THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:38

Là giáo viên, tôi hoang mang trước chủ trương “tích hợp”

 

Khi nhậm chức, Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận xác định có 8 nhiệm vụ phải thực hiện trong nhiệm kỳ. Những nội dung lớn trong đó là: Xây dựng Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; trình Quốc hội Nghị quyết đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; quy hoạch hệ thống các trường cao đẳng, đại học sư phạm; quản lý chặt chẽ việc dạy thêm học thêm... 

 

Ảnh minh họa.


Điểm lại những việc Bộ trưởng đã làm và sắp thực hiện, cá nhân tôi là giáo viên trực tiếp giảng dạy không khỏi lo lắng, hoang mang cho tương lai nền giáo dục nước nhà. Có nhiều vấn đề giáo dục hiện nay tôi muốn đề cập,

nhưng trong giới hạn bài viết này tôi chỉ phân tích về chiến lược tích hợp.

Kỳ thi tích hợp

Bộ Giáo dục và Đào tạo gộp hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi đại học, cao đẳng vào thành một kỳ thi THPT quốc gia với mục tiêu "giảm áp lực cho học sinh, giảm chi phí nhà nước và xã hội...". Có giảm hay không và giảm được bao nhiêu thì chưa biết vì Bộ mới nói vậy chứ chưa có con số thống kê so sánh rõ ràng. Nhưng việc dồn hai kỳ thi với hai mục đích khác nhau đã tạo ra nhiều hậu quả.

Kỳ thi THPT quốc gia làm rối loạn định hướng nghề nghiệp dựa trên sở trường và mong muốn của thí sinh. Nếu như trước đây học sinh chọn ngành nào sẽ xác định từ đầu thì bây giờ các em mất định hướng, chỉ cần đủ điểm và an toàn là nộp hồ sơ. Cứ thi đã, đủ điểm vào đâu thì vào đó. Nó gây ra tình trạng nhốn nháo "chưa từng có" ở nhiều trường đại học lớn với cảnh phụ huynh học sinh từ nơi xa xôi vạ vật, chen lấn, lo lắng rút, nộp hồ sơ cho thí sinh. 

Dạy tích hợp

Dạy tích hợp là gì? Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển trả lời trên VTV rằng "Giáo viên hiện nay có thể dạy được các môn tích hợp bởi kiến thức phổ thông thầy cô đã được học từ thời phổ thông, khi lên đại học lại được học thêm nên có đầy đủ kiến thức cơ bản, chỉ cần học thêm một chút là dạy được. Sắp tới, qua quá trình bồi dưỡng và đào tạo mới của trường sư phạm, một giáo viên sẽ dạy được cả một môn tích hợp chứ không cần phân cho nhiều người dạy".

Cá nhân tôi đánh giá phát biểu đó cực kỳ chủ quan, cảm tính và phi giáo dục. Bởi xu hướng giáo dục hiện đại là thầy cô phải chuyên tâm và chuyên sâu, nói ngắn gọn là "học 10 dạy 1" chứ không phải "biết 1 dạy 3". Với kiến thức chuyên sâu như chương trình THPT, để tìm được một thầy cô giỏi, dạy tốt một môn ở cả 3 khối học 10-11-12 đã là hiếm. Vậy bây giờ đòi hỏi phải dạy tích hợp nhiều bộ môn có lẽ rất phi thực tế.

Chưa kể chất lượng đầu vào ngành Sư phạm mấy năm gần đây liên tục giảm, nhất là với các đại học sư phạm địa phương (có trường sư phạm địa phương điểm đầu vào chỉ 12-13, giáo viên toán tương lai mà điểm toán đầu vào 3-4 điểm thì sau này thầy cô đó có đảm bảo chất lượng giảng dạy không?). Điều gì sẽ xảy ra khi thầy cô đứng lớp cầm một cuốn sách, giảng giải một vấn đề mà chính thầy cô cũng chưa tường tận? Lúc đó sẽ phổ biến tình trạng hình thức, gượng gạo, chán nản, chống đối trong giảng dạy. Và việc đánh giá cho điểm học sinh, tổ chức, phân công giảng dạy... sẽ còn nhiều việc phải bàn luận.

Chương trình tích hợp

Theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, các môn học sẽ được gộp chung thành một vài bộ môn. Môn khoa học tự nhiên gồm: Lý - Hóa - Sinh. Môn Khoa học xã hội gồm: Lịch sử - Địa lý. Môn Công dân với Tổ quốc gồm: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân, An ninh Quốc phòng. Việc tích hợp các môn học như vậy theo tôi quá cảm tính, phi khoa học và nhiều bất cập.

Thứ nhất, các cấp quản lý, đội ngũ giáo viên đã sẵn sàng chưa? Có đủ đảm đương không? Khi mà theo khảo sát sơ bộ của các trang báo đa số thầy cô còn cảm thấy bất an và mơ hồ. Chỉ dựa vào số ít giáo viên thí điểm và những bài dự thi dạy tích hợp có lựa chọn mà đưa vào áp dụng cho gần một triệu giáo viên và toàn hệ thống chương trình thì có quá mạo hiểm không? Việc tổ chức, phân công giảng dạy, đánh giá kết quả học tập của học sinh sẽ thế nào?

Thứ hai, tích hợp chương trình sẽ làm xói mòn, lu mờ tính khoa học, ý nghĩa giáo dục và đặc thù riêng từng bộ môn, nhất là với các chương trình chuyên sâu như chương trình các môn THPT. Tôi lấy ví dụ, môn Vật lý và môn Hóa học cũng chỉ chưa tới 5% kiến thức tương đồng vì môn Vật lý là nghiên cứu về quy luật vận động, còn môn Hóa là nghiên cứu về sự chuyển hóa các chất, môn Vật lý và môn Sinh học thì sự liên hệ gần như bằng không. Vậy tích hợp thế nào?

Hay môn Lịch sử là môn học phải đảm bảo tính trung thực, có hệ thống theo không gian và thời gian xuyên suốt quá trình của dân tộc và nhân loại, là bài học mang tính chất ý thức hệ và có ý nghĩa giáo dục cực kỳ to lớn mang tầm vóc cả dân tộc. Trong khi môn Giáo dục Công dân chỉ là chuẩn mực cư xử hiện thời, vậy sao có thể đánh đồng và tích hợp được...

Mỗi dân tộc đất nước đều có bản sắc văn hóa, tôn giáo, lịch sử, điều kiện kinh tế, thể chế chính trị đặc trưng. Chẳng hạn với đất nước hơn 300 năm lịch sử như Mỹ, Australia... hay chỉ vài chục năm như Singapore, Israel thì có thể tích hợp ở mức độ nào đó. Còn chúng ta, một dân tộc có niềm tự hào với bề dày lịch sử 4.000 năm, mỗi trang sử là máu xương bao thế hệ cha ông, nó là động lực, niềm cổ vũ to lớn của nhân dân trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, vậy ta có nên bắt chước họ tích hợp không?

Trong giáo dục mỗi môn học đều có đặc trưng riêng, nội hàm riêng, ý nghĩa riêng. Thậm chí giáo viên giảng dạy mỗi bộ môn còn bị tác động hình thành tính cách và nhân sinh quan riêng khi giảng dạy bộ môn của mình. Đem tư duy lắp ráp cơ học, phép cộng đại số làm tư duy tích hợp là cực kỳ phi giáo dục và thiển cận. Sự lắp ráp cơ học mô hình đó sẽ tạo ra một nền giáo dục không giống ai, như thể ta đang cố ghép "đầu con voi" với "bụng dạ con heo" và "đuôi con chuột" để sáng tạo thành một "loài mới" cho mình.

Theo Bùi Gia Nội (Giáo viên môn Vật lý, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) / vnexpress.net

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
2 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh