CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:57

Giá bán lẻ điện sinh hoạt cao nhất vẫn là 2.701 đồng một kWh

 

Sau nhiều lần chỉnh sửa, tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, hiệp hội..., dự thảo quyết định của Thủ tướng về cơ cấu biểu giá điện đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến vẫn quy định chia thành 6 bậc thang với mức giá tăng dần, dù trước đây đã có nhiều góp ý nên thay đổi cách tính này. 

Với mức giá bán lẻ điện bình quân 1.720,65 đồng một kWh (chưa gồm thuế giá trị gia tăng) áp dụng từ 12/2017, mức giá bán lẻ điện sinh hoạt mỗi bậc thang 1.549 - 2.701 đồng một kWh. Đây cũng là mức giá bán lẻ điện đang áp dụng sau đợt điều chỉnh tăng thêm 6,08% từ đầu tháng 12/2017.


 

Giá bán lẻ điện sinh hoạt

 Giá điện

(đồng/kWh)

So với giá bán lẻ

điện bình quân

Bậc 1

Cho kWh từ 0 - 50

              1.549

92%

Bậc 2

Cho kWh từ 51 - 100

              1.600

95%

Bậc 3

Cho kWh từ 101 - 200

              1.858

110%

Bậc 4

Cho kWh từ 201 - 300

              2.340

138%

Bậc 5

Cho kWh từ 301 - 400

              2.615

154%

Bậc 6

Cho kWh từ 401 trở lên

              2.701

159%

 

Thực tế, trong quá trình lấy ý kiến Bộ Công Thương đã xây dựng nhiều kịch bản cơ cấu giá bán lẻ điện, trong đó thu gọn khoảng cách các bậc của giá điện từ 6 bậc xuống 3 hoặc 4 bậc thang. Cụ thể, theo kịch bản 1A cơ cấu bán lẻ điện rút xuống còn 3 bậc, trong đó bậc thấp nhất từ 50 kWh với giá 1.484 đồng một kWh; bậc 2 là 51 - 300 kWh giá 1.768 đồng một kWh và bậc 3 từ 301 kWh trở lên, mức giá 2.559 đồng một kWh.

Kịch bản 2A biểu giá điện bán lẻ được chia theo 4 bậc, thấp nhất vẫn là 50 kWh chịu giá 1.484 đồng một kWh. Bậc 2 là 51-200 kWh có giá 1.668 đồng một kWh; bậc 3 là 201-400 kWh, mức giá 2.327 đồng một kWh. Bậc 4 từ 401 kWh trở lên chịu giá 2.587 đồng một kWh.

Còn kịch bản 2B bậc thấp nhất bắt đầu từ 100 kWh, giá 1.506 đồng một kWh, cao nhất vẫn là 401 kWh có giá 2.587 đồng mỗi kWh. 

Góp ý vào biểu giá bán điện lần này, Hội Điện lực Việt Nam đề nghị nên lấy mức tiêu thụ bắt đầu từ 101-200 kWh là mức tiêu thụ làm gốc và bằng 100% giá bán lẻ điện bình quân để tính cho các bậc thang khác. 

Tuy nhiên, nêu quan điểm Bộ Công Thương cho rằng, nên giữ nguyên cách chia 6 bậc thang như hiện hành với lập luận, do mức bán lẻ điện sinh hoạt cho bậc 1 (0 - 50 kWh) và bậc 2 (51 - 100 kWh) được tính toán tương ứng bằng 92% và 95% so với mức giá bán lẻ điện bình quân, nên mức giá của các bậc tiếp theo được điều chỉnh tăng dần để bù đắp cho 2 bậc đầu và đồng thời đạt được mục tiêu khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

"Việc giữ nguyên giá bán lẻ điện chia làm 6 bậc thang sẽ tránh xáo trộn trong thực tế", Bộ Công Thương nêu quan điểm.

 

Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện bình quân vẫn giữ nguyên 6 bậc thang, theo dự thảo mới nhất đang được lấy ý kiến.

 

Cơ quan này cũng cho rằng, nếu áp dụng kịch bản giá điện sinh hoạt gồm 4 bậc thang thay vì 6 bậc sẽ làm tăng tiền điện phải trả của các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện dưới 50 kWh một tháng, đồng thời số tiền ngân sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ chính sách xã hội sẽ tăng thêm khoảng 258 tỷ đồng một năm do giá điện bậc 1 điều chỉnh tăng.

Bộ Công Thương phân tích, tiền điện phải trả tăng thêm hầu hết ảnh hưởng đến nhóm khách hàng thu nhập trung bình, thấp sử dụng 51-100kWh và 201-300kWh một tháng khoảng 8,6 triệu hộ, chiếm 36% tổng số hộ 24,1 triệu hộ sinh hoạt. Các hộ sử dụng nhiều điện từ 300kWh một tháng trở lên được hưởng lợi từ giảm giá điện. Điều này chưa phù hợp trong giai đoạn hiện nay.

Ngoài ra, việc lắp đặt công tơ điện tử đã được triển khai trên toàn quốc, nên công tác ghi chỉ số công tơ, lập hoá đơn tiền điện… sẽ được công khai, minh bạch hơn. Khách hàng dùng điện có thể theo dõi được lượng điện sử dụng hàng tháng, nên những vướng mắc liên quan tới số lượng bậc thang điện sinh họat đã dần được giải quyết thông qua minh bạch ghi chỉ số công tơ điện.

Bên cạnh giữ nguyên cơ cấu giá bán lẻ điện chia theo 6 bậc thang, dự thảo lần này bổ sung nhóm khách hàng cơ sở lưu trú du lịch và giá điện áp dụng đối tượng này bằng giá sản xuất, thay vì giá kinh doanh như trước. 

Điều chỉnh này nhận được sự đồng thuận từ đa số chuyên gia, hiệp hội. Phân tích của VCCI cho thấy, điều chỉnh nhóm khách hàng khách sạn sang điện sản xuất có thể giúp phát triển ngành du lịch trong nước. Theo tính toán, mức giảm giá điện dành cho khách sạn khoảng 37%, nhờ đó giá phòng khách sạn có thể giảm 0,65% và giúp tăng nhu cầu phòng sách sạn 0,12 - 0,24%. 

Năm 2016 doanh thu từ khách du lịch khoảng 400.000 tỷ đồng, việc điều chỉnh giá điện theo dự thảo sẽ giúp doanh thu toàn ngành du lịch tăng thêm 480 - 960 tỷ đồng.

Còn theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), do đưa nhóm khách hàng cơ sở lưu trú du lịch vào nhóm khách hàng bán lẻ nên doanh thu tập đoàn này giảm khoảng 1.858,72 tỷ đồng năm 2016 và 2.630 tỷ đồng (tương đương sản lượng điện thương phẩm dự kiến năm 2018). Vì thế, tập đoàn này đề nghị tăng giá nhóm khách hàng sản xuất để bù đắp cho khoản giảm thu này, cũng như làm giảm khoảng cách giữa giá điện cho nhóm khách hàng kinh doanh, dịch vụ.


Bộ Công Thương vừa ký Quyết định 2265 quy định về khung giá bán buôn điện của EVN cho các tổng công ty điện lực. Cụ thể, Tổng công ty Điện lực miền Bắc có mức giá tối đa là 1.255 đồng và mức tối thiểu là 1.185 đồng một kWh.  

Giá bán buôn của Tổng công ty Điện lực miền Nam tối đa là 1.433 đồng, tối thiểu 1.389 đồng một kWh. Tổng Công ty Điện lực miền Trung có mức giá tối đa 1.282 đồng, tối thiểu là 1.183 đồng một kWh. 

Giá bán buôn điện của EVN cho Tổng Công ty Điện lực Hà Nội thấp nhất là 1.437 đồng, cao nhất 1.516 đồng một kWh.

Tổng công ty Điện lực TP HCM có giá mua buôn điện cao nhất 1.658 đồng, thấp nhất 1.593 đồng một kWh. 

Căn cứ vào khung giá bán buôn điện bình quân này, Bộ Công thương yêu cầu EVN ban hành giá bán buôn điện cụ thể cho từng tổng công ty điện lực theo quy định hiện hành. Thời gian áp dụng khung giá bán buôn điện bình quân của EVN cho các Tổng công ty điện lực từ ngày 1/1 đến 31/12/2018.

 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh