Gia đình - Nơi yêu thương và chia sẻ
- Gia đình
- 21:47 - 17/12/2022
Mỗi gia đình cần có một tình yêu
Con người có nhiều tham vọng. Chúng ta mong ước có một tình yêu đẹp. Được sống trong một gia đình hạnh phúc. Có một cuộc sống sung túc và giàu sang. Được mọi người vị nể và kính trọng, có những thành công nhất định trên con đường công danh sự nghiệp… Tuy nhiên, không phải lúc nào bạn cũng có được trong tay tất cả những điều bạn mong muốn. Cuộc sống không như là mơ, và đôi khi bạn buộc phải lựa chọn, đâu là điều quan trọng nhất trong cuộc đời mình?
Câu chuyện nhỏ sau là một bài học quý giá về sự lựa chọn. Một người phụ nữ ra khỏi nhà và nhìn thấy ba người đàn ông râu dài bạc trắng đang ngồi trên băng ghế đá ở sân trước. Bà không hề quen ai trong số họ. Tuy nhiên, vốn là người tốt bụng, bà nói: “Tôi không biết các ông nhưng chắc là các ông đang rất đói, xin mời các ông vào nhà ăn một chút gì đó”.
- Ông chủ có nhà không? - họ hỏi
- Không, chồng tôi đi làm rồi - bà trả lời.
- Thế thì chúng tôi không thể vào được.
Buổi chiều, khi chồng trở về, bà kể lại câu chuyện cho chồng nghe. Chồng bà muốn biết họ là ai nên bà ra mời ba người đàn ông - vẫn chờ từ sáng - vào nhà.
- Ba chúng tôi không thể vào nhà bà cùng một lúc được - Họ trả lời.
- Sao lại thế? - Người phụ nữ ngạc nhiên hỏi.
Một người giải thích: “Tên tôi là Tình yêu, ông này là Giàu sang, còn ông kia là Thành công. Bây giờ hai vợ chồng bà quyết định xem ai trong chúng tôi sẽ là người được mời vào nhà”.
Người phụ nữ đi vào và kể lại toàn bộ câu chuyện. “Tuyệt thật! - Người chồng vui mừng - Đây đúng là một cơ hội tốt. Chúng ta hãy mời ngài Giàu sang. Ngài sẽ ban cho chúng ta thật nhiều tiền bạc và của cải”.
Người vợ không đồng ý. “Thế tại sao chúng ta lại không mời ngài Thành công nghỉ? Chúng ta sẽ có quyền cao chức trọng và được mọi người kính nể”.
Hai vợ chồng tranh cãi một lúc lâu mà vẫn chưa ai quyết định được. Cô con gái nãy giờ yên lặng đứng nghe trong góc phòng bổng lên tiếng đề nghị: “Chúng ta nên mời ngài Tình yêu là tốt hơn cả. Nhà mình tràn ngập tình thương yêu ấm áp và ngài sẽ cho chúng ta thật nhiều hạnh phúc”.
“Có lẽ chúng ta nên nghe lời khuyên của con gái - người chồng suy nghĩ rồi nói với vợ - Em hãy ra ngoài mời ngài Tình yêu, đây chính là người khách chúng ta mong muốn”.
Người phụ nữ ra ngoài và hỏi: “Ai trong ba vị là Tình yêu xin mời vào và trở thành khách của chúng tôi”.
Thần Tình yêu đứng dậy và đi vào ngôi nhà. Hai vị thần còn lại cũng đứng dậy và đi theo thần Tình yêu.
Vô cùng ngạc nhiên, người phụ nữ hỏi: “Tôi chỉ mời ngài Tình yêu, tại sao các ông cũng vào? Các ông nói không thể vào cùng một lúc kia mà”.
Hai người cùng nhau trả lời: “Nếu bà mời Giàu Sang hoặc Thành Công thì chỉ có một mình người khách được mời đi vào. Nhưng vì bà mời Tình yêu nên cả ba chúng tôi đều vào. Bởi vì ở đâu có Tình yêu thì ở đó sẽ có Thành công và Giàu sang”.
Nghe xong câu chuyện này, hẳn nhiều bạn sẽ nghĩ đó chẳng qua chỉ là… một câu chuyện cổ tích. Vâng, câu chuyện trên được dệt lên bởi trí tưởng tượng phong phú của con người. Nó chứng tỏ một điều, khát vọng về tình yêu, sự giàu sang và thành công luôn tồn tại trong mỗi chúng ta.
Trong cuộc sống, không phải ai cũng có đầy đủ cả ba điều mong muốn: tình yêu, sự giàu sang và thành công. Nhưng nếu phải đưa ra thứ tự ưu tiên những mong ước cần đạt được trong cuộc đời mình, chúng tôi tin rằng, sau câu chuyện này, hẳn bạn đã biết đó là điều gì.
Nếu bạn có tình yêu, bạn sẽ có tất cả, hãy ghi nhớ điều này.
Hạnh phúc gia đình tạo nên từ yêu thương và chia sẻ
Mỗi gia đình đều cần có một tình yêu, nhưng để gia đình ấy hạnh phúc, chỉ tình yêu không, có lẽ chưa đủ.
Hầu hết chúng ta lấy nhau vì yêu. Chúng ta hăm hở và sung sướng khi nắm tay nhau trong ngày trọng đại: Lễ kết hôn. Lời hứa thủy chung, son sắt được khắc ghi trước mặt tất thảy mọi người tham dự. Hàng trăm lời chúc tụng, nhưng dự định và hy vọng về một tương lai tốt đẹp: Ở đó, có một ngôi nhà nhỏ nhưng ấm cúng, ngập tràn tiếng cười trẻ thơ. Sáng sáng, hai vợ chồng cùng đưa con đi học, ăn sáng cùng nhau và đi làm. Chiều chiều, vợ đi chợ về thổi cơm, chồng đón con, bố tắm cho con trong lúc mẹ nấu cơm hoặc hai bố con chơi đùa cùng nhau… Thuở mới cưới, chồng cũng như vợ, ai cũng trẻ trung, xinh đẹp và tràn trề sức sống. Cuộc sống sẽ êm đềm trôi qua, và dù có biến cố gì xảy ra, chúng ta vững tin rằng mình sẽ không lùi bước vì vợ chồng yêu và tin nhau. Đây là điều mà hầu hết cặp đôi nào cũng nghĩ thế. Nhưng nghĩ là một chuyện, và thực tế lại là một chuyện hoàn toàn khác nhau.
Một ngày nào đó, bạn ngán ngẩm nhận thấy cô vợ chung giường sao bây giờ lại già và xấu đến thế. Cô vợ cũng thất vọng tràn trề khi anh chồng ga lăng, lịch sự ngày nào, giờ trông lôi thôi, tuềnh toàng, ngày sinh nhật vợ có khi chẳng nhớ.
Gánh nặng cơm áo gạo tiền, những khi con ốm, con đau, quấy khóc; áp lực công việc, đối nội đối ngoại, chăm sóc bố mẹ già yếu… sẽ khiến cho các cặp đôi ai rồi cũng phải thay đổi. Đó là còn chưa kể đến, xã hội ngoài kia đầy rẫy những cám dỗ đam mê khiến cho nhiều người dễ “lầm đường lạc lối” để cho kẻ thứ ba chen chân phá hoại hạnh phúc gia đình. Nếu vợ chồng không thấu hiểu và thông cảm, bình đẳng, cùng nhau chia sẻ những vất vả, lo toan trong cuộc sống, hôn nhân có thể sẽ kết thúc ngay trong “nhiệm kỳ 5 năm lần thứ nhất” – một thống kê chưa đầy đủ cho biết, tỷ lệ ly hôn của các cặp vợ chồng Việt Nam thường diễn ra trong 5 năm đầu sau khi chung sống. Tuy nhiên, vượt qua giai đoạn khó khăn này, đời sống hôn nhân vẫn chưa thể êm đềm ngay được, sẽ có vô vàn sóng gió luôn chờ đón các cặp đôi ở phía trước, mà chỉ có yêu thương và chia sẻ, các cặp đôi mới có thể cùng nhau đi đến bến bờ hạnh phúc.
Để nâng cao nhận thức của các thành viên trong gia đình về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc gia đình, khơi gợi tình yêu thương, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên gia đình trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh..., Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành ngày 28/1/2022 đã đưa ra 4 tiêu chí ứng xử chung: Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ.
- Nguyên tắc “Tôn trọng”: Đánh giá đúng mực, coi trọng danh dự, phẩm giá, quan điểm, sự lựa chọn và lợi ích của nhau; tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau.
- Nguyên tắc “Bình đẳng”: Có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.
- Nguyên tắc “Yêu thương”: Có tình cảm gắn bó, quan tâm chăm sóc nhau.
- Nguyên tắc “Chia sẻ”: Cùng nhau vun đắp tình cảm, chia sẻ vui buồn, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn.