CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:31

Hết lớp 9: Học trung cấp hay tiếp tục học THPT?

 

Thứ trưởng Lê Quân 

Thưa thứ trưởng, hiện nay rất nhiều phụ huynh và học sinh sắp tốt nghiệp trung học cơ sở đang rất lo lắng vì chỉ tiêu bậc trung học phổ thông thấp hơn nhiều so với số lượng học sinh tốt nghiệp cấp II. Ông có chia sẻ gì với phụ huynh và học sinh?

Cách nghĩ của rất nhiều phụ huynh và học sinh là tiếp tục theo học THPT sau khi tốt nghiệp THCS; sau đó mới học tiếp lên trung cấp, cao đẳng hay đại học hoặc đi làm ngay sau khi tốt nghiệp THPT. Trước 18 tuổi, ít học sinh quan tâm đến học nghề và gia nhập thị trường lao động sớm. Trong nhiều năm qua, giáo dục phổ thông còn nặng về dạy kiến thức mà chưa chú trọng phát triển năng lực công dân và năng lực làm việc cho học sinh. Công tác hướng nghiệp tại các trường phổ thông của chúng ta rất yếu. Do vậy, chúng ta có nhiều "học sinh cấp IV " mặc dù các em đã là sinh viên đại học.

Trên thực tế, phù hợp với thông lệ quốc tế, các em học sinh tốt nghiệp THCS có quyền nhập học trung cấp và cao đẳng ngay. Lộ trình phân luồng này đã được luật hóa. Với quy định hiện hành, học sinh cũng được quyền học tiếp đại học với thời gian ngắn nếu có nhu cầu.

Thứ trưởng có thể nói rõ hơn về lộ trình học tập này với học sinh tốt nghiệp cấp II?

Hiện nay, các em học sinh có hai lựa chọn cơ bản sau:

-   Lựa chọn 1: Học trung học phổ thông hoặc học bổ túc văn hóa

-   Lựa chọn 2: Học trung cấp

Với lựa chọn 1, các em tốt nghiệp THPT/bổ túc văn hóa, thường ở độ tuổi 18, sẽ quyết định sẽ tiếp tục học trung cấp, cao đẳng, đại học hoặc đi làm (thường với các vị trí công việc yêu cầu trình độ phổ thông hoặc công việc tự do...). Lựa chọn này thường được các em học sinh có học lực tốt ưu tiên. Với lựa chọn 2, các em sẽ gia nhập thị trường lao động sớm, có việc làm ổn định và có thể học tiếp để có bằng đại học sớm hơn bạn bè một số năm.

Hiện nay nhiều phụ huynh và học sinh vẫn cho rằng học trung cấp dành cho học sinh không đỗ PTTH?

Đây là suy nghĩ chưa đúng. Tại các nước phát triển như Đức, Nhật..., theo học nghề sớm là lựa chọn được nhiều ưu tiên và cho phép đào tạo ra nhiều kỹ sư giỏi cho đất nước. Tại Nhật Bản, mô hình đào tạo 5 năm dành cho học sinh tốt nghiệp cấp 2 để có kỹ sư thực hành rất thành công. Hiệp hội 51 trường cao đẳng công nghệ Kosen là địa chỉ tin cậy của nhiều gia đình và doanh nghiệp. Các em học ra trường 100% có việc làm với thu nhập cao.

Tại nước ta, phân luồng học sinh sau THCS là chủ trương quan trọng giúp giảm lãng phí nguồn lực xã hội và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Phân luồng tốt sẽ khắc phục cơ bản được tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ". Chủ trương này được Đảng và Nhà nước rất quan tâm. Bộ Chính trị đã có Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 05/12/2011 trong đó nêu rõ phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề. Học trung cấp sau khi tốt nghiệp THCS đã được quy định rõ trong Luật Giáo dục và Luật Giáo dục nghề nghiệp. Học nghề để trở thành kỹ thuật viên, lao động có tay nghề, có thu nhập tốt và ổn định. Người theo học nghề thường có việc làm ngay khi tốt nghiệp; và được phép học tiếp lên cao đẳng, đại học nếu có nhu cầu.

Xã hội chúng ta hiện nay đang lãng phí rất lớn khi có hàng trăm ngàn học sinh tốt nghiệp THPT không học tiếp, mà đi làm những công việc lao động phổ thông không qua đào tạo nghề nghiệp. Nếu các em này được định hướng tốt, theo học trung cấp ngay sau khi tốt nghiệp THCS thì chúng ta sẽ có thêm được đội ngũ lao động có tay nghề tốt đã qua đào tạo.

Nhà nước có chính sách gì ưu đãi để thu hút các em học sinh vào học nghề không thưa thứ trưởng?

Hiện nay, Bộ LĐTBXH đã có những giải pháp và cách làm để phân luồng người học bằng chính sách hấp dẫn người học như: miễn học phí 100% cho học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp; miễn học phí trình độ trung cấp, cao đẳng cho các đối tượng chính sách xã hội, học theo chế độ cử tuyển, người học học các nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu, nghề đặc thù; chính sách nội trú cho người học là người dân tộc thiểu số hộ nghèo, cận nghèo người khuyết tật, học sinh phổ thông dân tộc nội trú; hỗ trợ chi phí và vay vốn để đi làm việc ở nước ngoài...

Thứ trưởng nhìn nhận như thế nào về xu hướng chọn học nghề thay vì học PTTH trong thời gian tới?

Học nghề trở thành xu hướng ngày càng được lựa chọn. Với mức thu nhập khá, dễ tìm việc, công việc ổn định, cơ hội phát triển nghề nghiệp tốt, và đặc biệt với chi phí học tập thấp, đã có nhiều học sinh chọn học nghề thay vì học đại học. Năm 2017 đánh dấu thành công khi kết quả tuyển sinh dạy nghề đạt vượt trội so với những năm trước đó. Đặc biệt, hệ trung cấp tuyển sinh rất tốt. Nếu như trước đây, các trường địa phương tuyển sinh chủ yếu là đại học và cao đẳng, thì từ 2017, hệ trung cấp chiếm tỷ trọng quan trọng. Rất nhiều trường cao đẳng và trung cấp địa phương tuyển sinh trung cấp rất tốt. Hết lớp 9 vào trung cấp được miễn học phí, học nghề từ 2 đến 3 năm và có việc làm tốt ngay tại địa phương là lựa chọn ưu việt cho học sinh các gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Bên cạnh đó, hệ trung cấp tập trung của 21 trường nghề Bộ Quốc phòng cũng tuyển sinh rất tốt. Nhiều gia đình gửi con vào học tập trung để giúp các em rèn luyện đạo đức, thể thao, yêu lao động và có nghề.

         

Thứ trưởng Lê Quân thăm xưởng thực hành trường Cao đẳng kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu

Thời gian tới, Bộ LĐTB&XH sẽ có những giải pháp gì để đẩy mạnh phân luồng?

Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai đề án hướng nghiệp tại các trường phổ thông. Thay vì phân luồng bắt buộc, hành chính, Bộ đang chỉ đạo nhiều hoạt động:

Thứ nhất, phải nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Hệ trung cấp cần được đổi mới toàn diện về quản lý, chương trình, phương pháp. Các trường phải triển khai đồng bộ đào tạo trung cấp tập trung. Học nghề là chủ đạo để các em có việc làm tốt ngay sau khi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, các trường tổ chức học bổ sung một số môn văn hóa để sau khi tốt nghiệp trung cấp, các em có cơ hội được học liên thông lên cao đẳng và đại học khi có nhu cầu.

Thứ hai, đẩy mạnh truyền thông thay đổi nhận thức của xã hội về học nghề. Trong khi các thầy, cô còn chú trọng quá vào thành tích của tỷ lệ học sinh đỗ vào THPT và đỗ đại học, thì vai trò của hệ thống chính quyền và đoàn thể cấp thôn, xóm, xã, phường rất quan trọng trong hướng nghiệp cho các em học sinh và phụ huynh trên địa bàn.

Thứ ba, đẩy mạnh mở các nghề mới có cơ hội việc làm tốt. Sắp tới, nhiều trường nghề sẽ mở các nghề đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cũng như mở các chương trình cao đẳng tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Trung, tiếng Hàn để cho phép các em được học song bằng, bằng kép.

Thứ tư, triển khai thí điểm các mô hình đào tạo tiên tiến, ví dụ Kosen của Nhật Bản để có các chương trình kỹ sư và cử nhân chất lượng cao dành cho học sinh lớp 9. Hiệp hội Kosen hiện đang hỗ trợ nhiều trường cao đẳng Việt Nam và sắp tới sẽ mở văn phòng tại Việt Nam để hỗ trợ chúng ta triển khai mô hình này.

Vậy thứ trưởng có lời khuyên nào với các em học sinh?

Học trung cấp giúp cho các em tiết kiệm được thời gian, nhanh chóng có kiến thức, kỹ năng và phẩm chất nghề nghiệp. Xã hội đang cần nhân lực có năng lực thay vì có bằng cấp. Học tập ngày nay là học tập suốt đời. Nếu các em có ý chí, các em hoàn toàn có thể trở thành cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ vào thời điểm phù hợp. Bên cạnh đó, với mức học phí đại học ngày càng cao, học trung cấp rất phù hợp với các em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn bởi các em được miễn học phí và có thu nhập sớm.

Tuy vậy, các em cần sáng suốt lựa chọn học trung cấp tại các trường trung cấp, cao đẳng có chất lượng. Các em nên tìm hiểu các thông tin về các trường gần nhà để lựa chọn; tốt nhất là nên đến thăm trường để được tư vấn. Ngoài ra, hãy lựa chọn các nghề gắn với sở thích và sở trường của bản thân. Những nghề hiện nay có nhu cầu và thu nhập tốt như khách sạn, du lịch, công nghệ thông tin, cơ khí, điện tử... Nhiều nghề cho phép các em có việc làm gần nhà hoặc đi làm việc tại nước ngoài với mức tiết kiệm hàng năm lên đến vài trăm triệu đồng. Các em cần chú ý học ngoại ngữ sớm để tăng cơ hội nghề nghiệp và thu nhập.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

PHƯƠNG MINH (thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh