Khởi nghiệp nâng cao giá trị nông sản cho vùng biên
- Huyệt vị
- 11:11 - 18/04/2023
Bỏ Sài Gòn náo nhiệt từ những năm 2015 về quê chồng lập nghiệp ở xã Ia Vê huyện Chư Prông tỉnh Gia Lai, chị Lưu Thị Thoa sinh năm 1987 đã bị những sản phẩm nông sản của địa phương “lay động”. Với tính nhanh nhạy của dân văn phòng, chị liên tục online trên mạng xã hội bán những sản phẩm như cà phê, bột ngũ cốc, hạt mắc ca.
"Đối thủ" cùng xóm là chị Nguyễn Thị Hà sinh năm 1986, là một giáo viên THPT ở thành phố Biên Hoà cũng bỏ nghề theo chồng về quê lập nghiệp tại làng Aneh, xã Ia Vê, huyện Chư Prông. Sau thời gian sinh sống ở quê chồng, chị Hà nhận thấy cà phê, mắc ca, mãng cầu cùng nhiều loại cây khác có giá trị mà chưa được khai thác sâu. Do đó, chị Hà đã bắt tay chế biến sâu và tiến hành bán online trên mạng xã hội.
Vốn lớn lên tại địa phương, chị Phan Thị Thơm sinh năm 1984 thấy việc làm của chị Hà, chị Thoa quá ý nghĩa vừa tăng được thu nhập cho gia đình vừa giải quyết đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp ở địa phương. Thế là ba chị cùng thoả thuận hợp tác, người bỏ đất làm mặt bằng, người góp tiền làm nhà xưởng, người mua máy móc thiết bị về làm. Đầu năm 2022, Công ty TNHH Sản xuất thương mại An Lệ Phú được thành lập.
Dựa trên tỷ lệ góp vốn, chị Lưu Thị Thoa được thống nhất làm Giám đốc Công ty non trẻ. Sau thành lập, các thành viên sáng lập cũng xác định những sản phẩm chủ lực hướng đến thị trường là cà phê, hạt mắc ca, trà mãng cầu và bột ngũ cốc. Đây là những sản phẩm có vùng nguyên liệu lớn tại địa phương đảm bảo cho sản xuất của công ty. Để chắc chắn, chị Phan Thị Thơm - thành viên sáng lập Công ty còn đi vận động người dân sản xuất liên kết với đơn vị để bao tiêu sản phẩm.
Mỗi sản phẩm làm ra của An Lệ Phú đều được tự chính tay ban lãnh đạo kiểm nghiệm thực tế, đảm bảo mùi, sắc và hương vị. Khi sản phẩm đã đạt được yêu cầu mới sản xuất hàng loạt hướng đến an toàn và sức khoẻ cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, sản phẩm cũng được gửi đi kiểm tra chất lượng tại trung tâm kiểm định.
Sau nhiều cố gắng học hỏi từ cách làm đến cách chế biến, Mộc Coffe đang là sản phẩm của Công ty TNHH Sản xuất thương mại An Lệ Phú được chứng nhận OCOP ba sao của tỉnh Gia Lai.
Các sản phẩm còn lại như trà mãng cầu, bột ngũ cốc từ các loại hạt đậu, hạt mắc ca đều được kiểm định chất lượng và công bố chất lượng. Một điều kiện thuận lợi cho Công ty đó là các thành viên sáng lập đã có mối bán hàng sẵn từ trước, nên sau khi thành lập Công ty lượng đơn hàng được ổn định. Nhờ đó, doanh thu hiện nay của công ty ổn định ở mức 300 triệu đồng một tháng. “Có mấy tháng Tết ấy, doanh thu của công ty gần 500 triệu một tháng, nhưng sau Tết thì lượng hàng tiêu thụ ít hơn nên doanh thu bằng đấy là mọi người đã cố gắng lắm rồi”, chị Lưu Kim Thoa - Giám đốc công ty chia sẻ.
Nhờ đó, thu nhập lương công nhân cố định được hơn 6 triệu đồng/ tháng. Ngoài ra Công ty còn sử dụng hàng chục công nhân thời vụ để đáp ứng việc sản xuất theo đơn hàng.
Ban lãnh đạo Công ty cũng làm việc như một công nhân bình thường, không có sự phân biệt. Mỗi người đều được giao một khâu trong toàn bộ quá trình sản xuất đến đóng gói. Nhờ hợp lý hoá sản xuất, các chi phí được tiết giảm tối đa.
Tuy nhiên khó khăn của doanh nghiệp chính là sản phẩm cùng loại trên thị trường hiện diện ở nhiều nơi khắp các tỉnh Tây Nguyên. Ngoài các sản phẩm OCOP ra, thì còn phải cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp ở Đắk Lắk, sản xuất các sản phẩm trà mãng cầu, cà phê, mắc ca, bột ngũ cốc tương đồng với Gia Lai. Vốn đầu tư sản xuất cũng đang được cân nhắc để huy động vốn ngắn hạn của ngân hàng và lên kế hoạch cho các chương trình gọi vốn.
Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu cho sản xuất của Công ty trong vùng đang bị giảm sút do người dân ồ ạt chặt cà phê trồng chanh dây cho thu nhập cao hơn.
Chị Lưu Thị Thoa – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại An Lệ Phú cũng cho biết “đơn vị đang tìm vùng nguyên liệu mới, ký hợp đồng với người nông dân để họ đồng hành cùng nhà máy. Nếu không làm được điều này thì nguồn nguyên liệu sẽ bị gián đoạn trong tương lai.”
Định hướng thị trường của Công ty An Lệ Phú, là phát triển điểm bán lẻ, điểm phân phối tại thị trường tỉnh Gia Lai và các tỉnh phía Bắc. Quy hoạch vùng trồng để cung cấp nguồn nguyên liệu cho sản xuất ổn định. Tiếp tục làm các sản phẩm khác đạt chứng nhận OCOP. Ký hợp đồng bao tiêu đầu ra, giúp nông dân địa phương hưởng lợi chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp. Nâng cao chất lượng cạnh tranh với các sản phẩm tỉnh bạn để có chỗ đứng vững trong thị trường.