CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:29

Làng đào Nhật Tân vào mùa

Làng đào Nhật Tân vào mùa - Ảnh 1.

Làng Nhật Tân, nay là phường Nhật Tân thuộc quận Tây Hồ, có hơn 100ha trồng đào. Theo sử sách ghi lại, nghề trồng đào ở đây có từ thế kỷ thứ 7. Giống đào được trồng lâu đời nhất ở Nhật Tân là đào phai, sau đó là đến đào bích. Nhưng hiện nay, đáp ứng nhu cầu thị trường, làng đào Nhật Tân trồng rất nhiều giống đào màu sắc khác nhau. Cũng do nhu cầu thị trường, người trồng đào không chỉ bán đào cành như trước kia, mà thêm cả đào cây, đào thế, rất đa dạng.

Những ngày này, vườn đào nhà chị Thu, Nhật Tân, Hà Nội luôn tất bật chuẩn bị chuyển đào đi khắp nơi. Theo chị, thời tiết này đang rất thuận lợi cho cây đào phát triển, tuy nhiên, giá đào năm nay sẽ cao hơn năm trước, tùy thuộc vào dáng cây, sắc hoa mà giá cả khác nhau.

Làng đào Nhật Tân vào mùa - Ảnh 2.

Ông Tĩnh dang giúp khách chọn đào

Gia đình ông Nguyễn Văn Tĩnh, một gia đình có truyền thống trồng đào. Gia đình ông vẫn trồng chủ yếu đào cắt cành, ông cho biết: "Năm nay thời tiết thuận lợi, đào rụng lá nhiều, nên hầu như không phải tuốt lá. Với thới tiết như bây giờ, đào năm nay được vụ, sẽ nở hoa đúng vào dịp Tết Nguyên đán. Người làng Nhật Tân đã cắt cành bán cho những người chơi đào sớm".

Một chủ nhân khác của vườn đào tại đây chia sẻ khi được phóng viên hỏi về giá đào tại vườn năm nay, anh nói: "Có những cây đào chỉ từ 1 - 5 triệu đồng nhưng có những cây vài chục triệu đồng. Có những cây nhỏ nhưng rất đắt tiền vì cây đấy hội tụ tất cả, từ các yếu tố từ sắc đến nét".

Anh Sơn, một người dân sống tại Hà Nội cho biết, với anh cây đào có ý nghĩa về cái Tết sum họp của gia đình, đầm ấm hạnh phúc nên mình rất thích chơi đào vào dịp Tết. Như mọi năm, hôm nay anh cũng có mặt tại vườn đào để lựa chọn cho mình một cành đào chơi Tết.

Anh Sơn với niềm vui khi đã chọn được cho mình một cành đào phai để chơi rằm.

Anh Trọng, một vị khách khác cùng xuống vườn với anh sơn chia sẻ về kinh nghiệm mua đào và chọn đào: "Trong tâm tưởng của người Việt ta luôn mong muốn được may mắn nên thường chọn màu đỏ thắm của bích đào. Thường những nhà nhỏ, nên mua đào phai để tạo cảm giác sáng sủa, nhẹ nhàng. Ngược lại, với nhà rộng, trần cao, treo nhiều đèn màu, đèn chùm trang trí nên dùng bích đào sẽ tạo được cảm giác ấm cúng và sang trọng. Người có tuổi và dân nghệ sĩ thường thích dùng đào phai trong khi lớp trẻ, người làm ăn thành đạt lại mua nhiều đào bích. Người cầu kỳ và khá giả thì chơi đào thế mang nhiều ý nghĩa và những điều ước muốn tốt đẹp".

"Dù mua đào chậu, đào thế, đào cảnh hay đào cành nên chọn những cây hoặc cành vừa phải, tán cân đối, dăm (nhánh nhỏ nhất) nhỏ, nhiều nụ to phân bố đều trên các cành chủ yếu là các cành tăm phía ngoài mặt tán. Đào đẹp là đào có dăm vút thẳng ra ngoài tán, nụ trải đều từ đầu tới cuối dăm. Những cành có dăm to thường ít hoặc thưa hoa", anh Trọng cho biết.

Làng đào Nhật Tân vào mùa - Ảnh 4.

A Trọng đã tìm được gốc đào ưng ý, đến ông Công, ông Táo thì rước về nhà và cũng không quên một cành đào phai nho nhỏ mừng Xuân đang về.

Theo một số nhà vườn lâu năm ở Nhật Tân, hiện số đào cho thuê đã chiếm đến 50-60% số cây hiện có trong vườn. Đặc biệt, bên cạnh những loại đào truyền thống như đào bích, đào thất thốn, năm nay ở Nhật Tân có thêm đào chum - loại đào được trồng trong chum. Đào chum tuy có giá đắt hơn một chút so với đào thường nhưng rất được ưa chuộng bởi đáp ứng được nhu cầu của những người ở nhà diện tích nhỏ mà vẫn thích chơi đào thế.

 "Trồng đào như đánh bạc, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nên người trồng đào khó mà giàu được" – chị Thu tâm sự. Chính vì nghề trồng đào khó khăn vất vả lại thu nhập không ổn định nên nhiều nhà dân ở Nhật Tân đã bán đất đi nơi khác. Một số chủ vườn đào có vốn lớn, đầu tư mạnh vào trồng và buôn bán đào cây, đào thế ... mới có lãi cao.

Chục năm gần đây, chơi đào ghép gốc trở thành "mốt"

Chục năm gần đây, chơi đào ghép gốc trở thành "mốt, nhiều chủ đào ở Nhật Tân đầu tư mua gốc đào rừng từ các tỉnh miền núi phía bắc về ghép cành đào Nhật Tân để cho ra những cây đào ghép bán cho những khách hàng "sang" hoặc cho các cơ quan công sở thuê bày vào dịp Tết. Anh Nguyễn Đức Chung, chủ một vườn đào ở Cụm 3 phường Nhật Tân cho biết, mỗi gốc đào rừng có giá 2-3 triệu đồng, mua về ghép mắt đào bích hoặc đào phai, sau 1-3 năm mới bán được. Đào rừng được khai thác nhiều nên giờ để kiếm được gốc đẹp cũng khó. Anh Chung còn phải lặn lội lên rừng, tìm gốc đào non có dáng đẹp, thuê bà con dân tộc chăm sóc 5-10 năm rồi mới lên khai thác về. "Nghề chơi cũng lắm công phu", để có gốc đào đẹp tốn rất nhiều công sức tiền của, nên giá trị mỗi gốc đào ghép lên tới vài chục triệu đồng cũng hợp lý.

Đào đã được đôn chậu cho những khách đặt trước

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia,  Khu vực Hà Nội, từ đêm 03/1 đến ngày 13/01, có mưa nhỏ vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ, trưa chiều trời nắng. Đêm và sáng trời lạnh. Người trồng đào ở Nhật Tân mong rằng thời tiết thuận lợi để có những cành đào đẹp đáp ứng nhu cầu chơi Tết của người Hà Nội và cả nước, để năm nay người trồng đào có một vụ mùa bội thu, một cái Tết "có thịt", còn ng dân thì được hoa đẹp, ưng ý giá cả phải chăng. Nghề trồng đào nhiều năm nay đã và đang góp phần trong công tác giải quyết việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội,... Một mùa Xuân mới đang về, ai cũng thấy ấm lòng.

Quang Dương

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh