Làng "Cử nhân" ở Tây Nguyên
- Tra cứu Từ điển y khoa
- 15:21 - 30/12/2014
Đua nhau cho con đi học
Già làng Ka Hút cho biết: “Ka Ming có 314 hộ, với gần 1.700 nhân khẩu, nhưng có đến 110 cử nhân. Đây là làng có nhiều cử nhân nhất Tây Nguyên. Lâu nay người ta vẫn gọi nôm na bằng “làng cử nhân”. 10 năm trở lại đây ở làng mình nhà nào, nhà nấy bảo nhau nuôi con học bằng được đại học. Mà phải đại học chính quy chứ dân lập là không học, cao đẳng cũng không học. Không đủ điểm thì nhất quyết phải thi lại. Có nhiều gia đình tất thảy con cái của họ đều là cử nhân hết”. Nói đến gia đình hiếu học tiêu biểu, người dân trong làng đều lấy gia đình của bà K’Đuôi làm minh chứng.
Ngôi làng nghèo Ka Ming nơi ươm mầm nhiều cử nhân (ảnh Internet)
Bà K’Đuôi năm nay 69 tuổi nhưng ánh mắt vẫn còn lanh lợi, ngày ngày vẫn còn lên rẫy bồi hồi kể: “Với tôi con cái sinh ra có nghèo khó đến đâu cũng phải học đến cùng. Chính cái việc học sẽ khiến cho cuộc sống sau này được tốt hơn. Thời trẻ tôi là cô giáo, rồi tôi lấy chồng, sinh được 7 người con. Vừa dạy học tôi phải vừa đôn đáo đi buôn thêm các mặt hàng nhu yếu phẩm hàng ngày để bán cho những đồng bào trong buôn của mình.
Vì tương lai cái chữ cho các con của mình mà cứ thế, hàng ngày tôi đi bộ hàng chục cây số để bán thổ cẩm rồi mua hàng nhu yếu phẩm từ chợ về đổi cho dân. Ngày đứa con gái lớn cầm giấy báo trúng tuyển Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh, hai vợ chồng tôi vừa mừng vừa lo. Hai vợ chồng chia nhau công việc, tôi đi buôn bán, chồng ở nhà cơm nước nuôi bò, làm rẫy kiếm tiền nuôi con. Rồi người con thứ hai, thứ 3 cho đến đứa thứ 7 đều vào học trong các trường đại học. Giờ đứa nào cũng trưởng thành và làm việc ổn định trong các cơ quan nhà nước. Kinh tế gia đình cũng ngày càng vững vàng hơn”.
Bà K’Đuôi người mẹ của 5 cử nhân
Ông Y Linh, có 4 đứa con đều học xong cử nhân cho biết: “Không nuôi được các con của mình theo học đại học như những người hàng xóm thì thấy mình kém cỏi quá. Ở buôn mình giờ đây ai cũng mang tâm lí ấy hết”. K’Bràn trưởng làng Ka Ming mở cuốn sổ ghi danh những người tài của làng tự hào nói: “Ka Ming có một thạc sĩ. Anh này tên Tou phui B’rơh, từng học chung với tui thời trung học.
Hồi đó, chúng tôi học giỏi và ham học lắm. Nhóm chúng tôi có ba người, một buổi đi học, một buổi đi kiếm củi, săn thú rừng đem đổi gạo. Nhà tôi nghèo, không đủ tiền đi học lên cao nữa, tiếc lắm. Thằng B’rơh học xong Đại học Y khoa, ra trường làm bác sĩ ở bệnh viện tỉnh. Sau đó, học sau đại học lấy bằng thạc sĩ. Còn cử nhân thì nhiều lắm”.
Thầy giáo Ka Hảo, Trường THCS Gung Ré khẳng định: “Phong trào học tập ở xã này thì nhất Tây Nguyên. Nhất là ở làng Ka Ming hầu hết học sinh giỏi trong trường là con em của làng Ka Ming cả”. Với gần 20 năm gắn bó với nghề dạy học, thầy Hảo được các giáo viên trong trường xem như tấm gương về sự bền bỉ trong nghề. Thầy Hảo luôn tâm niệm, phải dạy thật tốt để đáp lại lòng hiếu học của con em đồng bào Cơ ho. Đã là thầy thì dù ngày nắng hay ngày mưa cũng lên lớp đúng giờ vì thầy phải là gương cho trò, mình không nghỉ ngày nào, các em cũng sẽ tự giác đi học.
Làng thay đổi nhờ có nhiều cử nhân
Ông K’Bràn chia sẻ: “Cũng nhờ có hơn 100 cử nhân nên làng Ka Ming mới “lột xác”, mới đổi thay được. Khi họ học xong, không làm ở địa phương này thì làm ở đại phương khác. Có thu nhập họ gửi tiền về cho gia đình xây dựng, kiến thiết. Có những người thì quay về triển khai các mô hình sản xuất và trồng trọt cho năng suất cao hơn. Hiện có gần 40 cử nhân là người của làng đang làm việc trong các cơ quan tỉnh Lâm Đồng.
Ông Y Bum, một trong những người từng không thích cho con đi học chữ vì cho rằng cứ bám lấy rừng rẫy rồi cũng no đủ. Nhưng rồi, ông đã thấu hiểu dần ra chỉ có học hành mới có thể làm đổi thay gia đình mình, tương lai của con mình. Ông bảo: “Bây giờ thì buôn làng đã hiểu cái tâm, cái bụng của các thầy cô giáo rồi nên hăng hái động viên con em đến trường học nhiều lắm. Đứa nào nhác học là bố mẹ cầm tay dắt đến trường rồi mới đi làm rẫy sau. Các cháu thấy bạn mình đi học cũng bắt trước nhau thi đua nhau học tập. Chỉ có học mới thoát nghèo được, học để về xây dựng quê hương.
Trước kia mình không hiểu nên không muốn cho con đi học”. Ông K’Sen Tam Bour cũng tâm sự; thời phong kiến cũng như thời ngụy, thấy con nhà giàu đi học, chúng tôi ai cũng thấy xa vời và chẳng dám ước mơ được như thế. Người dân nghèo chỉ biết ngày này tháng nọ với cái cuốc con trâu hết lên rẫy bẻ bắp rồi lại vào rừng kiếm củi chứ không có điều kiện đi học. Cứ thế, dần dần trai gái trong buôn lớn lên quen dần với việc lao động thật khỏe phụ giúp gia đình, lập gia đình sinh con mà không ai quan tâm đến việc đi học kiếm cái chữ.
Già làng K’Set Tambou và con trai đang học đại hoc
Cái nghèo cứ thế đeo bám hết ngày này đến tháng nọ. Sau giải phóng, các cán bộ đến tuyên truyền về tác dụng của việc nâng cao dân trí, thi đua học tập. Đó là con đường làm thay đổi quê hương. Người dân trong làng một lòng tin theo và giờ đây niềm tin ấy đã thành sự thật rồi. Và, cũng nhiều năm nay; những đứa trẻ ở buôn Ka Ming khi bước chân tới trường đều nhận được một lời như giao ước từ cha mẹ: học đi để mai này đỡ phải gánh củi, đỡ phải chịu cái nắng, cái gió trên rẫy, để có được hạt gạo bỏ bụng.
Lớn lên dần, trưởng thành dần thì những bà mẹ, những già làng lại dặn con mình học làm cử nhân để làm giàu cho quê hương. Bhong Re, một trong những cử nhân tốt nghiệp loại giỏi ngành kinh tế vừa về công tác tại UBND xã cho biết: Quay về phục vụ cho xã, huyện luôn là khát vọng của những cử nhân trong làng Ka Ming. Bởi họ muốn mình góp chút công sức làm thay đổi diện mạo của quê hương”.