THỨ BA, NGÀY 15 THÁNG 10 NĂM 2024 01:47

Gia tăng số trẻ em mắc các bệnh thường gặp ở người lớn

Không chỉ người lớn, nhiều trẻ em cũng bị đột quỵ.

Không chỉ người lớn, nhiều trẻ em cũng bị đột quỵ.

Đột quỵ

Ở Việt Nam, số lượng trẻ bị đột quỵ trước đây không nhiều và được coi là bệnh lý ít gặp. Nhưng thời gian gần đây, một số bệnh viện đã ghi nhận các trường hợp bệnh nhi bị đột quỵ do nguyên nhân bệnh lý và nhiều yếu tố khác. Đáng chú ý, nhiều trẻ bị đột quỵ nhưng không được gia đình phát hiện kịp thời do nhầm lẫn với triệu chứng của các bệnh thông thường.

Điều này dẫn đến khó khăn trong điều trị, nguy cơ trẻ tử vong cao hoặc để lại di chứng nặng nề như liệt nửa người, không thể tự sinh hoạt, chăm sóc bản thân. Điển hình là trường hợp bệnh nhi 8 tuổi ở Lục Ngạn (Bắc Giang). Khi bé có những biểu hiện đau đầu, chóng mặt thoáng qua, người nhà không hề biết đó là biểu hiện của đột quỵ. Vài ngày sau, thấy bé liệt nửa người và hôn mê, gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương thì tình trạng đã nặng. Bệnh nhi được xác định bị đột quỵ nhồi máu não do tắc động mạch thân nền, nhưng do đến cơ sở y tế can thiệp muộn nên tuy cứu được tính mạng nhưng để lại di chứng nặng nề…

Trực tiếp khám, điều trị cho nhiều bệnh nhi bị đột quỵ, TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức - Trưởng khoa Nội Thần kinh, Bệnh Viện Đa khoa Tâm Anh (TP.HCM) cho biết, nhiều gia đình vẫn chủ quan cho rằng đột quỵ chỉ xảy ra ở người lớn tuổi nên không nhận thức được các triệu chứng đột quỵ ở trẻ nhỏ và đó là trúng gió, động kinh. Sau đó, tự sơ cứu cứu trẻ bằng cách cạo gió, vắt chanh, lấy kim châm đầu ngón tay dẫn đến chậm trễ trong việc cấp cứu.

Do đó, khi trẻ kêu đau đầu dữ dội, nôn, méo miệng kèm theo co giật hoặc yếu liệt một bên, hay trẻ quấy khóc, nôn vọt sau bú… thì cần đưa đến bệnh viện có chuyên khoa thần kinh hoặc chuyên khoa nhi để khám, can thiệp và điều trị kịp thời.

Đái tháo đường

Theo thống kê của Bộ Y tế, riêng năm 2020, tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị đã chạm ngưỡng 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%. Điều này dẫn tới tỷ lệ trẻ mắc đái tháo đường (tiểu đường), tăng huyết áp, gan nhiễm mỡ, rối loạn lipid… ngày càng tăng. Trong đó, bệnh tiểu đường type 2 thường chỉ xảy ra ở người lớn, nhưng hiện nay ngày càng nhiều trẻ em và thanh thiếu niên được chẩn đoán mắc bệnh này do số lượng trẻ em thừa cân/béo phì tăng nhanh.

Theo TS.BS. Nguyễn Huy Cường, Phòng khám nội tiết Thái Hà (Hà Nội), nếu trước đây, trẻ dưới 15 tuổi mắc đái tháo đường là hiếm gặp thì hiện tại trẻ dưới 10 tuổi đã mắc bệnh này. Điển hình có bệnh nhi mới 7 tuổi được mẹ đưa tới khám vì con luôn thấy mệt mỏi, khát nước, có ngày uống cả lít nước ngọt. Kết quả xét nghiệm máu, chỉ số đường huyết của bệnh nhi rất cao khiến gia đình vô cùng bất ngờ.

Đáng chú ý, bệnh tiểu đường cũng xảy ra ở nhóm trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, bệnh thường được phát hiện muộn do những biểu hiện âm thầm, khó nhận biết và không đặc trưng. Với trẻ lớn hơn, các dấu hiệu sớm nhận biết bệnh đái tháo đường là trẻ mệt mỏi, sụt cân; khát nhiều và tiểu nhiều; nhanh đói, đói nhiều hơn bình thường ngay cả sau khi ăn…

Áp lực học tập, thi cử khiến học sinh căng thẳng và viêm loét dạy dày ngày càng nhiều hơn.

Áp lực học tập, thi cử khiến học sinh căng thẳng và viêm loét dạy dày ngày càng nhiều hơn.

Bệnh dạ dày

Sau đại dịch Covid-19, hệ thống y tế cả nước cũng ghi nhận sự gia tăng tình trạng trẻ em bị mắc các bệnh về sức khoẻ tâm thần và bị viêm loét dạ dày tá tràng - bệnh lý vốn không phổ biến ở trẻ em.

Các bác sĩ tại Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, ngoài yếu tố trẻ bị viêm dạ dày do lây nhiễm khuẩn HP, những ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19 cùng di chứng kéo dài của người mắc đã khiến trẻ phải đối mặt với nhiều nguy cơ bệnh lý về dạ dày. Trong năm 2022, số lượng bệnh nhi đến khám với các triệu chứng của bệnh viêm dạ dày tăng cao, chiếm 40-50% số ca bệnh.

Đau bụng do viêm dạ dày ở trẻ thường bị nhầm lẫn với những cơn đau bụng khi ăn thức ăn lạ hoặc đau bụng do giun nên nhiều trẻ không được đưa đi khám sớm để điều trị. Nếu để viêm dạ dày kéo dài, cơn đau bụng sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn, thậm chí dẫn đến viêm loét dạ dày, thủng dạ dày, xuất huyết dạ dày gây nguy hiểm đến tính mạng.

Phát hiện sớm các dấu hiệu ung thư ở trẻ em giúp việc điều trị đạt hiệu quả cao.

Phát hiện sớm các dấu hiệu ung thư ở trẻ em giúp việc điều trị đạt hiệu quả cao.

Ung thư

Ung thư trẻ em là căn bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao và có dấu hiệu gia tăng trong những năm gần đây. Mỗi năm, trên thế giới có thêm khoảng 280.000 người dưới 19 tuổi bị ung thư. Ở Việt Nam con số này là khoảng 2.500 bệnh nhi và đang có dấu hiệu gia tăng. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do việc nhận biết các dấu hiệu ung thư ở trẻ em tại nhiều gia đình còn hạn chế, dẫn đến phát hiện và điều trị ở giai đoạn muộn. Nhiều trường hợp khi phát hiện con bị ung thư, cha mẹ đã cho con về nhà điều trị thuốc lá, thuốc dân gian… nên bệnh nặng hơn và gây khó khăn trong điều trị.

Theo TS.BS Bùi Ngọc Lan - Giám đốc Trung tâm Ung thư, Bệnh viện Nhi Trung ương, trước đây, một năm Trung tâm tiếp nhận khoảng 400 bệnh nhân mới, nhưng những năm gần đây có đến 500-600 bệnh nhân mới/năm, trong đó có nhiều bệnh nhi còn rất nhỏ tuổi.

“Để phát hiện bệnh ung thư ở trẻ sớm, người nhà phải cho các bé khám định kỳ thường xuyên. Nếu nghi ngờ con bị bệnh, phụ huynh cần đưa con đi làm các xét nghiệm máu, siêu âm để phát hiện các khối u kịp thời, khi bệnh chưa chuyển sang di căn thì việc điều trị sẽ dễ dàng hơn rất nhiều” - TS.BS Bùi Ngọc Lan khuyến cáo.

Ngoài ra, các bệnh lý thường gặp ở người lớn như: cao huyết áp, loãng xương, cholesterol cao, gan nhiễm mỡ, sỏi thận, sỏi mật, tăng nhãn áp, lao, trầm cảm… cũng đang có dấu hiệu gia tăng ở trẻ em trong thời gian gần đây. Điều này đòi hỏi công tác bảo vệ, chăm sóc cho trẻ em cần được gia đình và cả hệ thống y tế lưu tâm hơn.

Xuân Quang

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh