THỨ BA, NGÀY 15 THÁNG 10 NĂM 2024 01:15

Hãy bỏ hút thuốc lá để bảo vệ con trẻ!

z4389040713355_7323484be3ea362fc583bf26755000c6

“Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá”

Để tăng cường hơn nữa sự tham gia của các quốc gia với công tác phòng chống tác hại thuốc lá (PCTH thuốc lá), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lấy ngày 31/5 hằng năm là Ngày Thế giới không thuốc lá.

Năm 2023, WHO lấy chủ đề “Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá” nhằm tiếp tục thông tin tới cộng đồng tác hại của việc sử dụng thuốc lá, kêu gọi các quốc gia thúc đẩy các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá tới sức khỏe, kinh tế, môi trường, an ninh lương thực và dinh dưỡng; khuyến khích người nông dân chuyển đổi, thay thế cây thuốc lá bằng cây trồng phù hợp; đề cập đến mối liên hệ giữa thuốc lá và đói nghèo; bên cạnh đó kêu gọi người hút bỏ thuốc lá để dành chi cho thực phẩm.

Theo WHO, việc trồng, sản xuất và sử dụng thuốc lá có liên quan đến tình trạng mất an ninh lương thực và đói nghèo:

Gây ra nghèo đói: Sử dụng thuốc lá dẫn đến các bệnh mãn tính điều trị tốn kém và tử vong sớm, gây gánh nặng tài chính cho các gia đình; Chi tiêu cho thuốc lá làm ảnh hưởng đến nguồn thu nhập ít ỏi của các hộ gia đình nghèo nhất. Sử dụng thuốc lá gây ra nạn đói và mất an ninh lương thực, vì nguồn lực lẽ ra nên chi tiêu cho thực phẩm thì lại bị chuyển sang chi tiêu cho thuốc lá và chi trả việc khám, chữa các căn bệnh do thuốc lá gây ra.

Ảnh hưởng đến sức khỏe: Hút thuốc lá gây ra nhiều bệnh mạn tính và nan y và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu mà có thể phòng tránh được. Trong khói thuốc có khoảng 7.000 chất hóa học, trong đó có 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân gây ra 25 nhóm bệnh khác nhau, bao gồm 11 loại ung thư, các bệnh tim mạch, các bệnh về hô hấp và ảnh hưởng sức khỏe sinh sản của cả nam và nữ giới. Ước tính cứ 2 người hút thuốc lá thì có 1 người sẽ chết sớm, trong đó 1/2 số ca tử vong xảy ra ở tuổi trung niên.

Tổn thất kinh tế: Sử dụng thuốc lá không chỉ gây tổn thất về kinh tế đối với các cá nhân mà còn cả với gia đình và xã hội, bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi phí cho khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc, giảm sút/mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm, và tổn thất do cháy nổ vì hút thuốc lá. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỷ đô la Mỹ.

Làm mất an ninh lương thực và đói nghèo: Việc trồng cây thuốc lá chiếm nhiều diện tích đất mà có thể được sử dụng để trồng cây lương thực. Thuốc lá cũng là nguyên nhân làm cho rừng bị tàn phá và ô nhiễm môi trường. Việc sử dụng thuốc lá thải ra môi trường mỗi năm khoảng từ 3.000 đến 6.000 tấn formaldehyde, từ 12.000 đến 47.000 tấn nicotine và từ 300 đến 600 triệu kg chất thải độc hại của các mẩu thuốc lá…

Kêu gọi hành động: WHO kêu gọi các nước xây dựng các chính sách và chiến lược phù hợp nhằm cung cấp sự hỗ trợ cho các hoạt động thay thế khả thi về kinh tế cho người trồng thuốc lá; tăng cường bảo vệ môi trường và sức khỏe của những người trồng cây thuốc lá; nâng cao nhận thức cho người trồng cây thuốc lá về tác hại của trồng cây thuốc lá và lợi ích của việc chuyển đổi cây trồng phù hợp; Hỗ trợ các nỗ lực chống sa mạc hóa và suy thoái môi trường bằng cách giảm trồng cây thuốc lá. Kêu gọi những nhà lãnh đạo, nhà nghiên cứu, các nhà hoạt động xã hội và cộng đồng cùng chung tay trong nỗ lực phòng, chống tác hại của thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá mới; Ngăn chặn việc bắt đầu sử dụng các sản phẩm thuốc lá nung nóng thuốc lá điện tử; Tăng cường truyền thông về tác hại của thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá mới…

thuoc-la-2

Khói thuốc lá - môi trường rất độc hại với trẻ

Không hút thuốc, nhưng sống trong môi trường có người thân hút thuốc lá, trẻ nhỏ hít phải khói thuốc, gọi là hút thuốc thụ động (HTTĐ). Và nguy hại hơn, hút thuốc thụ động còn bị độc hại hơn cả người trực tiếp hút thuốc.

Ðe dọa tính mạng: HTTĐ đặc biệt nguy hiểm cho trẻ em vì phổi của trẻ chưa phát triển hoàn thiện. Chúng rất nhạy cảm với các chất kích thích và chất độc trong khói thuốc. Trẻ có bố mẹ hút thuốc sẽ bị giảm các chức năng của phổi và dễ gặp các vấn đề sức khoẻ. HTTĐ ở trẻ em có thể gây viêm đường hô hấp, hen, viêm tai giữa, đột tử ở trẻ sơ sinh (SID), kém phát triển chức năng phổi và làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khác.

Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh: Hội chứng trẻ chết đột tử được định nghĩa như cái chết bất ngờ của trẻ. Tỷ lệ đột tử ở trẻ em bị phơi nhiễm với thuốc lá trong quá trình bào thai cao hơn trẻ em khác từ 1,4 cho đến 8,5 lần. 

Cân nặng khi sinh thấp: Trẻ sơ sinh có mẹ tiếp xúc thụ động với khói thuốc khi sinh ra có cân nặng trung bình thấp hơn những trẻ khác khoảng 200 gam.

Các triệu chứng bệnh hô hấp mãn tính: Những triệu chứng bệnh hô hấp mãn tính ở trẻ nhỏ là ho nhiều, nhiều đờm và thở khò khè. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh sự tiếp xúc với khói thuốc làm tăng nguy cơ mắc các triệu chứng trên.

Viêm tai giữa: Tỷ lệ mắc viêm tai giữa tái phát và chảy mủ tai mãn tính ở trẻ có tiếp xúc thường xuyên với khói thuốc cao hơn so với trẻ không phơi nhiễm với khói thuốc lá là 1,3 lần.

Các triệu chứng hen: Nguy cơ làm bệnh hen nặng hơn có quan hệ với số bố mẹ hút thuốc. Nếu trẻ đã bị bệnh hen, thì khói thuốc thụ động sẽ khiến người bệnh phát bệnh trầm trọng hơn và hay bị tái phát thường xuyên hơn.

Sự phát triển chức năng phổi: Mẹ hút thuốc lá trong quá trình mang thai có ảnh hưởng đến chức năng phổi của trẻ cho đến khi trưởng thành. Các nghiên cứu cũng chứng minh HTTĐ sau khi sinh cũng làm giảm chức năng phổi của trẻ. Kết quả tổng hợp nghiên cứu cho thấy trẻ HTTĐ bị giảm 4,8% tỷ suất thở ra giữa kỳ và 4,3% tỷ suất thở ra cuối kỳ.

Các chuyên gia ước tính, mỗi năm khoảng 150.000 - 300.000 trẻ em dưới 18 tháng tuổi bị viêm phế quản hoặc viêm phổi có liên quan đến môi trường có khói thuốc. Những trẻ dưới 1 tuổi là con của những người hút thuốc bị viêm phế quản hoặc viêm phổi cao gấp đôi những người không hút thuốc.

Thông điệp tuyên truyền Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá 25-31/5/2023

1. Sử dụng thuốc lá là một nguyên nhân gây ra đói nghèo

2. Hãy dùng tiền mua thuốc lá để mua thực phẩm cho con bạn

3. Hãy chọn thực phẩm, đừng chọn thuốc lá

4. Hút thuốc lá làm bạn tốn tiền và phải trả giá bằng sức khoẻ

5. Hút thuốc thụ động dù ít hay nhiều đều có hại cho sức khoẻ

6. Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng chứa chất gây ung thư và chất Nicotine gây nghiện

7. Đừng để mình thành nạn nhân của việc nghiện chất nicotine trong thuốc lá điện tử

8. Bỏ thuốc lá để phục hồi lá phổi của bạn

9. Không hút thuốc lá nơi làm việc, nơi công cộng

10. Không hút thuốc lá trong nhà, nơi tập trung đông người

11. Hãy nhắc người khác không hút thuốc lá gần bạn và mọi người

Minh Châu

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh