Học sinh dùng điện thoại khi tới trường: Hẹn hò, xem phim nhạy cảm
- Tra cứu Từ điển y khoa
- 23:21 - 09/05/2016
Điện thoại di động ngày càng trở nên thông dụng hơn với cuộc sống. Khi bước chân vào các trường tiểu học, THCS, THPT chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những nhóm học sinh chụm đầu vào chiếc smartphone cười khúc khích.
Có thể thấy, có rất nhiều học sinh ở bậc tiểu học, THCS đã được bố mẹ trang bị cho những chiếc smartphone đắt tiền với đầy đủ các các phần mềm hỗ trợ như Google, Facebook… Nếu phụ huynh có thể quản lý được thì chiếc điện thoại di động còn như cuốn bách khoa toàn thư giúp con người tìm kiếm thông tin hữu ích cho công việc và học tập.
Tuy nhiên, nếu không quản lý được thì chiếc điện thoại kia là nguy cơ tiềm ẩn rất nhiều hệ lụy đằng sau đó. Đã từng có rất nhiều trường hợp vì bố mẹ cho sử dụng điện thoại quá sớm nên rất nhiều học sinh ở lứa tuổi THCS đã yêu nhau, hẹn hò nhau, thậm chí… rủ nhau vào nhà nghỉ.
Bên cạnh đó, điện thoại khiến các em học sinh dễ phân tán tư tưởng trong học tập: Một hồi chuông điện thoại trong giờ học sẽ khiến ánh mắt cả lớp đổ dồn về phía ấy, giáo viên cũng sẽ mất mạch cảm xúc khi giảng bài.
Vì những lí do trên mà hiện nay có nhiều trường THCS đã ra quy định cấm học sinh mang điện thoại tới trường. Hiệu trưởng một trường THCS trên địa bàn quận Hoàng Mai cho hay: “Khi học sinh dùng những chiếc điện thoại thông minh, chúng sẽ bị phân tán tư tưởng, không tập trung học bài và làm rất nhiều việc riêng trong lớp mà giáo viên khó kiểm soát được.
Trường tôi đã có quy định cấm học sinh dùng điện thoại cá nhân trong trường từ năm 2011 vì trước đó tôi đã phải xử lý quá nhiều hệ lụy từ điện thoại mang tới. Tuy nhiên, cấm học sinh dùng điện thoại cá nhân nhưng lại cho phép các con được sử dụng hệ thống điện thoại công cộng trong trường để liên lạc với cha mẹ mỗi khi cần thiết mặc dù chi phí cho hệ thống điện thoại công cộng mỗi năm không hề nhỏ và đương nhiên phụ huynh cũng không phải trả chi phí ấy. Vì thế, phụ huynh cũng rất đồng tình vì không bao giờ lo bị mất liên lạc khi con ở trường”.
Rất nhiều học sinh dùng điện thoại trong giờ học (ảnh minh họa)
Cũng theo vị hiệu trưởng này, việc không sử dụng điện thoại cá nhân ngay trong trường học đã giảm bớt tối đa những hiểm họa với học sinh: Bị đối tượng xấu lợi dùng và lôi kéo, dùng điện thoại đắt tiền còn bị lừa gạt, cướp giật ảnh hưởng tới an toàn của các con. Nhất là đặc điểm phát triển tâm lý ở độ tuổi THCS thường rất tò mò nên được dùng điện thoại đương nhiên các em sẽ xem những nội dung không lành mạnh để giải quyết sự tò mò.
“Trước đây, giáo viên trường tôi đã từng bắt gặp học sinh nữ trong lớp dùng điện thoại, sau đó khi xem điện thoại mới biết học sinh nữ này đang nhắn tin hẹn gặp một học sinh nam cùng trường. Trước đó, hai học sinh này đã có tình cảm với nhau.
Trường hợp nữa là giáo viên trong giờ học bắt gặp 5 học sinh nam đang chụm đầu vào một chiếc máy smartphone để “ngụy trang” trên hộp bút và xem những hình ảnh rất phản cảm. Điều đó đồng nghĩa với việc suy nghĩ của các em sẽ trở nên tăm tối”, hiệu trưởng này cho hay.
Cũng theo hiệu trưởng này, ngay từ đầu năm học nhà trường đã có cuộc gặp gỡ với phụ huynh học sinh và thông báo về quy định cấm học sinh mang điện thoại tới trường. Bên cạnh đó, ở lứa tuổi THCS học sinh sẽ có sự phát triển về sinh lý nên các em rất tò mò. Vì thế sau mỗi tiết dạy, giáo viên sẽ cho các con được ghi những câu hỏi, những thắc mắc của mình vào tờ giấy mà không cần ghi tên.
Sau đó, giáo viên sẽ chọn lọc các câu hỏi và nghiên cứu về giải phẫu, sinh lý người rồi đưa lên diễn đàn của nhà trường để học sinh hiểu. Phần lớn các học sinh đều tỏ ra rất thích thú.
Có thể thấy, việc cho học sinh sử dụng điện thoại và mạng xã hội giống như “con dao hai lưỡi”. Học sinh không tiếp xúc với mạng xã hội, không xem các kiến thức trên mạng thì sẽ bị què quặt về kiến thức vì giáo viên cũng không thể bao quát được hết tất cả các kiến thức. Mạng xã hội giúp học sinh có thể học ở mọi lúc, mọi nơi.
Tuy nhiên, cho các con dùng mà không kiểm soát thì cực kì nguy hiểm. Cách kiểm soát các con tốt nhất là phải bí mật theo dõi con “hãy giả vờ không biết nhưng thực ra phải biết" - Vị hiệu trưởng rất hiểu tâm sinh lý học trò THCS cho hay.