THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:06

Khát vọng con chữ nơi bản xa

 

Thầy cô hướng dẫn các chị viết chữ cái

Nơi bản nghèo quý con chữ

Ở những bản làng các xã vùng sâu, vùng xa hành trình đến với con chữ của trẻ em còn lắm khó khăn, gập ghềnh vậy mà không ít phụ nữ hằng ngày lên rẫy nương, đêm về vẵn cố gắng đến lớp chuyên cần học biết con chữ. Thôn Bình Lợi, xã Cư Mlan, huyện Ea Súp, Đak Lak nằm sâu trong tận “lõi rừng”, bốn bề được bao phủ bởi đồi núi. Con đường đất đỏ bụi đá là lối đi duy nhất vào thôn. Anh Bế Văn Long (trưởng thôn Bình Lợi) cho biết: Năm 2003, bà con miền núi phía bắc chủ yếu là dân tộc Mông, Dao di cư vào đây lập nghiệp. Cuộc sống của họ và con cháu được sinh ra và lớn lên từ những củ sắn, củ mài do núi rừng ban tặng. Sự khó khăn về địa hình, giao thông hiểm trở khiến người dân nơi đây không thoát khỏi cái đói, cái nghèo và mù chữ. Năm 2011 thôn Bình Lợi được thành lập, với tổng số 243 hộ, 991 khẩu. Nhưng hầu như người dân đều lâm vào tình trạng mù chữ. Bản chỉ có vài ba người biết chữ.

Sau những chuyến đi thực tế về những vùng sâu vùng xa, khi đặt chân đến vùng đất này, anh Lê Hồng Hạnh, Bí thư huyện đoàn Ea Súp quyết không để các em mù chữ, anh đã vận động mạnh thường quân, tổ chức xã hội khắp cả nước chung tay ủng hộ. Ngôi trường đầu tiên ở thôn Bình Lợi được khởi công xây dựng ngày 17/7/2014, thuộc phân hiệu Trường Tiểu học Cư M’lan. Từ đó, sự học mới thấp thoáng được nảy mầm giải tỏa cơn khát chữ cho 200 học sinh mầm non đến lớp 5.  Em Lý Thị Hương (lớp 4) cho biết: Nhà ở xa, để đến được trường học các em phải vượt gần 10 km đường rừng hiểm trở. Học cái chữ khó hơn đi vào rừng kiếm củi, nhưng em vẫn muốn được đi học để sau này làm cô giáo.

Xung quanh núi rừng trập trùng bát ngát nằm lọt thỏm như một ốc đảo dưới chân đèo Đắk Nuê hiểm trở, điểm Trường Tiểu học Y Ngông Niê Kdăm ở buôn Đắk Sar (xã Đắk Nuê, huyện Đắk, Đắk Lắk) được xây dựng kiên cố từ 2014, trước kia trường được dựng bằng tranh tre ở trên đồi cao. Hiện nay, trường có 8 giáo viên với 270 học sinh.  Nơi đây, ngày ngày các thầy cô giáo vẫn âm thầm miệt mài “gieo” từng con chữ cho những học sinh nghèo.

Các em nhỏ thôn Bình Lợi đi học

Có những điểm dân cư xa trường gần 10km lại cách trở đồi núi Buôn Đăk Sar được thành lập năm 2011, có 263 hộ thì đến 246 hộ nghèo, dân cư chủ yếu là đồng bào người Mông từ phía Bắc di cư vào. Những ngày trời mưa, từ sáng tinh mơ từng tốp học sinh gói cơm mang theo lội bộ đến trường. Em Lồ Seo Phóng (lớp 5) chia sẻ: “Em đi học từ lúc 5 giờ sáng, thức dậy nắm lấy gói xôi là đi liền. Đường xa nên phải chịu khó thôi, ít khi em nghỉ học lắm”.

Cô H’Phin Êung (SN 1986), tâm sự: “Cũng vì tình thương với học sinh, không muốn các em bị mù chữ nên các thầy cô giáo chấp nhận mọi khó khăn để ở lại dạy chữ cho các em. Cũng vì trách nhiệm, tâm huyết với nghề nên ai cũng tự nhủ phải nỗ lực nhiều hơn nữa”. Tiếng Việt các em nói chưa rành mạch, nghe, hiểu hạn chế đã gây khó khăn lớn trong việc truyền đạt kiến thức đến học trò. Điều đáng quý là học trò ở đây rất quý và nghe lời giáo viên.

Giờ tập đọc của các chị em buôn Krang và Kmăl

Học chữ khi tóc đã điểm bạc trên mái đầu

Buôn Krang và buôn Kmăl, xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, Đak Lak 98% là đồng bào dân tộc Ê Đê, cuộc sống ở đây khó khăn vất vả. Chị H’Phưng (42 tuổi) hý hoáy tập viết tên mình trên trang giấy trắng, cười tươi: “Với mong muốn giúp chị em Êđê được học chữ, huyện đoàn Krông Ana và Hội phụ nữ huyện đã phối hợp tổ chức lớp học xóa mù chữ tại 2 buôn. Những ngày cuối tuần chị em trong buôn lại lên nhà văn hóa cộng đồng để học chữ. Bây giờ chúng tôi cũng thạo những từ cơ bản, đã viết được tên mình không còn phải điểm chỉ khi đi làm giấy tờ, vay vốn, ký nhận tiền quà hỗ trợ.

Anh Đức Hiệp, phó bí thư huyện Đoàn, Chủ tịch ủy ban Hội liên hiệp thanh niên huyện Krông Ana cho biết: Lớp học của 2 buôn này khai giảng ngày 27/5/2016 dành cho chị em phụ nữ Ê Đê từ 40- 45 tuổi. Đội ngũ giảng dạy ở đây khoảng 10 giáo viên là những thanh niên tình nguyện, giáo viên đang dạy các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và cả những người ngoài ngành sư phạm. Dù không được hỗ trợ gì nhưng các thầy, cô giáo vẫn nhiệt huyết, tận tình đến lớp dạy từng bài học, uốn nắn từng nét chữ cho học viên

Lớp học của chị H’Hồng Kdoh, chi hội trưởng phụ nữ buôn Phơng, xã Cư DliêMnông, huyện Cư Mgar, mở từ đầu năm 2015 đến nay đã tạo điều kiện cho phụ nữ lớn tuổi trong buôn đến lớp học chữ. Với sự cố gắng ham học hỏi, hiện tại hầu hết phụ nữ trong buôn đã đọc thông, viết thạo, biết ký tên mình. Chị H’Hồng Chia sẻ: “chứng kiến cảnh bà con trong buôn mỗi lần lên xã nhận quà trợ cấp, hay làm giấy tờ đều phải điểm chỉ vì không biết chữ tôi rất trăn trở. Vào những buổi họp phụ nữ có một số chị mong muốn sẽ có người mở lớp dạy chữ để học. Chúng tôi mượn được một phòng học của trường tiểu học Lê Quý Đôn mở lớp vào các buổi tối thứ 6, 7 và chủ nhật dạy chữ cho các chị em”.

Chị H’Thung (45 tuổi) cảm động: “Chị Hồng rất tận tâm, dạy chúng tôi học bảng chữ cái, cách đánh vần, ghép từ. Mỗi khi đến cuối tuần chị em trong buôn lại háo hức tranh thủ đi làm về thật sớm, lo cơm nước cho gia đình để kịp đến lớp học chữ. Bây giờ không chúng tôi còn cảnh lơ ngơ điểm chỉ bằng tay và đã tự tin tham gia các lớp tập huấn, hội thảo về mô hình phát triển kinh tế”.

Lê Nhuận

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh