Đưa trẻ về với thiên nhiên đầy ắp thanh âm, nhịp điệu trong nhạc kịch “Đồng cỏ hòa ca”
- Giải trí
- 21:08 - 17/04/2023
Lấy cảm hứng từ cuốn sách cùng tên của tác giả Kat Ha, vở nhạc kịch được xây dựng với cách kể chuyện lồng ghép “show nằm trong show”. Câu chuyện lấy bối cảnh tại đồng cỏ, nơi cứ mỗi đầu mùa hạ, khi những nhánh cỏ uống no giọt mưa đầu mùa và vươn lên xanh tốt, cây cối đâm chồi nảy lộc cũng là lúc muôn loài tổ chức hòa ca. Đồng hành với các cư dân từ khi chuẩn bị cho tới đêm biểu diễn “Đồng cỏ hòa ca”, khán giả sẽ được hòa mình theo những giai điệu trong trẻo, vui tươi qua những màn biểu diễn múa ba lê, nhảy hiện đại, nhảy hiphop hay những màn đồng ca, hợp xướng, độc tấu và hòa tấu nhạc cụ… của những nhân vật mang hình tượng gần gũi với trẻ nhỏ như nhạc trưởng Dế Mèn, ca sĩ kiêm MC Đom Đóm, rapper Dế Còi cùng Dế Mập, vũ công ngàn cân Voi Còi và Hà Mã, tay trống Ếch Cốm, nhạc công Chuột Nhắt, nhân tố bí ẩn Cóc Tía, cặp bài trùng Sâu Anh, Sâu Em… Cô Kat Ha, tác giả kịch bản gốc kiêm giám đốc âm nhạc của “Đồng cỏ hòa ca” cho biết: “Âm nhạc là một phần không thể thiếu trong sự phát triển trí tuệ và tâm hồn cho trẻ em. Vì vậy, qua những tác phẩm kinh điển được chọn lọc kĩ càng và những bài hát thiếu nhi được sáng tác dành riêng cho vở nhạc kịch, tôi mong rằng sẽ tạo ra được một không gian mà ở đó các em được tìm hiểu về thiên nhiên quanh mình với đầy ắp thanh âm, nhịp điệu và từ đó bồi đắp cho mình tình yêu thương và sự rung cảm với vạn vật xung quanh.”
“Đồng cỏ hòa ca” tập hợp hơn 300 diễn viên tham gia trình diễn, các vai chính được ê kíp tuyển chọn kỹ lưỡng từ hơn 200 ứng viên qua ba vòng thi thử vai. Những khác biệt về tính cách hay khác biệt về bộ môn nghệ thuật khi tập luyện và biểu diễn được kết nối và hoà quyện với nhau bằng âm nhạc. Âm nhạc và nghệ thuật giúp xoá nhoà mọi rào cản về ngôn ngữ, ngoại hình, tuổi tác, cá tính khác biệt của mỗi cá nhân, khơi dậy lòng hướng thiện và gắn kết mọi người lại gần nhau hơn. Với tinh thần đó, “Đồng cỏ hòa ca” mong muốn truyền tải tới khán giả một thông điệp không mới nhưng vẫn luôn là điều đau đáu của những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và nghệ thuật, đó là ý nghĩa của việc tôn trọng sự khác biệt, khuyến khích mỗi người khám phá đam mê, tự tin thể hiện năng lực của bản thân, biết yêu thương, chia sẻ và nâng đỡ nhau để cùng toả sáng.
Để có được hai buổi diễn chính thức thành công vang dội này, đội diễn viên nhí đã phải tổng duyệt say mê quên giờ giấc. Trước đó, trong buổi tổng duyệt 2 đã diễn ra vô cùng nhiều cảm xúc, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh dự và duyệt chương trình xong đã tấm tắc: “Các bạn làm quá công phu, càng công phu hơn nữa khi thấy các bạn làm việc với mấy trăm diễn viên nhí không chuyên mà đạt được kết quả như thế này là quá tuyệt vời. Nên có thật nhiều hơn nữa những hoạt động nghệ thuật như vậy dành cho trẻ nhỏ”.
NSND Quốc Chiêm, nguyên Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội phấn khởi nói: “Tôi phải khẳng định luôn là tôi rất thích chương trình này, với tư cách là một khán giả. Từ thiết kế sân khấu, dàn dựng, đạo diễn, âm nhạc, phục trang... các bạn làm rất chuyên nghiệp, đặc biệt là bối cảnh sân khấu đều được làm thủ công xứng đáng cho 10 điểm”.
Bà Quyên Trần – Chủ nhiệm chương trình nhạc kịch “Đồng cỏ hòa ca” cho biết: “Lựa chọn nhạc kịch - một loại hình sân khấu kết hợp nhiều hình thức trình diễn để truyền tải những thông điệp của tư duy giáo dục hiện đại là một việc khó. Trong “Đồng cỏ hòa ca”, diễn viên chính không chỉ cần có khả năng diễn xuất mà còn phải đảm bảo yêu cầu về chuyên môn tương ứng với vai diễn như múa ba lê, hát, nhảy hiphop, chơi trống… Đây thực sự là thách thức không nhỏ ngay cả đối với diễn viên người lớn, trong khi gần như toàn bộ diễn viên chính và phụ của vở nhạc kịch đều là trẻ em, đòi hỏi tinh thần và phương pháp làm việc vô cùng linh hoạt, tỉ mỉ... Và để có được sự tề tựu này, chúng tôi đã không ít lần làm khó nhau bởi sự va đập của cá tính, tiêu chuẩn, cùng những quan điểm không phải lúc nào cũng khớp, nhưng đúng như tinh thần của vở diễn, nghệ thuật có thể kết nối, hàn gắn và xoa dịu để mỗi người tự dàn xếp cái tôi cá nhân của mình để tiến tới cái ta chung. Những khác biệt về tính cách hay bộ môn nghệ thuật được kết nối và hoà quyện với nhau bằng âm nhạc. Nghệ thuật giúp xoá nhoà mọi rào cản về ngôn ngữ, ngoại hình, tuổi tác, tính cách khác biệt của mỗi cá nhân, khơi dậy lòng hướng thiện và gắn kết mọi người lại gần nhau hơn. Với tinh thần đó, chúng tôi mong muốn truyền tải một thông điệp không mới nhưng vẫn luôn là niềm đau đáu của những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và nghệ thuật, đó là ý nghĩa của việc tôn trọng sự khác biệt, khuyến khích mỗi người khám phá đam mê, tự tin thể hiện năng lực của bản thân, biết yêu thương, chia sẻ và nâng đỡ nhau để cùng toả sáng”.