GS. TS. Dương Nguyên Vũ: “Mong các em hãy về”
- Tra cứu Từ điển y khoa
- 16:49 - 16/12/2015
Theo GS.TS. Dương Nguyên Vũ, không nên tranh cãi đúng hay sai, trong chuyện “về hay ở” của du học sinh bởi mỗi người đều có một hoàn cảnh khác nên sẽ lựa chọn cái mà bản thân thấy ưu tiên hơn. Dù vậy nếu được thì ông vẫn mong các bạn trẻ này hãy về vì ở Việt Nam cần lắm sự chung tay xây dựng của tri thức để có môi trường phát triển hơn.
"Tôi về vì những ánh mắt của sinh viên"
GS Dương Nguyên Vũ chia sẻ rằng: "Đã có nhiều sinh viên hỏi tôi “tại sao thầy lại trở về Việt Nam trong khi đang có tất cả các điều kiện để làm khoa học, cũng như có cuộc sống tốt nhất?”. Tôi trả lời rằng điều duy nhất khiến tôi về Việt Nam vì ánh mắt của những sinh viên”.
Giáo sư Dương Nguyên Vũ trong buổi nói chuyện với sinh viên mới đây.
Ông chia sẻ tiếp: “Tôi bắt đầu về nước giảng dạy từ năm 1997 và sau mỗi chuyến đi đi về về để dạy ở Việt Nam đọng lại trong tôi chính là những ánh mắt của sinh viên, nó khiến tôi đau đáu rằng mình nên có trách nhiệm gì đó. Còn vì sao những ánh mắt ấy lại có ảnh hưởng nhiều như thế bởi có lẽ vì tôi đã chọn con đường làm người thầy giáo. Là người có được một quyền năng rất lớn là chuyển những đam mê của mình cho những thế hệ tiếp sau và ảnh hưởng đến cuộc sống của họ để họ làm cho cuộc sống tốt hơn. Đó cũng là một sự may mắn khi tôi đã lựa chọn điều này".
Theo GS Vũ, đừng tính toán rằng mình làm điều này để đạt điều kia, mà cứ làm hết mình với những gì đang có, trong học tập, giảng dạy và nghiên cứu, rồi những đều tốt đẹp nó sẽ đến. Ông cho rằng, trong cuộc sống, giá trị của một con người không phải ở chỗ tôi làm được gì hay làm được bao nhiêu tiền mà giá trị của con người chính là tôi đã ảnh hưởng được gì trên những người khác.
"Ở lại không có gì xấu nhưng vẫn mong các em hãy về"
Chia sẻ thêm với Dân trí về vấn đề nhân tài “về hay ở”, GS Dương Nguyên Vũ nhìn nhận rằng đúng là môi trường của Việt Nam vẫn còn chưa tốt để du học sinh phát huy hết mức tài năng đã tích lũy ở nước ngoài. “Năm 2008 tôi từng làm khảo sát trên 500 sinh viên, nghiên cứu sinh và nhà khoa học Việt Nam đang học tập cũng như sinh sống tại khắp nơi trên thế giới vấn đề “về hay ở”. Kết quả lúc đó các em quan tâm nhất chính là môi trường làm việc tốt, chứ không phải chỉ là vấn đề thu nhập.
Môi trường ở đây không phải chỉ là cơ sở vật chất mà đó là một không gian trong đó bao gồm con người làm khoa học, môi trường khoa học chuyên nghiệp. Phải nhìn nhận thực sự rằng môi trường ở nước ta còn nhiều khó khăn, chưa đủ tốt để tiếp nhận các bạn về nhưng như thế mới đòi hỏi chúng ta cần phải xây dựng. Nếu mình không về làm thì ai làm?”, GS Vũ chia sẻ.
Theo GS Dương Nguyên Vũ, bản thân mỗi bạn du học sinh đều có những hoàn cảnh khách quan, chủ quan khác nhau nên không thể bắt buộc họ phải trở về được. Có nhiều người rất muốn về nước nhưng có những rào cản về gia đình, lí do riêng hay cũng có nhiều du học sinh học những lĩnh vực chuyên môn mà khi về Việt Nam chưa có môi trường áp dụng, nghiên cứu. Trong cuộc sống có nhiều điều ưu tiên nhưng quan trọng là mỗi người sắp xếp sự ưu tiên đó như thế nào. Về hay không đều có những cái khổ riêng và vấn đề là mỗi người chịu được cái khổ nào.
Chúng tôi đặt câu hỏi rằng “nếu có lời khuyên nào cho các du học sinh đang phân vân giữa chuyện về hay ở, thầy sẽ nói gì với họ?”, GS Vũ cho rằng, “nếu có điều kiện cũng như không có rào cản nào thì nên về vì ở đây cơ hội cho các bạn rất nhiều trong đó cơ hội lớn nhất là chung sức xây dựng đất nước tốt hơn. Việt Nam thực sự đang phát triển rất mạnh và được tham gia vào sự phát triển của đất nước đó cũng là một may mắn đối với tôi. Nếu các bạn lựa chọn phải ở lại thì cũng không có gì là xấu hay tốt cả vì mỗi người có một sự lựa chọn riêng nhưng nếu được đưa ra lời khuyên thì tôi khuyên các bạn hãy về”.
Riêng bản thân mình, vị giáo sư này cho biết, khi về nước ông thấy những điều hạnh phúc mà lúc ở nước ngoài ông không có. “Nếu tôi so đo hơn thua thì tôi đã không về nhưng cũng có lẽ tôi may mắn khi không bị những ràng buộc ở bên kia. Thực sự thì ai khi học ở nước ngoài cũng vậy, luôn canh cánh trong lòng chuyện trở về Việt Nam như tôi vậy. Cũng chính thế nên tôi hiểu và nghĩ phải làm thế nào tạo điều kiện cho các bạn đang ở nước ngoài vẫn góp sức cho đất nước. Đó chính là lí do để Viện John von Neumann ra đời. Thông qua hoạt động của viện dù các bạn đang ở nước ngoài nhưng hoàn toàn có thể đóng góp cho đất nước thông qua những bài nghiên cứu, những bài giảng thông qua nối mạng. Điều đó quan trọng hơn chúng ta tranh cãi vấn đề về hay ở - Đây là vừa về vừa ở!”, GS Dương Nguyên Vũ bộc bạch.
Giáo sư Dương Nguyên Vũ (ảnh: Viện JVN)
Giáo sư Dương Nguyên Vũ là cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHồ Chí Minh). Đầu thập niên 1980, ông đến Pháp, được nhận vào học đồng thời tại trường Kiến trúc thuộc Học viện Quốc gia Mỹ thuật (Ecole Nationale des Beaux-Arts) và trường Quốc gia Cầu cống (Ecole Nationale des Ponts et Chaussees) thuộc Viện Công nghệ Paris (Paris Institute of Technology). Năm 1990, ông bảo vệ thành công luận văn tiến sĩ với đề tài liên quan đến lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Từ năm 1997, ông bắt đầu về Việt Nam để giảng dạy thỉnh giảng. Vào năm 2005, giáo sư Dương Nguyên Vũ là giám đốc nghiên cứu, cố vấn khoa học cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Hàng không châu Âu (Eurocontrol), đồng thời là giáo sư tại trường Telecom-ParisTech và EPHE Sorbonne (Pháp). Ông quyết định ở lại Việt Nam từ năm 2010 khi ĐHQG TPHồ Chí Minh thành lập Trung tâm Xuất sắc John von Neumann (sau đổi tên thành Viện JVN). |