Gặp gỡ nhà văn đoạt giải Nobel Văn chương Annie Ernaux qua "Một người phụ nữ", "Cơn cuồng si" và "Nỗi nhục"
- Giải trí
- 06:37 - 09/05/2023
Sự kiện có sự tham gia của các vị khách mời: nhà văn Hiền Trang, thầy Hervé Malagola, giáo viên văn học Pháp và La tinh, Trường Pháp Quốc tế Alexandre Yersin tại Hà Nội cùng MC, tiến sĩ văn học Nguyễn Quyên.
Tháng 10/2022, Annie Ernaux đươc Viện Hàn lâm Thụy Điển trao giải Nobel Văn chương. Bà trở thành nữ nhà văn người Pháp đầu tiên giành giải thưởng văn học danh giá nhất thế giới. Hội đồng trao giải Nobel đã vinh danh Annie Ernaux "vì lòng dũng cảm và sự nhạy bén sắc lạnh bà sử dụng để khám phá ra gốc rễ, sự bất hòa và những hạn chế của ký ức cá nhân".
Là người “tự khai thác chính mình”, Annie Ernaux đào sâu vào ký ức, cuộc đời của bản thân qua những tác phẩm hồi ký, một chủ đề quen thuộc ở những nhà văn như Marcel Proust và Patrick Modiano. Bằng thứ văn phong “phẳng”, lạnh lùng tưởng như vô cảm, các tác phẩm của Annie Ernaux lại có sức mạnh khơi dậy sự đồng cảm nơi người đọc một cách kỳ lạ. Nhiều cuốn trong số đó đã được đưa vào giảng dạy tại các trường học ở Pháp.
"Một người phụ nữ", bức chân dung người mẹ
“Mẹ tôi mất vào thứ hai ngày 7 tháng tư tại nhà dưỡng lão thuộc Bệnh viện Pontoise.”
Cuốn sách mở đầu bằng thông báo về cái chết của mẹ nhà văn và kết thúc với cảm giác của Annie Ernaux khi thực sự nhận ra mẹ mình không còn trên cõi đời: “Tôi sẽ không còn nghe thấy giọng nói của bà nữa. […] Tôi đã đánh mất sợi dây nối cuối cùng với thế giới xuất thân của mình.”
Xuyên suốt cuốn sách, Annie Ernaux tìm lại những gương mặt khác nhau của người mẹ ấy, một người phụ nữ vốn rất khỏe, xông xáo, cởi mở, qua đời sau một thời gian mắc bệnh Alzheimer. Qua việc tái hiện cuộc đời một nữ công nhân, rồi chủ hàng thực phẩm luôn lo âu về địa vị và học hỏi không ngừng, Annie Ernaux cũng cho ta thấy sự tiến triển cũng như tính hai mặt của những tình cảm mà một người con gái dành cho mẹ: tình yêu, lòng thù ghét, sự âu yếm, cảm giác tội lỗi và cuối cùng là sự gắn bó máu thịt với người đàn bà già cả đã sa sút trí tuệ.
Những xung đột cảm xúc giữa hai mẹ con họ chính là một phần của những xung đột xã hội giữa các thế hệ và rộng hơn là các giai cấp.
"Một người phụ nữ" là tuyên ngôn tình yêu đầy tinh tế và sắc sảo của Annie Ernaux dành tặng người mẹ quá cố, qua ngòi bút tưởng như lạnh lùng (một cách có chủ đích) của bà, “đây không phải một tiểu sử, lẽ dĩ nhiên cũng không phải một cuốn tiểu thuyết, có lẽ là cái gì đó ở giữa văn chương, xã hội học và lịch sử. Cần phải có chuyện mẹ tôi, sinh ra trong môi trường thống trị mà bà muốn thoát khỏi nó, trở thành lịch sử, thì tôi mới cảm thấy bớt cô độc và giả tạo hơn ở thế giới thống trị làm từ từ ngữ và ý tưởng.”
"Cơn cuồng si", mối tình bí mật bị chôn giấu
Xuất bản tại Pháp năm 1991, "Cơn cuồng si" đánh dấu sự đoạn tuyệt của tác giả so với 5 tác phẩm trước đó bằng việc khai thác chủ đề tình dục, chủ đề mà bà chỉ có thể đề cập trực tiếp sau khi mẹ mình qua đời.
Trong cuốn sách rất mỏng và khó xếp loại này, bà kể lại cuộc phiêu lưu tình ái ngắn ngủi của mình với một nhà ngoại giao nước ngoài đã có vợ, một cuộc tình vụng trộm, thoáng qua nhưng mãnh liệt, đầy đam mê và đã để lại cho bà nhiều khổ đau, nhung nhớ.
Vào thời điểm ra mắt tại Pháp, "Cơn cuồng si" đã nhận về nhiều ý kiến trái chiều bởi thời đó, một nữ trí thức theo chủ nghĩa nữ quyền lại mô tả một mối tình nơi đàn ông là bên thống trị là điều không thể chấp nhận.
Tuy nhiên, Annie Ernaux viết về chủ đề ngoại tình nhưng không bào chữa, cũng không thuyết giảng, bà không nói nó đúng hay sai mà chỉ kể về tình cảm đơn phương cùng những cung bậc cảm xúc của mình trong cuộc tình ấy, điều đã được bà khẳng định: “Tôi không muốn giải thích cơn cuồng si của mình - hẳn điều đó cũng đồng nghĩa với việc coi nó là một sai lầm hay một rối loạn cần được bào chữa - mà chỉ đơn giản là bày nó ra”.
Một cuộc tình với cái kết được báo trước là không có hậu, một cuộc tình “vô nghĩa” như chính Annie Ernaux đã thừa nhận, tất cả mang đến cho câu chuyện một cái nhìn đầy thực tế và vượt qua mọi chuẩn mực.
"Nỗi nhục" và ẩn ức trong mỗi tâm hồn
“Bố tôi đã định giết mẹ tôi vào đầu buổi chiều một chủ nhật tháng sáu.”
Cuốn sách bắt đầu bằng một câu văn gây bất ngờ bởi nội dung lẫn tính trần thuật thuần túy đầy lạnh lùng của nó, cũng chính là nguồn cơn của nỗi nhục mà cô thiếu nữ Annie Ernaux cảm thấy về cha mẹ mình, về nghề nghiệp và môi trường sống của họ.
Mỗi người đều có một nỗi nhục, một cảm giác xấu hổ thầm kín tuyệt đối không thể nói ra. Người ta thường chạy trốn, che giấu và cố quên nó, nhưng Annie Ernaux, bằng một sự dũng cảm phi thường, đã phơi bày tất cả. Cảnh tượng người cha suýt giết người mẹ là một thứ mà Annie Ernaux từng không dám viết, “cho đến tận hôm nay, tôi vẫn thấy không thể nào làm chuyện đó, ngay cả trong nhật ký. Giống như một hành động bị cấm kiểu gì cũng kéo theo một hình phạt”, nhưng lại là cảnh bà không tài nào quên và liên tục xuất hiện trở lại trong đầu bà.
Câu chuyện cứ thế tiếp tục như thể cảnh tượng ấy đã ngừng lại, chen vào bằng những hồi ức khác về tuổi thơ, về thành phố, về ngôi trường Công giáo bà từng theo học… Nỗi nhục, nỗi xấu hổ vì cảm thấy xấu hổ, tất cả càng nhân lên gấp bội khi cô thiếu nữ bước vào tuổi dậy thì trong một xã hội đang xuống cấp và vấn đề phân chia giai cấp ngày một sâu hơn.
Đan xen giữa hồi ức và những suy tư về chuyện viết lách, Annie Ernaux đưa tới độc giả một lời chứng thật đẹp về mùa hè đã thay đổi cuộc đời mình, khi cô thiếu nữ bắt đầu ý thức được ánh mắt người khác đối với xuất thân của mình và khi cái nhìn của chính cô về cha mẹ mình cũng đã thay đổi.
Góc nhìn khác biệt của Annie Ernaux
Trong suốt hành trình sáng tác của mình, Annie Ernaux có một góc nhìn khác biệt về cuộc sống, giới tính và giai cấp. Thay vì cuốn người đọc vào những thăng trầm cuộc đời hay những chủ đề to tát, bà chỉ tập trung những sự kiện nhỏ nhặt, đời thường mà chân thực. Lịch sử của bà là lịch sử nhỏ, nhưng lịch sử nhỏ gắn kết với lịch sử lớn.
Câu văn ngắn gọn, rõ ràng, văn phong tối giản và không hoa mỹ, những tác phẩm của Annie Ernaux đôi lúc bị chê là khô khan, nhưng sự lạnh lùng ấy mới chính là thứ tạo nên vẻ đẹp riêng cho những cuốn sách và giúp chúng chạm đến tâm hồn người đọc, truyền tải những cảm xúc thô sơ mà không cần bất cứ thứ gì tô điểm. Như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nói vào ngày Annie Ernaux nhận giải Nobel Văn chương:
“Suốt 50 năm qua, Annie Ernaux viết cuốn tiểu thuyết về ký ức tập thể và riêng tư của đất nước chúng ta. Tiếng nói của bà là tiếng nói của tự do của người phụ nữ và của những điều đã bị lãng quên trong thế kỷ qua.”