Khắc phục tối đa những khoảng trống trong bảo đảm quyền trẻ em
- Xe máy
- 11:37 - 01/07/2023
Xây dựng kế hoạch thực hiện Khuyến nghị của Ủy ban Quyền trẻ em của Liên hợp quốc tổng thể, đồng bộ
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, với nhiệm vụ và trách nhiệm là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước giúp Chính phủ trong việc điều phối, phối hợp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, Bộ LÐ-TB&XH tổ chức Hội thảo tham vấn với mục đích xây dựng được Kế hoạch thực hiện Khuyến nghị của Ủy ban Quyền trẻ em của Liên hợp quốc một cách tổng thể, đồng bộ, phù hợp với điều kiện và ưu tiên của Việt Nam để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Việc thực hiện khuyến nghị một mặt vừa thể hiện tính ưu tiên nhưng cũng đảm bảo tính khả thi, gắn với chương trình, kế hoạch và lộ trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam nói chung cũng như pháp luật về trẻ em nói riêng từ nay đến năm 2027 theo yêu cầu của Ủy ban quyền trẻ em, và xa hơn năm 2030 là thời điểm Việt Nam đánh giá thực hiện các cam kết mạnh mẽ của chúng ta với các Mục tiêu phát triển bền vững SDGs.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, Ủy ban Quyền trẻ em Liên hợp quốc đã nêu lên các khuyến nghị về hoàn thiện luật pháp, chính sách, đặc biệt là chỉ ra các điểm đi vào chiều sâu, cụ thể, yêu cầu cao hơn, mang tính đổi mới về phương pháp tiếp cận, đa ngành, nhiều chiều đối với việc bảo đảm quyền trẻ em. Ðể thực hiện tốt các khuyến nghị đó, các bên liên quan, từ trung ương tới địa phương phải có trách nhiệm cao hơn, nỗ lực nhiều hơn, khắc phục tối đa những khoảng trống trong bảo đảm quyền trẻ em tại Việt Nam.
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia đã trao đổi, xác định rõ những ưu tiên đặt ra trong thực hiện nội dung khuyến nghị của Ủy ban Quyền trẻ em Liên hợp quốc phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam. Ðó là, sửa đổi các điều có liên quan của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Trợ giúp pháp lý và các luật có liên quan khác để hình sự hóa rõ ràng hoạt động dẫn dắt tình dục trực tuyến và bảo vệ tất cả trẻ em trai và gái, bao gồm cả trẻ em từ 16 đến 17 tuổi, khỏi mọi hình thức bạo lực, bao gồm lạm dụng và bóc lột tình dục, buôn bán và lạm dụng tình dục trẻ em. Bên cạnh đó, thiết lập cơ chế, thủ tục, hướng dẫn để bảo đảm báo cáo là bắt buộc và sự can thiệp liên ngành, nhạy cảm với trẻ em trong các trường hợp bạo lực đối với trẻ em, hỗ trợ nạn nhân trẻ em được đoàn tụ với gia đình… Cùng với đó, phải bảo đảm trẻ em có quyền truy cập vào cơ chế khiếu nại bí mật, thân thiện với trẻ em để báo cáo tất cả các hình thức bạo lực và xâm hại, khuyến khích trẻ em sử dụng các cơ chế đó. Mặt khác, cần bảo đảm rằng tất cả trường hợp bạo lực, bao gồm cả bóc lột và lạm dụng tình dục trẻ em trong, ngoài gia đình và trong môi trường kỹ thuật số, được điều tra hiệu quả, áp dụng phương pháp tiếp cận đa ngành và thân thiện với trẻ em để ngăn ngừa trẻ trở thành nạn nhân thứ cấp. Ðặc biệt, phải bảo đảm rằng thủ phạm bị truy tố và trừng phạt bằng các hình phạt tương xứng với mức độ nghiêm trọng của các hành vi họ gây ra, đồng thời, cung cấp sự hỗ trợ và bồi thường toàn diện cho các nạn nhân trẻ em…
7 ưu tiên trong công tác thực hiện quyền trẻ em tại Việt Nam
Nêu lên một số ưu tiên trong công tác thực hiện quyền trẻ em, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LÐ-TB&XH) Ðặng Hoa Nam cho biết: Thời gian tới, Cục Trẻ em sẽ phối hợp với các cơ quan nghiên cứu chỉnh sửa các văn bản liên quan về trẻ em, trong đó có việc nâng độ tuổi trẻ em là người dưới 18 theo CRC (định nghĩa trẻ em); Phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, tham mưu để thông qua một đạo luật toàn diện về tư pháp trẻ em, cung cấp khuôn khổ pháp lý cho hệ thống tư pháp với trẻ em. Cùng với đó, tăng cường năng lực và tăng cường tài trợ cho cơ chế và dịch vụ bảo vệ trẻ em, bao gồm thông qua việc triển khai các cán bộ làm nghề công tác xã hội được đào tạo chuyên nghiệp và cán bộ bảo vệ trẻ em ở cấp xã, huyện, tỉnh.
Ông Ðặng Hoa Nam cũng cho biết, thời gian tới phải đảm bảo Kế hoạch Hành động Quốc gia về Thực hành kinh doanh có trách nhiệm tích hợp đầy đủ các quyền của trẻ em. Cung cấp hướng dẫn cho tất cả những người có thẩm quyền có liên quan khi xác định lợi ích tốt nhất của trẻ trong mọi lĩnh vực và coi những lợi ích đó là yếu tố ban đầu. Ðồng thời, tăng cường năng lực và tăng cường tài trợ cho cơ chế và dịch vụ bảo vệ trẻ em, bao gồm thông qua việc triển khai các cán bộ làm nghề công tác xã hội được đào tạo chuyên nghiệp và cán bộ bảo vệ trẻ em ở cấp xã, huyện, tỉnh.
“Việt Nam sẽ hoàn thiện và thông qua các hướng dẫn quốc gia về các tiêu chuẩn chăm sóc tối thiểu và đảm bảo giám sát thường xuyên tất cả các cơ sở chăm sóc thay thế, bao gồm các trường nội trú, trung tâm trợ giúp xã hội và các cơ sở chăm sóc dựa vào cộng đồng khác; cung cấp đào tạo cho tất cả các nhân viên chăm sóc; Xây dựng một chương trình sức khỏe tâm thần dành riêng cho trẻ em, bao gồm các dịch vụ và tư vấn sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng tại trường học, gia đình và các cơ sở chăm sóc thay thế. Ðặc biệt, sẽ tăng cường công tác thanh tra lao động trẻ em nhằm xóa bỏ bóc lột kinh tế, bao gồm cả lao động trẻ em”, ông Ðặng Hoa Nam nhấn mạnh.