THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:59

ĐHQGHà Nội: Kết thúc an toàn buổi thi đánh giá năng lực đầu tiên

 

Thí sinh làm bài thi đánh giá năng lực.


Buổi thi đầu tiên (30/5) kết thúc với bài thi đánh giá năng lực và bài thi ngoại ngữ.

Tiên phong trong đổi mới tuyển sinh

Kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh vào các trường thành viên của ĐHQG Hà Nội là nhiệm vụ Bộ GD&ĐT giao cho ĐHQG Hà Nội trong việc đổi mới tuyển sinh theo đúng tinh thần tự chủ của Luật Giáo dục đại học. Kỳ thi này được coi là bước đột phá trong thi cử theo đúng tinh thần Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT.

Lần đầu tiên được tổ chức, nhưng do công tác chuẩn bị bài bản và kỹ lưỡng nên kỳ thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Những yếu tố kỹ thuật tưởng như đáng lo nhất là máy tính, hệ thống điện đều vận hành tốt, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của kỳ thi.

Đối với thí sinh, bước vào một cách thức thi mới, cho dù còn nhiều bỡ ngỡ nhưng các em đã nhanh chóng làm quen và thích ứng tốt. Thành công này phải kể đến công tác truyền thông của ĐHQG Hà Nội đã thực hiện hết sức chuyên nghiệp. Thông tin về kỳ thi có trên khắp các phương tiện thông tin đại chúng và website của ĐHQG Hà Nội.

Để đánh giá trình độ thí sinh các vùng miền nhằm đưa ra phương án thi tối ưu nhất có lợi cho thí sinh, ĐHQG Hà Nội đã không chỉ đưa thông tin về kỳ thi và các yếu tố liên quan lên các phương tiện thông tin đại chúng, mà còn tổ chức một cuộc thi thử cho học sinh Trường THPT Đại Từ (Thái Nguyên) - nơi có sự giao thoa giữa miền núi và đồng bằng.

Thành công của kỳ thi thử tại THPT Đại Từ là một trong những cơ sở quan trọng để ĐHQG Hà Nội tin tưởng vào thắng lợi của kỳ thi. Để giúp thí sinh làm quen với bài thi, thí sinh, người quan tâm có thể ở bất cứ đâu miễn là máy tính có nối mạng Internet là có thể tìm hiểu chi tiết về kỳ thi. Nếu muốn có thể tham dự thi thử, bài thi thử cũng được tính giờ và cho điểm như thi thật, kết thúc làm bài sẽ biết ngay điểm bài thi của mình.

Kết quả có ngay, đánh giá chính xác năng lực người học

Mỗi thí sinh làm một đề thi riêng do máy tính tổ hợp từ bộ cơ sở dữ liệu đề nguồn. Đề thi bao gồm 2 phần bắt buộc và tự chọn. Tổng số câu hỏi thí sinh phải thực hiện là 140 câu, tổng thời gian làm bài là 195 phút. 

Độ khó của các câu hỏi thi thuộc mỗi phần được phân định theo tỉ lệ: 20% ở cấp độ dễ, 60% ở cấp độ trung bình và 20% ở cấp độ khó. Cơ cấu kiến thức trong phần bắt buộc được phân bổ như sau: 10% kiến thức trong chương trình lớp 10; 20% kiến thức trong chương trình lớp 11; 70% kiến thức trong chương trình lớp 12.

Phần bắt buộc gồm 2 nội dung: Tư duy định lượng và tư duy định tính. Phần 1: Tư duy định lượng (Kiến thức Toán) gồm 50 câu hỏi với thời gian hạn định là 80 phút. Các câu hỏi của phần này có dạng câu hỏi trắc nghiệm 4 lựa chọn hoặc câu hỏi điền giá trị số. Phần 2: Tư duy định tính (Kiến thức Ngữ văn) gồm 50 câu hỏi với thời gian hạn định là 60 phút. Tất cả các câu hỏi của phần này đều có dạng câu hỏi trắc nghiệm 4 lựa chọn.

Phần tự chọn: Thí sinh chọn 1 trong 2 nội dung: Kiến thức Khoa học Tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học); Kiến thức Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Thí sinh lựa chọn một trong hai nội dung trên. Sau thời gian 2 phút nếu thí sinh không chọn một trong hai nội dung, máy tính sẽ mặc nhiên chọn nội dung Khoa học Tự nhiên. Mỗi nội dung có 40 câu hỏi trắc nghiệm lựa chọn, thời gian hạn định là 55 phút.

Thí sinh lần lượt làm hết phần bắt buộc, sau đó làm phần tự chọn. Kết quả thi của thí sinh được tính bằng tổng số câu trả lời đúng trong bài thi. Mỗi câu trả lời đúng được 1 điểm, câu trả lời sai hoặc không trả lời không được điểm. 

Tổng điểm toàn bài là 140 điểm, điểm số của thí sinh sẽ hiện lên ngay sau khi kết thúc bài làm. Kết quả thi của thí sinh sẽ được sử dụng để đăng ký xét tuyển vào các trường thành viên của ĐHQG Hà Nội, hoặc các ĐH, CĐ khác nếu những trường này sử dụng kết quả thi này để xét tuyển.

Mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015 này tất cả thí sinh có nguyện vọng theo học các trường thành viên của ĐHQG Hà Nội (trừ thí sinh được tuyển thẳng, xét tuyển thẳng) đều phải tham dự kỳ thi đánh giá năng lực. Thí sinh được đăng ký xét tuyển tối đa 3 ngành học của một đơn vị đào tạo theo thứ tự ưu tiên và được 1 lần rút hồ sơ để nộp vào ngành khác của trường, khoa trực thuộc đã nộp hoặc trường, khoa trực thuộc khác trong ĐHQG Hà Nội. Thí sinh đã trúng tuyển đợt 1 không được đăng ký xét tuyển đợt bổ sung.

theo giaoducthoidai.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
2 năm trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh