CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 07:19

Hà Tĩnh mình thương

Hà Tĩnh mình thương - Ảnh 1.

Thành phố Hà Tĩnh - một trung tâm hành chính của tỉnh Hà Tĩnh

Nói đến Hà Tĩnh tức là chúng ta đang nói đến một vùng địa linh nhân kiệt, với những địa danh đã đi vào văn hóa, lịch sử của dân tộc, là quê hương của đại thi hào Nguyễn Du, Uy viễn tướng công Nguyễn Công Trứ, Trần Phú, Hà Huy Tập...

Tuy nhiên, vùng đất này bị thiên tai, lũ lụt đe dọa thường xuyên. Nhưng với tinh thần chịu thương, chịu khó, cần cù lao động và thông minh, con người Hà Tĩnh trải qua bao đời nay luôn luôn biết vượt qua mọi thách thức, vươn lên làm chủ cuộc sống.

Với tính chất đặc thù về địa lí, văn hóa, lịch sử của một vùng, miền như thế, thời gian đã dần hình thành nên một Hà Tĩnh rất riêng biệt, mà trong đó nổi bật chính là tính cách con người Hà Tĩnh đã trở thành một thương hiệu "mộc mạc chân thành".

Để rồi, như cố nhạc sĩ An Thuyên từng bị từng bị "thôi miên" trước những cung bậc cảm xúc vô cùng da diết ấy mà viết lên ca khúc bất hủ với tựa đề: "Hà Tĩnh mình thương".

Hà Tĩnh mình thương - Ảnh 2.

Đền thờ Lê Duẩn giữa lòng hồ Kẻ Gỗ

Ai là người con sinh ra trên mảnh đất Hà Tĩnh vì một lí do nào đó phải sống xa quê, mà trong lúc quê hương đang chìm trong thiên tai hoạn nạn và nghèo đói lại không bị lay thức bởi câu ca: "Đi xa lại muốn về, khổ đau càng muốn về" cơ chứ!

Trên thực tế, hiện tại Hà Tĩnh không còn là địa phương khó khăn, mà đang trở thành tỉnh nằm trong top đầu trong cả nước với sự bứt phá mạnh mẽ về phát triển kinh tế, xã hội. Đảng bộ, chính quyền và người dân Hà Tĩnh đang tập trung cao độ sức người, sức của, đoàn kết một lòng, phấn đấu nỗ lực hết sức mình chắt chiu từng giọt mồ hôi, nước mắt và trí tuệ... cũng chỉ vì cho quê hương ngày thêm đẹp giàu, nên câu ca càng thêm thấm đượm!

Và càng yêu quê hương bao nhiêu thì người Hà Tĩnh càng hồ hởi lao động, cống hiến hết mình, không ngại bất cứ một khó khăn nào.

Chỉ tính riêng trong vòng chưa đầy 10 năm lại đây, Hà Tĩnh đã hoàn toàn lột xác. Từ một địa phương hầu như thuần nông, nhanh chóng thay đổi cơ cấu sản xuất công- nông nghiệp theo lối hiện đại, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, hình thành các khu kinh tế lớn tạo việc làm cho hàng vạn lao động có thu nhập cao và ổn định, góp phần thu ngân sách địa phương.

Đặc biệt, thực hiện "Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới", Hà Tĩnh đã phát huy được sức mạnh toàn dân, làm cho diện mạo bộ mặt nông thôn của tỉnh nhà thay đổi hoàn toàn.

Hà Tĩnh mình thương - Ảnh 3.

Khu liên hợp sản xuất gang thép Formosa- Hà Tĩnh

Gần đây nhất, trong 7 tháng đầu năm 2019, Hà Tĩnh đã có những bước phát triển vượt bậc. Trong đó, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 8.060 tỷ đồng; thành lập mới 640 doanh nghiệp; quyết định chủ trương đầu tư 80 dự án, trong đó 75 dự án trong nước với số vốn đăng ký 3.314 tỷ đồng và 5 dự án FDI với số vốn đăng ký 6,8 triệu USD.

Hiện nay Hà Tĩnh cũng đang làm thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư 8 dự án khu đô thị với tổng vốn đầu tư dự kiến 7.586 tỷ đồng. Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh cũng đã báo cáo UBND tỉnh Hà Tĩnh xin chủ trương đầu tư của Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy đối với 2 dự án: Thành phố giáo dục quốc tế Hà Tĩnh (TMĐT dự kiến 1.459 tỷ đồng) của Tập đoàn Nguyễn Hoàng và Dự án Nhà máy đốt rác thải phát điện tại thị xã Hồng Lĩnh của Công ty Công ty China Conch Venture Holdings Limited và Công ty TNHH TM & DV vận tải Viết Hải (TMĐT dự kiến 1.150 tỷ đồng) .

Hà Tĩnh mình thương - Ảnh 4.

Khu du lịch nghĩ dưỡng Thiên Cầm

Ngoài ra, với nhiều thế mạnh khác, Hà Tĩnh đang trỗi dậy như một điểm sáng về kinh tế, xã hội ở khu vực miền Trung. Cũng tính từ đầu năm 2019 lại đây, tổng sản lượng thuỷ sản của Hà Tĩnh đạt trên 27.041 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng ước đạt 6.736 tấn, sản lượng khai thác ước đạt 20.300 tấn. Các đóng góp chủ yếu vào mức tăng trưởng của ngành gồm: Sản xuất thép ước đạt 2,83 triệu tấn; sản xuất than cốc ước đạt 1,73 triệu tấn...; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 2.232,4 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu đạt 1.680,51triệu USD;lượng khách đến Hà Tĩnh đạt 1.195.000 lượt, trong đó khách quốc tế 18.600 lượt...

Hà Tĩnh cũng là địa phương thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, các chế độ, chính sách xã hội, chăm lo đời sống của người có công, hộ nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Cụ thể từ đầu năm lại nay, thực hiện các chương trình hợp tác xuất khẩu lao động với Hàn Quốc, Cộng hòa liên bang Đức, các doanh đơn vị doanh nghiệp trong và ngoài nước...; giải quyết việc làm mới 11.953 người, trong đó xuất khẩu lao động 3.838 người; hỗ trợ xây mới 94 nhà, sửa chữa 23 nhà ở cho người có công; tặng 356 sổ tiết kiệm tình nghĩa; chi trả trợ cấp thường xuyên 45.311 người, trợ cấp một lần 2500 người có công, xác nhận, giải quyết chế độ chính sách cho 4.152 trường hợp; có 390.909 lượt hồ sơ người có công đã được xác nhận, giải quyết chế độ, chính sách đảm bảo đúng quy định.

Hà Tĩnh mình thương - Ảnh 5.

Hoành Sơn Quan trên đình đèo Ngang

Ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết: "Song song với các chính sách thu hút đầu tư, Hà Tĩnh đặc biệt quan tâm đến vấn đề môi trường và việc làm cho người lao động. Hà Tĩnh có những mặt bất lợi về thời tiết khí hậu, xa các trung tâm lớn, nhưng có lợi thế về giao thông, bến cảng, cửa khẩu quốc tế, năng lượng, nông nghệp sạch và tiềm năng về du lịch biển... đặc biệt là với nguồn lực lao động dồi dào và đầy tâm huyết".

Với Hà Tĩnh, vùng đất có bề dày về văn hóa, lịch sử đã được chứng minh qua các thời kỳ đang trong quá trình xây dựng và phát triển mạnh mẽ trên toàn diện mọi lĩnh vực. Trước vận hội mới sẽ còn có nhiều thách thức mới. Song, bất giai đoạn nào thì người Hà Tĩnh vẫn thể hiện được sức mạnh của mình vì một tình yêu da diết với quê hương, như câu hát: "Ơi Hà Tĩnh mình, răng mà thương mà nhớ" để tiếp tục vươn dậy đứng lên.




NGUYỄN NGỌC VƯỢNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh