CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 10:56

Kết nối, hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng HIV

 

Giông tố kéo đến khi em L (xã Minh Lập huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) và mẹ nhận được kết quả xét nghiệm dương tính với HIV. Căn bệnh quái ác lây truyền từ người bố. Không lâu sau thì bố qua đời. Những gì bố để lại cho 2 mẹ con là căn nhà trống rỗng, gia cảnh túng thiếu và những lời dèm pha, dị nghị về căn bệnh mà mẹ con em đang mang trong mình. Nỗi buồn càng dài thêm, L cứ lặng lẽ lớn lên trong sự tự ti, cô đơn và mặc cảm mang tên HIV/AIDS.

Theo cán bộ làm cộng tác viên của mô hình kết nối dịch vụ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS xã Minh Lập, người có HIV/AIDS và trẻ em bị ảnh hưởng HIV/AIDS thường gặp khó khăn cuộc sống do mặc cảm. Ban đầu làm công tác này rất khó khăn, họ dè dặt, ngại tiếp xúc và không muốn chia sẻ vì thế để họ mở lòng thì cần phải nhẹ nhàng và cảm thông.

 

Hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng HIV/AIDS là trách nhiệm của cả cộng đồng

 

Những ngày tháng mẹ góa – con côi dựa vào nhau chống chọi vì đau ốm liên miên, có lẽ, sẽ mãi kéo dài nếu không có những cộng tác viên của mô hình kết nối dịch vụ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ-Thái Nguyên tìm đến với mẹ con L. Bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt nhất, các cộng tác viên trở thành những người đầu tiên bầu bạn, chia sẻ những khó khăn với gia đình em. Nấu một bữa cơm ngon, hỗ trợ thêm cân đường hộp sữa, hướng dẫn khám bệnh đều đặn hàng tháng, tư vấn cách tự chăm sóc … là những gì mà mẹ con L nhận được. Được tham gia các lớp tập huấn, những buổi tuyên truyền, 2 mẹ con L dần xóa đi được những mặc cảm.

Mẹ của em L cho biết: “Qua các cộng tác viên mình được tư vấn rất cụ thể các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, từ cách ăn uống đến chăm sóc khi sinh hoạt cùng với gia đình, người thân. Rồi được qua các lớp tập huấn ở Sở, ở huyện. Các chị y tá thôn về chăm sóc cho gia đình mình nên mẹ con cũng bớt mặc cảm đi một phần, và thấy cuộc sống có ý nghĩa cho mình và cho các cháu nữa. Qua những chia sẻ của mọi người cháu có thay đổi tinh thần thoải mái hơn, sức khỏe tốt hơn, cháu học tập cũng tốt hơn”.

Để giúp các em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS hòa nhập, có cơ hội đến trường, trường THCS Minh Lập thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng chống và xóa bỏ kỳ thị đối với người bị HIV/AIDS. Các kiến thức, kỹ năng phòng và chăm sóc người có HIV/AIDS được lồng ghép vào những tiết học giáo dục công dân. Trường còn thực hiện mục tiêu 100% trẻ em bị ảnh hưởng HIV được đến trường và hòa nhập. Nỗ lực của các thầy cô đã xóa tan rào cản, sự kỳ thị, L đã tự tin đến trường. Em không chỉ học giỏi mà còn trở thành Liên đội trưởng của trường THCS Minh Lập. L luôn nhận được sự quí mến, tôn trọng của thầy cô và bạn bè. Em không còn mang nặng ký ức về một tuổi thơ mặc cảm và bị kỳ thị. Nhà trường triển khai các hoạt động tuyên truyền cho giáo viên, học sinh xóa bỏ kỳ thị, hòa nhập cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS

Để kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng HIV/AIDS, xã Minh Lập đã thành lập Ban chỉ đạo mô hình kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại cộng đồng, mô hình chăm sóc thay thế cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS gồm 20 cộng tác viên là cán bộ ngành LĐ-TB&XH, y tế, phụ nữ,  dân số tại thôn bản. Các cộng tác viên được tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em và người có HIV/AIDS tại gia đình, triển khai các hoạt động phòng chống và xóa bỏ kỳ thị tại trường học và cộng đồng. Đã có 83 trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại xã Minh Lập đã được kết nối các dịch vụ chăm sóc thông qua Mô hình.

Sau 3 năm thực hiện Mô hình tại Thái Nguyên, đã có gần 1.700 trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được tiếp cận dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ, hơn 643 gia đình có trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được cung cấp các kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Theo số liệu của Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), tại 12 tỉnh/TP triển khai mô hình kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại cộng đồng, mô hình chăm sóc thay thế cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đã hình thành được mạng lưới điều phối/nhóm công tác liên ngành tại các cấp, hình thành mạng lưới cộng tác viên theo dõi và đánh giá nhu cầu và quản lý trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; hình thành được mạng lưới dịch vụ chăm sóc toàn diện đối với trẻ và hơn 90% trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong 36 xã tham gia mô hình đã được phát hiện, đánh giá nhu cầu và chuyển gửi để tiếp cận dịch vụ. Kết quả thực hiện sau 3 năm cho thấy mô hình thực sự phù hợp với thực tế ở các địa phương, là cơ sở quan trọng để thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2014 - 2020, theo QĐ số 570/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

VI THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh