàn trẻ em nhằm tạo cơ hội cho các em bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình; đóng góp ý kiến, khuyến nghị về những vấn đề liên quan đến trẻ em; đề ra các giải pháp từ góc nhìn của trẻ em tới các cấp, các ngành có thẩm quyền. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hành động của các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể, gia đình và cộng đồng đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Lắng nghe trẻ em nói - để trẻ em được nói lên tiếng nói của mình và tiếng nói ấy sẽ được xem xét, giải quyết chính là quyền tham gia của trẻ em - 1 trong 4 nhóm quyền cơ bản của trẻ được quy định trong Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em, Luật Trẻ em 2016. Trẻ em được bày tỏ ý kiến, thực hiện tốt quyền tham gia về thực hành quyền trẻ em là điều kiện đủ để bảo đảm thực hiện tốt nhất các quyền của trẻ em; góp phần mang đến cho trẻ một cuộc sống tốt đẹp hơn, trẻ được học tập, vui chơi trong môi trường an toàn, thân thiện, lành mạnh và được phát triển toàn diện.
Diễn đàn năm 2023 có chủ đề “Trẻ em tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em”. Ở các diễn đàn cấp tỉnh, các em gửi đến lãnh đạo các cấp, ngành những câu hỏi, kiến nghị về những vấn đề nóng như: phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em, áp lực học tập, bạo lực học đường, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; phòng, chống, giảm thiểu tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông; trẻ em tham gia đảm bảo quyền được học tập, giáo dục, phát triển năng khiếu, vui chơi, giải trí; trẻ em tham gia phòng, chống biến đổi khí hậu, dịch bệnh, thiên tai; trẻ em tham gia phòng, chống tình trạng trẻ em lao động trái quy định của pháp luật, giảm thiểu tổn hại trẻ em trước nguy cơ phân biệt giới tính; trẻ em tham gia đảm bảo quyền bí mật đời sống riêng tư…
Em Phạm Ngọc Diệp, Trường THCS Tông Lạnh, huyện Thuận Châu (Sơn La) chia sẻ, qua Diễn đàn trẻ em, chúng em được trang bị thêm nhiều kiến thức về quyền của trẻ em và được bộc bạch những điều mà trong lòng chúng em chưa dám nói, giúp em có thêm kiến thức, trang bị kĩ năng sống cho mình.
Tại Diễn đàn Trẻ em tỉnh Lào Cai, các em học sinh đã chia sẻ nhiều tâm tư, nguyện vọng, trong đó tập trung chủ yếu các vấn đề: Mong muốn được thực hiện học 5 ngày, được nghỉ ngày thứ Bảy, Chủ nhật để có nhiều thời gian tham gia hoạt động trải nghiệm trong và ngoài nhà trường, học sinh nội trú có nhiều thời gian về thăm gia đình; được tạo điều kiện để tham gia trải nghiệm, tham quan tại các trường bạn nhiều hơn; học sinh cuối cấp THPT có cơ hội tham quan tại các trường cao đẳng, đại học; trải nghiệm thực tế năm cuối cấp ở những nơi có di sản văn hóa, du lịch biển, hang động… liên quan đến môn học Ðịa lý và Lịch sử. Bên cạnh đó, một số ý kiến về việc học thêm, dạy thêm; vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn trong trường học; việc sử dụng thuốc lá điện tử, sử dụng điện thoại, mạng xã hội của học sinh hiện nay.
Tại Ðà Nẵng, các em cũng đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến việc thay đổi tâm lý trước thực trạng bạo lực gia đình, bạo lực học đường và đề xuất xây dựng kênh thông tin chia sẻ, tư vấn về bạo lực gia đình, việc chăm sóc, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ vấn đề dinh dưỡng, tư vấn tâm lý và giáo dục giới tính…
Giáo viên Tâm lý học Trường cao đẳng Vĩnh Phúc Nguyễn Thị Hợi cho biết: “Ở lứa tuổi nào, trẻ cũng có những mong muốn nhất định; đặc biệt, ở tuổi dậy thì, trẻ có sự thay đổi trong tâm sinh lý, dễ bị dao động, tổn thương. Nếu không lắng nghe trẻ em nói, người lớn sẽ không biết, không hiểu trẻ nghĩ gì, muốn gì. Vì vậy, những người lớn hãy kiên trì, nhẫn nại lắng nghe trẻ em nói với tất cả sự yêu thương, tin tưởng. Khi được người lớn lắng nghe, tin tưởng và đồng hành, trẻ sẽ gạt bỏ được những lo lắng và có động lực, định hướng phấn đấu trưởng thành”.
Lắng nghe các em nói với tất cả sự yêu thương, tin tưởng
Tại Diễn đàn trẻ em TP. Ðà Nẵng, trả lời các ý kiến của học sinh, ông Trần Nguyễn Minh Thành, Phó Giám đốc Sở GD&ÐT TP. Ðà Nẵng cho rằng, đối với việc tư vấn tâm lý và giáo dục giới tính, chăm sóc, hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ vấn đề dinh dưỡng cho học sinh, trong những năm qua, ngành Giáo dục cũng như các sở, ngành thành phố triển khai nhiều chương trình cụ thể, để hỗ trợ các em. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình chưa thật sự tốt. Các trường học tổ chức tọa đàm về giáo dục giới tính, giáo dục kỹ năng sống… vẫn chưa sâu, chưa kịp thời xử lý vấn đề các em học sinh cần. Vì vậy, Sở GD&ÐT cùng các ngành sẽ tăng cường hơn các nội dung hướng dẫn phối hợp trong nhà trường, cùng với đó là tổ chức tập huấn cho giáo viên để hướng dẫn kỹ năng sống cho các em học sinh”.
Bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND TP. Ðà Nẵng chia sẻ, chính quyền thành phố đã ban hành nhiều chính sách đặc thù dành cho trẻ em trên các lĩnh vực: trợ giúp xã hội, chăm sóc y tế, giáo dục… góp phần mang lại môi trường xã hội lành mạnh, bình đẳng, bảo đảm cho sự phát triển toàn diện của trẻ em, nhất là các em có hoàn cảnh đặc biệt. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hành động, kỹ năng phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ tổn hại cho trẻ, nhất là cho cha mẹ, giáo viên và người chăm sóc trẻ.
Bà Nguyễn Thị Anh Thi, Phó Chủ tịch HÐND TP. Ðà Nẵng khẳng định, những ý kiến của các em đã gợi cho lãnh đạo thành phố, đại diện các sở, ngành, đoàn thể, địa phương nhiều vấn đề, ý tưởng, cần được tiếp nhận kịp thời để đưa ra định hướng, giải pháp, kế hoạch hành động vì trẻ em trong thời gian tới.
Sắp tới, các tỉnh thành sẽ cử các em xuất sắc tham dự Diễn đàn Trẻ em quốc gia năm 2023 tổ chức vào tháng 7/2023 tại Hà Nội.