THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 09:15

Giáo dục chưa phân luồng được thị trường lao động

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên về dự thảo cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên đại biểu Quốc hội, đề nghị Chính phủ cân nhắc để cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân đáp ứng yêu cầu phân luồng ở bậc trung học và gắn đào tạo với thị trường lao động.
GS Nguyễn Minh Thuyết
GS Nguyễn Minh Thuyết phân tích: Theo dự thảo mà Bộ GD&ĐT trình Thủ tướng Chính phủ, hệ thống giáo dục quốc dân cơ bản không thay đổi so với hiện nay về số năm học ở các cấp, bậc học phổ thông. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của dự thảo này, theo tôi là không giúp gì được cho việc giải quyết “bài toán” phân luồng.
Chỉ phù hợp khối thi ĐH, chưa phải phân luồng lao động
Nhưng dự thảo có đề cập đến định hướng phân luồng khá rõ ở bậc THPT, thưa ông?
Theo dự thảo thì THPT được chia thành 3 nhánh theo 3 định hướng nghề nghiệp: định hướng chung (có tính hàn lâm/khoa học), định hướng kỹ thuật/công nghệ, và định hướng năng khiếu (nghệ thuật, thể thao). Phân nhánh như vậy thì cũng giống như phân ban hiện nay, chỉ phù hợp với các khối thi ĐH, CĐ, chứ không phải phân luồng lao động.
So sánh với châu Âu, điển hình là Đức, chúng ta thấy sự phân luồng nhân lực của họ rất rõ. Ở Đức, sau khi học tiểu học 6 năm, học sinh (HS) sẽ được phân thành 3 luồng: Luồng thứ nhất là vào trường trung học 6 năm. HS phải có điểm tổng kết loại giỏi thì mới có thể vào học vì chương trình nặng hơn. Học xong chương trình này, các em có thể yên tâm vào ĐH. Tuy nhiên, số này chiếm tỷ lệ không lớn vì để đạt được điểm tổng kết toàn 1 (điểm cao nhất của Đức) rất khó.
Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân dự kiến
Luồng thứ hai là vào trường trung học 5 năm, dành cho HS khá. Tốt nghiệp loại trường này, HS có thể học tiếp lên cao đẳng kỹ thuật.
Luồng thứ ba là vào trường trung học 4 năm. Tốt nghiệp loại trường trung học này, HS sẽ vào các trường trung học kỹ thuật.
 

Trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện mà chúng ta vẫn cứ “án binh bất động” hoặc chỉ thay đổi vài chi tiết của cỗ máy vì cho rằng điều kiện chưa cho phép thì chẳng biết bao giờ mới đổi mới được


Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết

Phân luồng như vậy mới là phân luồng nhân lực theo nhu cầu của thị trường lao động, còn phân luồng của ta cho đến nay vẫn ứng với các khối thi ĐH và như vậy thì không giải quyết được bế tắc hiện nay về việc phân luồng.
Vẫn giữ cách phân luồng theo khối ngành đào tạo ở ĐH, có ý kiến cho rằng phải chăng do Bộ giải quyết hậu quả của việc cho phép mở trường ĐH ồ ạt trong suốt thời gian trước đây, nếu không các trường ĐH sẽ phải đóng cửa?
Tôi nghĩ các trường ĐH đã đến lúc phải thay đổi quan điểm, có thể đào tạo ít thôi và thu học phí ở mức cao hơn, nhưng sản phẩm đào tạo phải thực sự chất lượng. Chứ còn đào tạo như hiện nay thì trước một thị trường ASEAN mở, việc cử nhân bị thất nghiệp ngay trên quê hương mình sẽ không thể tránh khỏi. Ngược lại, nếu chất lượng đào tạo tốt thì sinh viên được đào tạo trong nước có cơ hội rất lớn để tham gia thị trường lao động rộng mở của các nước ASEAN.
Chỉ thay đổi vài chi tiết thì chẳng biết bao giờ mới đổi mới được
Việc phân luồng đã đặt ra hàng chục năm nay mà không giải quyết được. Nếu như lần đổi mới này, giáo dục vẫn “tắc” về phân luồng thì ông nghĩ sao?
Rất đáng tiếc! Tôi đề nghị ngành GD&ĐT hãy mạnh dạn đổi mới, theo cách Đức đã làm. Số năm học tối đa ở bậc phổ thông có thể không cần thay đổi nhưng đừng bắt tất cả HS phải học đủ 12 năm, vì có những em không cần thiết phải học bằng ấy năm. Chỉ những HS nào có nguyện vọng và đủ điều kiện học tiếp lên ĐH mới cần học 12 năm phổ thông. Còn đối với những em không có ý định và khả năng học tiếp lên nếu tiết kiệm được 1 - 2 năm đi học thì các em đỡ lãng phí thời gian và cơ hội tìm việc làm, mà gia đình cũng đỡ được nhiều chi phí.
Nhưng thưa ông, năm 2018 đã thực hiện đổi mới, vậy có còn kịp thời gian để chuẩn bị, nếu thay đổi về cách thức phân luồng như đề xuất của ông?
Tôi cho rằng cái gì cũng có thể làm kịp được, nếu ta thấy cách làm đó là đúng và quyết tâm làm. Nghị quyết của Đảng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện, nghĩa là cho phép đổi mới một cách mạnh dạn, căn cơ. Đây là cơ hội hàng chục năm mới có một lần, phải tận dụng nó để “khơi thông” những bế tắc từ rất lâu rồi chưa làm được. Tôi cho rằng, nếu không thay đổi ngay trong mấy năm tới thì dự thảo cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân cũng phải đưa ra được định hướng mới và một lộ trình, thực hiện theo từng mốc thời gian cụ thể. Chứ còn trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện mà chúng ta vẫn cứ “án binh bất động” hoặc chỉ thay đổi vài chi tiết của cỗ máy vì cho rằng điều kiện chưa cho phép thì chẳng biết bao giờ mới đổi mới được.
Dự thảo cơ cấu hệ thống giáo dục cũng đề xuất rút ngắn thời gian đào tạo ĐH tối thiểu xuống còn 3 năm thay vì 4 năm như hiện nay. Ý kiến của ông về vấn đề này?
Hiện nay, các nước châu Âu cũng chỉ đào tạo ĐH trong 3 năm thôi, chứ không đào tạo đến 4 năm như ở ta. Nhưng nếu rút ngắn xuống 3 năm thì chương trình đào tạo phải hết sức tinh túy. Đặc biệt là phải thay đổi phương thức đào tạo: Đào tạo phải gắn với đơn vị sử dụng lao động và thị trường lao động nói chung. Nếu nhà trường chỉ biết dạy những gì mình có, còn sinh viên ra trường có làm được nghề hay không không biết, thì không được.
Học sinh vẫn chọn học lên cao thay vì học nghề
Theo đánh giá của Bộ về việc phân luồng trong hệ thống giáo dục hiện hành là đại đa số HS tốt nghiệp THCS đều tập trung vào luồng THPT và chỉ chọn con đường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề như sự lựa chọn cuối cùng. Sau THPT, đại đa số tập trung vào thi CĐ, ĐH. Tuy cơ cấu phân luồng đã có nhưng cơ chế luồng thì không, khi giáo dục THCS tuyệt nhiên không có chính sách và giải pháp cụ thể giúp HS tự định hướng theo năng lực bản thân, còn giáo dục nghề nghiệp lại thiếu sức hút cần thiết. Chất lượng đào tạo ở các trường nghề chưa đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực có trình độ của xã hội, nên không thu hút được sự lựa chọn của HS sau khi học xong THCS, THPT.
Hệ thống giáo dục quốc dân VN qua các thời kỳ
- Ngày 10/8/1946, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Sắc lệnh số 146 đặt những nguyên tắc căn bản của nền giáo dục mới. Hệ thống giáo dục quốc dân có 3 cấp học gồm: đệ nhất cấp: bậc học cơ bản, đệ nhị cấp có 2 ngành: tổng quát và chuyên môn, đệ tam cấp: bậc ĐH.
- Năm 1950 thực hiện cuộc cải cách giáo dục. Theo đó bậc giáo dục phổ thông gồm vỡ lòng: 1 năm, cấp I: 4 năm, cấp II: 3 năm, cấp III: 4 năm (2 năm không chia ban + 2 năm dự bị ĐH); Bậc ĐH và CĐ.
- Năm 1979 cải cách giáo dục. Theo đó, hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm gồm 2 bậc học: Bậc PTCS 9 năm, có 2 cấp học: cấp I là 5 năm, cấp II là 4 năm. Bậc PTTH 3 năm (cấp III).
- Cơ cấu hệ thống giáo dục lần đầu tiên được quy định rõ trong Nghị định 90/CP của Chính phủ ký ngày 24.11.1993 bao gồm: Giáo dục mầm non: nhà trẻ, mẫu giáo; Giáo dục phổ thông: tiểu học, THCS, trung học chuyên ban; Giáo dục chuyên nghiệp: trung học chuyên nghiệp, trung học nghề, đào tạo nghề; Giáo dục ĐH: CĐ, ĐH, sau ĐH; Giáo dục thường xuyên.
- Năm 1998, Luật Giáo dục quy định hệ thống giáo dục quốc dân gồm: Giáo dục mầm non có nhà trẻ và mẫu giáo; Giáo dục phổ thông có 2 bậc học là tiểu học và trung học (gồm 2 cấp học là THCS và THPT);
Giáo dục nghề nghiệp có trung học chuyên nghiệp và dạy nghề; Giáo dục ĐH gồm CĐ và ĐH; Giáo dục sau ĐH gồm thạc sĩ và tiến sĩ.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh