THỨ BẨY, NGÀY 14 THÁNG 12 NĂM 2024 04:48

Kỳ vọng quá lớn và nỗi khổ trẻ thơ

ảnh 3

Áp lực đẩy trẻ vào ngõ cụt?

Trong tháng 3 năm 2022, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 (Tổng đài) nhận được điện thoại của bé gái 14 tuổi (Hà Nội) từng là học sinh giỏi đứng đầu lớp, nhưng 3-4 tháng nay cảm thấy bị áp lực, mệt mỏi, không biết bản thân muốn gì, thường xuyên cáu giận với người xung quanh và từng nghĩ đến chuyện tự sát. Bố mẹ là giáo viên, chị gái học giỏi, gia đình kỳ vọng em thi vào trường chuyên nhưng em sợ sẽ bị trượt nên luôn cảm thấy bị áp lực, kết quả học tập giảm sút, em cảm thấy bế tắc.

Trong quá trình trực Tổng đài, các chuyên gia tư vấn nhận được khá nhiều cuộc gọi của trẻ em liên quan đến buồn chán, stress do áp lực học tập.

Chị Nhung (Hà Nội) có con học lớp 6 chia sẻ: 5 năm tiểu học, con chị là học sinh giỏi, yêu thích việc đến trường học tập, thế nhưng khi vào lớp 6 chuyển cấp sang trường mới lại phải học online vì dịch bệnh nên con không thích học. Mỗi khi phải làm rất nhiều bài tập, con luôn kêu khổ và nói “ước gì mình không có trên thế giới này”. Chị Nhung đang lo con nghĩ quẩn vì thấy con có biểu hiện dửng dưng với cuộc sống. Liệu học tập quá tải có phải là một trong những lý do khiến con cảm thấy bị áp lực?

Trao đổi về vấn đề này, Ths. BS Trần Quyết Thắng, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho biết, từ tháng 6/2021 đến nay, số lượng cuộc gọi đến đường dây nóng - phòng khám Bệnh viện đề nghị tư vấn về sức khỏe thâm thần gia tăng, trong đó gần 50% là yêu cầu được hỗ trợ về tâm lý, sức khỏe tâm thần cho học sinh. Cũng trong thời gian này, Bệnh viện đã tiếp nhận 491 trẻ vị thành niên đến khám bệnh do liên quan đến vấn đề tâm lý. Trong đó, có 20 trẻ phải vào điều trị nội trú.

Trong đợt Covid-19 bùng phát phải thực hiện giãn cách xã hội, trẻ em buộc phải ở nhà học trực tuyến, khoa Sức khỏe tâm thần ở các bệnh viện, nhất là Bệnh viện Nhi Trung ương cũng tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ em tự tử bằng thuốc. Nguyên nhân dẫn đến hành động dại dột này là do bị gia đình trách mắng, bạn bè trêu chọc về thành tích học tập… đã tạo nên áp lực đối với trẻ. Kể cả khi may mắn được cứu kịp thời, không ảnh hưởng đến tính mạng, nhưng những tổn thương tâm lý cũng sẽ ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống của các em.

Mới đây, trong lần lấy ý kiến về Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, đóng góp thêm vào nhận diện hành vi bạo lực gia đình, Bộ trưởng Bộ GD&ÐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, hiện tượng cha mẹ kỳ vọng quá lớn vào con cái dẫn đến yêu cầu các cháu phải học đến 2-3 giờ sáng cũng như mong muốn con cái cứ phải được điểm 10, phải đi theo nghề nghiệp cha mẹ chọn, con cái phải trở thành niềm hãnh diện của cha mẹ… đã tạo ra áp lực, vượt quá năng lực, khả năng của trẻ em. Ðây cũng là hành vi bạo lực gia đình về tinh thần nên trong dự án Luật cần diễn đạt rõ hơn về việc không gây áp lực quá lớn trong lao động và học tập cho trẻ em.

Nhiều trẻ cảm thấy buồn chán, Stress do áp lực học tập.

Nhiều trẻ cảm thấy buồn chán, Stress do áp lực học tập.

 Giảm áp lực và luôn lắng nghe, chia sẻ cùng con

Nuôi dạy trẻ là quá trình chăm sóc, vun trồng cả về thể chất lẫn tinh thần. Mục tiêu là giúp trẻ trưởng thành, có lối sống lành mạnh, tâm trí sáng suốt để sống tự lập, thiện ích. Quá trình này luôn gắn bó chặt chẽ với đặc trưng tính cách của con trẻ. Thiên chức của cha mẹ là nuôi dạy con, dành cho con những gì tốt đẹp nhất để giúp con lớn lên mỗi ngày với tình yêu thương vô điều kiện.

Tuy nhiên, nếu mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái bị biến đổi thành một sự đầu tư, có vay trả, có áp lực thì đứa trẻ rất khó có được một tuổi thơ đúng nghĩa. Không ít bậc phụ huynh kỳ vọng vào thành tích học tập, nghề nghiệp tương lai của con mà trở nên hà khắc, khiến con buộc phải “chín ép”. Khái niệm này đã được nhà giáo dục, nhà tâm lý học David Elkin phân tích trong cuốn sách “Những đứa trẻ chín ép” như sau: “Tuổi thơ đã bị thương mại hóa. Hơn bao giờ hết, các bậc cha mẹ đang chịu áp lực phải sắp xếp quá nhiều hoạt động vào thời gian biểu của trẻ, trong đó có thể có những hoạt động không phù hợp với độ tuổi. Vì họ sợ nếu không làm vậy, con họ sẽ bị tụt hậu. Cộng thêm các áp lực thi cử ngày càng gia tăng. Việc thi cử được sử dụng ngày càng nhiều và được coi là tiêu chí đánh giá nhận vào trường, cho lên lớp”. 

Trên thực tế, những vụ việc trẻ em trầm cảm, tự sát vô cùng thương tâm xảy ra  trong thời gian gần đây đã gửi đến các bậc phụ huynh, thầy cô giáo một thông điệp đáng suy ngẫm về cách nuôi dạy con trẻ. Nếu chúng ta nuôi dạy theo kiểu hối thúc, đặt quá nhiều kỳ vọng, niềm tin vào con thì đứa trẻ vô tình bị thúc “chín ép”, không còn thời gian cho những hoạt động hồn nhiên của tuổi thơ.

Trẻ em cần có tuổi thơ đúng nghĩa, bởi việc xuất sắc, vượt trội hơn bạn bè đồng trang lứa trong hiện tại, không có nghĩa rằng chắc chắn các em sẽ hạnh phúc và duy trì được năng lực của bản thân trong tương lai. Thay vào đó, cha mẹ nên ở bên khuyến khích, dẫn dắt và chia sẻ cuộc sống với trẻ, để trẻ phát triển và dần hoàn thiện phẩm chất.

TS Ngô Anh Vinh, Phó Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên (Bệnh viện Nhi Trung ương) đưa ra lời khuyên, những mâu thuẫn với gia đình, bạn bè, xã hội hoặc áp lực học hành, yếu tố bạo lực gia đình, học đường nhưng không được chia sẻ, giải quyết khiến trẻ vị thành niên nghĩ đến cái chết. Một trong nhưng dấu hiệu rõ nhất của việc trẻ suy nghĩ, hành động tiêu cực là rối loạn giấc ngủ. Do vậy, phụ huynh cần quan sát con trẻ, lắng nghe, chia sẻ và tìm hiểu nguyên nhân để tìm cách xử lý kịp thời.

Nguyễn Phú Hoàng Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh