THỨ TƯ, NGÀY 30 THÁNG 10 NĂM 2024 07:49

Hà Nội phân loại rác từ nguồn để tái chế

Tại đây, nhân viên môi trường trực sẵn để phân loại. Tùy theo khối lượng rác, người dân sẽ đổi được xà phòng, dầu gội, nước rửa tay, sữa rửa mặt. Trong hơn hai giờ, hơn 1,5 tấn rác tái chế đã được thu gom.

Cầm túi quà tặng, ông Trần Văn Thiêm, 50 tuổi, ở phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa chia sẻ: "Mấy đồ nhựa, vỏ lon bỏ chung với các loại rác khác đi chôn lấp rất lãng phí. Tôi mong hoạt động này duy trì được lâu dài để tạo thành thói quen, khuyến khích người dân thu gom rác".
 



Điểm thu gom rác tái chế tại 59C phố Hoàng Cầu, quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Tất Định.


Hoạt động thu đổi rác thải tái chế lấy quà tặng nằm trong dự án phân loại rác từ nguồn được Công ty Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) triển khai từ giữa tháng 8. Rác sẽ phân chia thành hai loại: tái chế và rác thải còn lại.

Vào sáng thứ bảy hàng tuần, công nhân môi trường sẽ tiếp nhận rác tái chế tại 7 điểm ở 4 quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa. Người dân cũng có thể cài đặt ứng dụng điện thoại, liên hệ với nhân viên môi trường để đặt lịch thu gom rác tái chế tại nhà.

Bà Nguyễn Thị Thùy Ninh, Phó phòng Kinh doanh và Truyền thông, Công ty Urenco, cho biết mục tiêu chính của dự án là giảm bớt lượng rác thải tại các khu chôn lấp. Hai bãi rác lớn của thành phố hiện đã quá tải. Công nghệ xử lý bằng chôn lấp về lâu dài sẽ không còn phù hợp.

"Chúng tôi đã có nhà máy để tái chế, biến rác thành tài nguyên, quay trở lại phục vụ đời sống người dân", bà Ninh nói và cho hay phân loại rác tái chế là bước đầu dự án. Đơn vị đang lên phương án phân loại rác đáp ứng công nghệ đốt rác phát điện, chia thành nhiều loại như: rác tái chế, hữu cơ, đốt được và không đốt được.

14 năm trước, Hà Nội từng thực hiện dự án phân loại rác 3R theo ba nhóm: rác hữu cơ, vô cơ, tái chế. Tuy nhiên, dự án này chỉ kéo dài 3 năm, đến năm 2009, do công nghệ xử lý rác sau phân loại cũng chưa phù hợp.

Mỗi ngày, Hà Nội phát sinh 6.500 tấn rác sinh hoạt. Trong đó, 5.000 tấn được vận chuyển lên bãi Nam Sơn để chôn lấp; 1.300 tấn chôn lấp ở bãi Xuân Sơn (Sơn Tây), còn lại xử lý ở một số lò đốt rác nhỏ.
 

Ngày 20/8, Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 33 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa theo hướng coi chất thải và chất thải nhựa là tài nguyên.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang xây dựng chế tài quản lý chất thải rắn theo hướng coi chất thải và chất thải nhựa là tài nguyên; thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn; phân loại chất thải tại nguồn, thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý.

Theo Tất Định/Vnexpress.net

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh