THỨ TƯ, NGÀY 11 THÁNG 09 NĂM 2024 09:10

Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ đón bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương trao Quyết định công nhận Hội thề Trung hiếu đề Đồng Cổ là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Ảnh: Thanh Tùng

Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương trao Quyết định công nhận Hội thề Trung hiếu đề Đồng Cổ là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Ảnh: Thanh Tùng

Hội thề quốc gia có ý nghĩa đặc biệt

Phát biểu tại lễ khai mạc, đồng chí Nguyễn Đình Khuyến, Chủ tịch UBND Quận Tây Hồ cho biết, đền Đồng Cổ là một trong những di tích mang giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc đặc sắc, độc đáo, gắn liền với truyền thống yêu nước của dân tộc tại quận Tây Hồ. Ngôi đền Đồng Cổ được xây dựng năm 1028, thời Lý, tại làng Đông Xã, hiện nay là số 353 phố Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ, đã được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia năm 1992.

Gốc tích đền Đồng Cổ là ở núi Đồng Cổ, xã Đan Nê, huyện Yên Định, Thanh Hóa. Tuy nhiên, chỉ có ở đền Đồng Cổ, quận Tây Hồ mới có Hội thề Trung hiếu - lễ hội độc đáo và có giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện rõ tính cách Việt Nam, truyền thống Việt Nam. Kể từ năm 1028, khi vua Lý Thái Tông cho dựng đàn thề, khởi xướng lễ thề với mục đích răn dạy các quần thần, tướng sĩ và con dân trong thiên hạ, Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ cùng lễ hội đền Quảng Chiếu là hai lễ hội lớn và quan trọng bậc nhất của Kinh thành Thăng Long trong triều đại nhà Lý.

Đây là hội thề quốc gia có ý nghĩa hết sức đặc biệt, nên được Hoàng đế và triều đình dành nhiều sự quan tâm và chỉ đạo rất sát sao. Hầu hết tôn thất, quan lại trong triều và mọi người dân ở trong và ngoài kinh thành Thăng Long đều về dự hội thề với tinh thần tận trung, tận hiếu, cầu mong cho quốc thái dân an. Sang thời Trần, Hội thề còn đề cao sự trong sạch của người làm quan. Nét đặc sắc của Hội thề đền Đồng Cổ chính là sự hòa hợp, kết quyện giữa nghi thức cung đình và dân gian, mượn oai thần linh để tạo nên sự thăng hoa và hết mình của toàn thể cộng đồng vì sự ổn định xã hội, phát triển đất nước.

Ông Nguyễn Đình Khuyến, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Thanh Tùng

Ông Nguyễn Đình Khuyến, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Thanh Tùng

Trải qua các triều đại trong lịch sử, đến nay, Hội thề vẫn được duy trì, tiếp nối. Vào mùng 4 tháng Tư âm lịch hằng năm, chính quyền và nhân dân làng Đông Xã, phường Bưởi, quận Tây Hồ lại nô nức mở hội. Tham gia lễ hội không chỉ có dân vùng Bưởi mà còn có đông đảo bà con các vùng khác.

Lễ hội truyền thống đền Đồng Cổ thể hiện sự gắn kết cộng đồng, giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng nhân dân Đông Xã nói riêng, quận Tây Hồ nói chung. Sau 995 năm, Lễ hội đã và đang được duy trì, thực hành, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, có tính lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng địa phương.

Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã trân trọng đón chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia dành cho đền Đồng Cổ. Sau phần lễ là phần hội đầy tưng bừng với chương trình nghệ thuật đặc biệt về truyền tích của ngôi đền Đồng Cổ và vua Lý Thái Tông khai mở ra Hội thề Trung hiếu sau sự kiện loạn Tam Vương.

Ông Hoàng Phạm Mưu - Trưởng tiểu ban di tích Đông Xã phát biểu cảm ơn và thể hiện quyết tâm bảo tồn, phát huy giá trị của Hội thề Trung hiếu đề Đồng Cổ.

Ông Hoàng Phạm Mưu - Trưởng tiểu ban di tích Đông Xã phát biểu cảm ơn và thể hiện quyết tâm bảo tồn, phát huy giá trị của Hội thề Trung hiếu đề Đồng Cổ.

Ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Chương trình nghệ thuật do Ths Lê Thế Song làm đạo diễn. Ấn tượng của chương trình nghệ thuật đó là kết nối lời bình, âm nhạc, vũ đạo, hiệu ứng ánh sáng, màn kịch sử thi và các trình thức diễn xướng di sản văn hóa truyền thống như: hát Xẩm, hát Chèo, diễn ca, múa trống, rước Rồng… thành một câu chuyện huyền tích sống động về ngôi đền Đồng Cổ, Thần Đồng Cổ, đức minh quân Lý Thái Tổ và miền đất kinh kỳ, Tây Hồ ngàn năm văn hiến.

Nghệ sĩ Lương Huy cùng nhóm múa thể hiện tiết mục mang âm hưởng sử thi. Ảnh: Thanh Tùng

Nghệ sĩ Lương Huy cùng nhóm múa thể hiện tiết mục mang âm hưởng sử thi. Ảnh: Thanh Tùng

Đặc biệt, màn kịch múa sử thi về truyền tích của ngôi đền Đồng Cổ do các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam thể hiện tạo nhiều ấn tượng với khán giả, nhất là màn dẹp loạn Tam Vương của Thái tử Lý Phật Mã, câu chuyện Thần Trống Đồng báo mộng và giúp Thái Tử, màn Hội thề Trung hiếu để răn dạy quân thần giữ trọn đạo hiếu trung, làm cho quốc thái dân an và gìn giữ kỷ cương đất nước.

Đạo diễn Lê Thế Song là người được đào tạo bài bản về kịch hát dân tộc, từng đạo diễn thành công nhiều lễ hội truyền thống… nên có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng các tiết mục có giai điệu và ca từ hay, giúp khán giả cảm nhận được những giá trị tinh hoa vốn cổ của dân tộc.

Đạo diễn Lê Thế Song đã khéo léo lồng ghép các bài xẩm, chèo để tô đậm nét đẹp, độc đáo có một không hai của Đền Đồng Cổ. Ảnh: Thanh Tùng

Đạo diễn Lê Thế Song đã khéo léo lồng ghép các bài xẩm, chèo để tô đậm nét đẹp, độc đáo có một không hai của Đền Đồng Cổ. Ảnh: Thanh Tùng

Trước đó, đạo diễn Lê Thế Song đã để lại nhiều dấu ấn qua vai trò biên tập kịch bản SEA games 31 tại Hà Nội, Lễ hội hoa Đà Lạt 2023. Anh cũng là người viết kịch bản Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột năm 2023, chương trình kỷ niệm 10 năm thành lập thị xã Tân Châu - An Giang. Lê Thế Song cũng đặc biệt giữ vai trò đạo diễn Lễ hội đền Đông Cuông năm 2023; Chương trình nghệ thuật Kỷ niệm 20 năm Việt Nam tham gia Công ước 2003 của UNESCO, Khai mạc Lễ hội Đền Hùng 2023…

Hoàng Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh