THỨ BA, NGÀY 22 THÁNG 10 NĂM 2024 11:54

Hồi sinh trò chơi dân gian

Trẻ tham gia trò chơi nhảy nụ.

Trẻ tham gia trò chơi nhảy nụ.

Trò chơi dân gian mang đến niềm vui và bổ ích

Trước kia, chúng ta được giáo dục qua các trò chơi đồng dao bao gồm hát và vận động. Lời hát rèn luyện ngôn ngữ, trò chơi nhằm phát triển vận động ở trẻ nhỏ dưới sự hướng dẫn của cha mẹ, ông bà hoặc thầy cô. Lớn hơn một chút, ngoài các trò chơi được hướng dẫn thì chúng ta tự mày mò tìm kiếm cho mình các trò chơi thích hợp, phần lớn là bắt chước lẫn nhau, rủ các bạn cùng lớp hoặc cùng xóm chơi chung.

Ngày nay, trẻ em sống trong thời đại công nghệ 4.0, chỉ quen với máy móc, thiết bị điện tử và không có khoảng thời gian vui chơi ngoài trời. Có thể nói, đây là một thiệt thòi lớn của trẻ. Và thiệt thòi hơn là trẻ em cả ở thành phố và nông thôn dường như đều không biết, không được chơi những trò chơi dân gian. Vì vậy, giúp trẻ hiểu và quay về nguồn cội với các trò chơi dân gian là một việc làm rất cần thiết.

Trò chơi dân gian có một đặc điểm là phần lớn các trò chơi diễn ra ngoài trời, luôn gắn với môi trường tự nhiên. Chơi các trò chơi dân gian, trẻ hòa mình với thiên nhiên, từ đó càng yêu quý thiên nhiên hơn. Các em được vận động, được thư giãn, chạy nhảy, nô đùa, reo hò… khiến tinh thần sảng khoái và phấn chấn rất nhiều. Trò chơi dân gian cũng giúp cho các em rèn luyện thể chất, sự khéo léo, nhanh nhẹn, hoạt bát, tạo sự hòa đồng, thân thiện, đoàn kết... Hơn nữa, việc vui chơi lành mạnh còn tạo ra nhiều đức tính tốt đẹp, hạn chế những tật xấu.

Học sinh thích thú với trò chơi ô ăn quan.

Học sinh thích thú với trò chơi ô ăn quan.

Nhiều trò chơi dân gian đang hồi sinh ngay tại lớp học

Ðể văn hóa truyền thống thấm nhuần vào tâm hồn trẻ thơ, không có cách nào hay hơn là áp dụng trò chơi dân gian vào trường học. Sự kết hợp giữa các trò chơi dân gian, trò chơi có tính trí tuệ trong giải toán, trò chơi có tính ứng xử trên cơ sở xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực sẽ giúp các em được ôn luyện, trau dồi thêm kiến thức về lịch sử dân tộc, văn hóa dân gian…

Các trò chơi dân gian được triển khai trong trường học thường đơn giản, dễ chơi, học sinh dễ hòa nhập vào cuộc chơi nên việc phổ biến rộng rãi các trò chơi dân gian đến học sinh là rất khả thi. Một ưu thế của trò chơi dân gian chính là ở chỗ nó có thể phù hợp với tất cả những ai muốn chơi. Trong khi chơi, mọi em đều bình đẳng như nhau.

Trẻ tham gia trò chơi dân gian kéo co.

Trẻ tham gia trò chơi dân gian kéo co.

Thấu hiểu lợi ích mà trò chơi dân gian mang lại cho học sinh, những năm học gần đây Ban giám hiệu Trường Tiểu học Nghĩa Trung (huyện Việt Yên, Bắc Giang) đã đưa trò chơi dân gian vào trường học. Tới nay, các em đã quen với những trò chơi dân gian vào mỗi giờ ra chơi hoặc giờ giáo dục thể chất. Các em được cùng nhau chạy nhảy theo vần điệu của những câu đồng dao, bật, nhảy với trò chơi ở sân chơi. Khi tiếng trống báo hiệu giờ ra chơi vang lên, các em học sinh nhanh chóng ùa ra sân để cùng nhau chơi nhảy dây, trồng hoa trồng nụ, cướp cờ, nhảy ô tiếp sức... Những trò chơi dân gian tưởng như đã xa lạ với học sinh thời nay đang được làm sống lại ngay tại trường học, lớp học.

Trò chơi ô ăn quan là một trò chơi về trí óc, sự sáng tạo. Chơi ô ăn quan giúp trẻ rèn luyện sự nhanh nhạy trong tính toán, rèn luyện điều khiển ngón tay trong rải quân; giáo dục cho trẻ tính kiên trì, nhẫn nại, cẩn thận, thật thà khi chơi. Hơn nữa, trò chơi này cũng có thể giúp xây dựng kĩ năng xã hội như thay phiên nhau giao tiếp, tương tác qua lại với bạn bè, gia đình. Em Việt Anh (học sinh lớp 5A1) cho biết: Những trò chơi dân gian rất thú vị. Từ khi tham gia các trò chơi này, chúng em mong ngóng đến giờ ra chơi. Mỗi ngày đến trường, được học được chơi cùng nhau, em thấy rất vui.

Vào giờ thể dục, bên cạnh những động tác thể dục cơ bản, các em còn được tham gia vào các trò chơi dân gian mang tính vận động tập thể. Các trò chơi được lồng ghép các câu đồng dao thú vị, dạy các em về an toàn giao thông, giáo dục dinh dưỡng, văn hóa ứng xử: “Chim về tổ / Nụ cười xinh / Mắt thật tinh / Ăn cà rốt / Sức khỏe tốt / Vui học hành”…

Cô giáo Nguyễn Thị Hậu, Tổng phụ trách Trường Tiểu học Nghĩa Trung cho biết: “Học sinh thường hiếu động, thích nô đùa, chạy nhảy, thích khám phá. Nếu các thầy cô không tổ chức các mô hình, các hoạt động hay sân chơi, thì khi các em nô đùa, chạy nhảy quá mức có thể dẫn đến va chạm, gây tai nạn thương tích trong trường học. Do đó, để giảm tình trạng này, đồng thời, thực hiện các quy định về mô hình trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích, những năm học gần đây, Trường đã triển khai các trò chơi dân gian phù hợp với đặc điểm tâm lý học lứa tuổi học sinh tiểu học. Các trò chơi được tổ chức phù hợp với điều kiện của nhà trường, an toàn, thân thiện, dễ chơi, dễ tổ chức”.

Các hoạt động trò chơi dân gian đang dần lan tỏa tới nhiều ngôi trường khác để các em có trải nghiệm thú vị trong mỗi ngày tới trường.

Việt Cường

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh