CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:19

Hà Nội: 2/3 bể bơi chưa đạt chỉ tiêu về an toàn

Giá vé mỗi nơi một khác

Toàn TP. Hà Nội hiện có gần 140 bể bơi lớn, nhỏ, trong đó có nhiều bể bơi thuộc quyền quản lý của các quận, các trường và tổ chức xã hội.

Theo khảo sát, cùng là bể bơi ngoài trời nhưng mức giá mỗi nơi một khác. Tại bể bơi Thái Hà (quận Đống Đa), giá vé người lớn là 30.000 đồng/lượt, trẻ em 25.000 đồng/lượt.

Bể bơi ở Khu Liên hợp thể thao Mỹ Đình giá từ 40 - 70.000 đồng/người; bể bơi Đại học Thủy lợi có giá từ 40.000 đồng/người, bể bơi Học viện Tài chính có mức giá rẻ nhất cũng 15.000 - 20.000 đồng/người/lượt. Mức giá rẻ nhất cho người lớn ngày thường vui chơi trong Khu công viên nước Hồ Tây và tắm bể bơi là 100.000 đồng - 120.000 đồng/người/lượt.

Ngày thứ 7 và chủ nhật, giá vé cao nhất là 150.000 đồng/người. Theo thống kê, giá vé vào bể bơi năm nay đã tăng từ 15- 20.000 đồng/vé so với các năm trước.

Ngày nắng nóng, bể bơi Hà Nội luôn trong tình trạng quá tải.

Theo anh Nguyễn Đức Thọ (đường Nguyên Hồng, quận Đống Đa), trong số những bể bơi nằm ở vị trí trung tâm có mức giá thuộc hàng rẻ so với các bể bơi khác tại Hà Nội là bể bơi Thái Hà.

Vào thời cao điểm nắng nóng, để có chỗ bơi tại Thái Hà vào buổi chiều sẽ rất vất vả, có những thời điểm, 1 m2 bể bơi “gánh” đến 3 - 4 người. Tiếng là đi bơi, nhưng thực chất là bỏ tiền ra mua suất được xuống bể ngâm mình, dòng người ken dưới bể chật cứng không có chỗ để bơi.

Dù mất tiền để được lội xuống bể, nhưng do lượng người quá đông và ý thức của đơn vị quản lý nên chất lượng bể bơi là cả một vấn đề lớn. Không ít bể bơi, nhân viên dùng hóa chất và sục khí Clo để làm sạch nước, thay vì phải thay nước thường xuyên như quy định.

Số ít bể bốn mùa ở các khách sạn, các khu chu chung cư cao cấp giá vé ở mức từ 100.000 đồng/ lượt bơi trở lên nên chỉ dành cho khách ở lưu trú, còn phần đông dân thích bơi và học bơi ở Hà Nội vẫn lặn ngụp ở các bể công cộng, dù biết nguy cơ lây nhiễm bệnh tật là rất lớn.

Lo lắng chất lượng bể bơi

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, chỉ 1/3 số bể bơi đạt tất cả các chỉ tiêu (13 chỉ tiêu về an toàn). Đáng lưu ý, 100% cơ sở không thực hiện việc xét nghiệm, lưu mẫu nước hàng ngày. Ngay quy định thay nước, cọ rửa bể và khử trùng bể cũng không được các chủ bể bơi thể hiện trên sổ sách hay nhật ký hoạt động. Đáng ngại hơn, nhiều bể bơi chưa được cấp phép nhưng vẫn hoạt động theo mùa vụ để thu lợi nhuận.

Đặc biệt, hiện nay đang bùng phát các bể bơi tư nhân nhưng chất lượng của các bể bơi này bị bỏ ngỏ. Gần đây nhất là vụ sập bể bơi tư nhân tại Vĩnh Phúc khiến 5 em trẻ thương vong.

Trước thực trạng bùng phát xây dựng bể bơi tư nhân, bể bơi gia đình, nhiều chuyên gia về xây dựng cho rằng, Bộ Xây dựng, Bộ VH-TT&DL cần ban hành cụ thể các tiêu chuẩn về kỹ thuật, an toàn đối với các bể bơi gia đình, tránh tình trạng lúng túng trong cấp phép, thẩm định hồ sơ và đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Hiện nay, tiêu chuẩn xây dựng bể bơi đã được Bộ Xây dựng quy định rất rõ, nhưng đó là các bể bơi đạt tiêu chuẩn cấp III trở lên, còn các bể bơi gia đình thì chưa có. Do hành lang pháp lý chưa rõ ràng nên khi xây dựng các bể bơi gia đình, hầu hết hồ sơ thiết kế chưa được thẩm tra về tính an toàn, khả năng chịu lực...

GS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm cho hay: Bể bơi là một trong những địa điểm dễ bị ô nhiễm nhất. Những bể bơi không được tẩy trùng kỹ sẽ là môi trường sống cho rất nhiều các loại khuẩn như Cryptosporidium - nguyên nhân chính gây ra bệnh tiêu chảy ở người hay khuẩn Chlamydia Trachomatis - hung thủ của viêm kết mạc ở mắt.

Thêm vào đó, chất lượng nước, vệ sinh tại những bể bơi quá tải luôn bị ảnh hưởng, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa cũng như một số bệnh lý khác. Đặc biệt, nếu ngồi lên thành bể bơi có dính dịch từ người mang bệnh viêm âm đạo, khả năng mang bệnh khá cao.

Các biến chứng nguy hiểm như viêm tử cung, viêm tắc vòi trứng có thể gây ảnh hưởng tới khả năng sinh sản.

 

Nếu bể bơi có mùi Clo gây sốc đặc trưng, khiến mọi người cảm thấy khó chịu thì có nghĩa là nước trong bể đã không được xử lý tốt. Khi màu nước trong tự nhiên, nhìn thấy rõ đáy bể, có màu xanh vừa phải, không có vẩn đục hay vật thể lạ là bể bơi đạt tiêu chuẩn.

Nên tắm rửa với xà phòng diệt khuẩn trước và sau khi bơi, thay quần áo khô và tắm lại khi về nhà. Không nên chọn địa điểm đông người, bởi trong trường hợp này, máy lọc nước tại bể sẽ không thể lọc kịp để loại bỏ các độc tố.

Khánh Vân

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh