Gói hỗ trợ chưa có tiền lệ cho hàng triệu người dân trong COVID-19 được hình thành như thế nào?
- Dược liệu
- 16:09 - 29/04/2020
Để chuẩn bị gói hỗ trợ này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đánh giá kỹ tình hình lao động việc làm, thất nghiệp, dự báo diễn biến tới cuối năm, bám sát thực tiễn các địa phương, tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế. Các dự báo của Cục việc làm- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được công bố từ hơn một tháng trước cũng trùng khớp với điều tra của Tổng cục Thống kê vừa công bố, cho thấy công tác chuẩn bị của Bộ hết sức chu đáo và khoa học, bám sát thực tiễn...Cụ thể, ngay từ đầu năm 2020, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung buổi làm việc tỉnh Bắc Ninh, thăm và thị sát tình hình đời sống công nhân Công ty Sam Sung Việt Nam tại Bắc Ninh. Tiếp đến, Bộ trưởng có cuộc làm việc với lãnh đạo Hội Dệt May Việt Nam để nắm bắt khó khăn, và đề xuất của người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, làm cơ sở xây dựng chính sách.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã có báo cáo trình Chính phủ về đề xuất 6 nhóm giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp đối phó với ảnh hưởng bất lợi từ dịch Covid-19.
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19. Chỉ thị giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương tập trung xử lý, giải quyết các vướng mắc về lao động, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2020 về tình hình lao động, việc làm trong các doanh nghiệp; có biện pháp đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền và các giải pháp để động viên tinh thần của người lao động; có phương án hỗ trợ đào tạo lao động phù hợp và hỗ trợ người lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thống nhẩt 6 điểm về gói hỗ trợ lao động, bảo đảm an sinh xã hội mà Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung kiến nghị, đề nghị báo cáo cấp có thẩm quyền.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020. Tại Phiên họp này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19 với gói hỗ trợ an sinh xã hội trị giá 61.500 tỷ.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chuẩn bị kỹ việc hướng dẫn các địa phương, cơ quan liên quan triển khai thực hiện, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, thuận lợi để người dân biết, các cơ quan đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát thực hiện, chống tiêu cực, tham nhũng, xử lý nghiêm các vi phạm.
"Không được để cứ lòng vòng mãi mà người dân không nhận được tiền. Phải làm nhanh hơn vì cuộc sống người dân không thể chờ đợi hơn!", Thủ tướng đốc thúc.
Chính phủ nâng gói an sinh xã hội lên 62 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ khoảng 20 triệu người khó khăn do Covid-19.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa uỷ quyền Chính phủ, gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Báo cáo các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Chính phủ tính toán, gói hỗ trợ trị giá 62.000 tỷ đồng (tăng 420 tỷ so với dự kiến ban đầu), hỗ trợ dành cho khoảng 20 triệu người của 6 nhóm đối tượng.
Thường vụ Quốc hội "chốt" gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng theo đề xuất của Chính phủ
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 cho các nhóm đối tượng:
1. Người có công với cách mạng đang hưởng chính sách ưu đãi hàng tháng
2. Đối tượng bảo trợ xã hội
3. Hộ nghèo, hộ cận nghèo
4. Người lao động theo chế độ hợp đồng phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không hưởng lương
5. Người lao động bị chấm dứt hợp đồng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, người Iao động tự do, không có giao kết hợp đồng
6. Người sử dụng lao động khó khăn về tài chính được vay 50% tiền lương tối thiểu vùng để trả lương cho người lao động.
7. Hộ kinh doanh cá thể thu nhập dưới 100 triệu bị ngừng kinh doanh theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì (ngày 10/4) với các địa phương về các giải pháp, nhiệm vụ cho 4 nội dung lớn ứng phó tổng thể, toàn diện với những tác động từ dịch COVID-19 tới các mặt của đời sống xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: Hỗ trợ đảm bảo đúng đối tượng trong thời gian sớm nhất, không để lòng vòng, không để độ trễ trong thực hiện chính sách như chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ. Công khai, minh bạch, không để trục lợi chính sách. Những ngày qua, vấn đề này đang nhận được sự quan tâm, kỳ vọng và ủng hộ của người dân cả nước, cũng là mong muốn các cấp, các ngành sẽ làm đúng, làm đủ trách nhiệm. Với số kinh phí lớn, đối tượng nhiều và đa dạng, quá trình triển khai khó tránh được sai sót nhưng không được để những đồng tiền của người dân đi "lạc đường" như những đàn gà, con dê giống, căn nhà tình nghĩa... đã xảy ra ở một số nơi, cho dù đó là rất cá biệt hay "Đừng để những con COVID xấu ăn chặn của người dân…
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành quyết định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Tiền hỗ trợ COVID-19 đã đến tay người dân
Các tỉnh Hà Nam, Hải Phòng và một số địa phương khác là những địa phương đầu tiên thực hiện chi trả tiền hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Sở Lao động - thương binh và xã hội phối hợp cùng chính quyền các huyện, thành phố đã đồng loạt triển khai chi trả tiền hỗ trợ tới người dân thuộc nhóm người có công, hộ nghèo, cận nghèo và bảo trợ xã hội.