THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:53

Đua nhau cho con học trước khi vào lớp 1

Lịch học kín như học sinh ôn thi đại học 

 “Trước khi vào lớp 1 cháu sẽ đọc thông viết thạo. Hiện tại cháu đã biết đánh vần và viết hết các chữ cái. Còn tiếng Anh cháu đã học hết các chủ đề dành cho trẻ 5-6 tuổi”! Chị Bùi Thị Thanh Bình  (Linh Đàm, Hà Nội) có cậu con trai sắp vào lớp 1 phấn khởi khoe.

Để cậu con trai đạt được kết quả trên, hàng ngày, hai vợ chồng chị phải cùng con trai và có sự hỗ trợ rất lớn của cô giáo “đánh vật” với từng con số, nét chữ. Lịch học của cậu con trai kín cả ngày suốt từ thứ 2 đến chủ nhật. Từ sáng đến chiều, con được học ở trường mầm non. Để không “tụt hậu” so với các bạn, ngoài chương trình mầm non chung, chị Bình đăng ký cho con học thêm: Tiếng Anh, võ vã kỹ năng sống. Ăn cơm tối xong, hai mẹ con dắt nhau sang nhà cô giáo để học thêm chữ và toán chương trình lớp 1. Để bố mẹ có thể yên tâm về kiến thức của con, trước khi đi ngủ mẹ Bình tiếp tục cho con rèn thêm 1 trang luyện chữ. Đảm bảo con mình “cái gì cũng biết”, hai ngày thứ 7 và chủ nhật không đến trường mầm non thì con được đăng ký học tiếng Anh tại trung tâm Anh ngữ quốc tế.

Thời gian biểu của cậu bé lên 6 nhà chị Bình luôn kín không có thời gian vui chơi. Không ít người lắc đầu, thời gian biểu học của cháu chẳng khác nào các thí sinh ôn thi đại học!

 Bình là một trong rất nhiều phụ huynh hiện nay quyết định cho con đi học trước khi vào lớp 1. Trong suy nghĩ của hầu hết các bậc phụ huynh thì việc cho con học trước, biết trước sẽ là một lợi thế. Đó là lý do để trong thời gian này, phong trào đưa con đi luyện viết, luyện toán thực sự là một “sóng ngầm” trong các bậc phụ huynh. Trên các diễn đàn mạng xã hội, hay các phụ huynh đang có con học lớp 5 tuổi “rỉ” tai nhau những địa chỉ cho con học thêm trước khi vào lớp 1.

Nên để các em được vui chơi, phát triển toàn diện.

Chia sẻ về lý do luyện chữ cho con trước khi vào lớp 1, chị Thu Hiền (TP Vinh, Nghệ An) tâm sự: “Thấy các phụ huynh tìm lớp cho con đi học, mình cũng sốt ruột và lo lắng. Thêm vào đó, bà cháu suốt ngày giục, nói rằng, trẻ hàng xóm đi học mầm non mà đã đọc, viết “nhoay nhoáy”, trong khi cháu mình lại không biết gì. Rồi còn bảo, nếu không dạy trước con sẽ thua kém bạn bè…”. Cùng tâm lý lo sợ con sẽ kém bạn nên bên cạnh những phụ huynh gửi con đến học tại nhà cô giáo thì cũng có không ít người tìm mua sách hướng dẫn về nghiên cứu để tự luyện chữ cho con. Cuộc chạy đua “ngầm” của các bậc phụ huynh với lý do tạo cho con sự tự tin bằng việc luyện chữ đã khiến cho nhiều trẻ em chuẩn bị bước vào lớp 1 là những chuỗi ngày gò mình đánh vật với từng con chữ.

Lợi bất cập hại

Theo các chuyên gia giáo dục, việc dạy cho trẻ trước khi vào lớp 1 là hoàn toàn không nên và sai quan điểm giáo dục. Thực tế, phương pháp dạy chương trình Tiếng Việt công nghệ mới hoàn toàn trái ngược với phương pháp cũ. Chính vì thế, trẻ thuộc mặt chữ trước khi học chương trình mới sẽ mất hứng thú trong mỗi giờ học và hiệu quả sẽ không cao. Chưa kể việc cho trẻ đi học trước (cụ thể là luyện viết, luyện đọc hay luyện toán...) dễ làm cho các em mất tập trung, nảy sinh tâm lý chủ quan khi bước vào học chính thức bởi phải học lại những điều đã biết. Thực tế ở trường cho thấy, không phải trẻ nào đi học trước cũng đều học giỏi, có thê  ở giai đoạn đầu (chỉ xảy ra ở học kỳ I), những trẻ học chữ trước có lợi thế, nhưng về sau sẽ bị đuối, không theo kịp các bạn, bởi trước đó, các em đã có thói quen không tập trung. Và khi vốn kiến thức đã học hết thì lại không thể bắt kịp với những bạn chăm chỉ học ngay từ đầu năm.

Với trẻ hoàn thành chương trình mầm non chuẩn bị vào lớp 1, điều quan trọng nhất các bậc phụ huynh nên làm là chuẩn bị cho con tâm thế sẵn sàng đi học bằng cách dạy cho trẻ tự tin, tập trung vào bài học, biết nghe lời giáo viên, biết giữ nền nếp, thói quen tốt khi vào trường tiểu học. “Học lực của học sinh phụ thuộc vào sự tiếp thu và việc chăm chỉ học hành của trẻ. Có thể thời gian đầu những trẻ đã biết chữ trước có khả năng học tập nhanh hơn nhưng điều đó không quyết định về sự khác biệt học lực vì còn phụ thuộc 2 yếu tố trên”. Đó là những chia sẻ của một cô giáo viên tiểu học, có kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm ở lớp 1.

Theo nhận xét của một giáo viên lớp 1, những lỗi học sinh thường gặp nếu học trước khi vào lớp 1: Hầu hết chữ của trẻ đều viết sai từ các nét cơ bản cho đến độ rộng, độ cao và khoảng cách. Thêm vào đó là cách đánh vần, trẻ học trước thường thực hiện theo kiểu cũ, chẳng hạn chữ “lan” phải đánh vần đúng là “lờ-an-lan” thì trẻ lại đánh vần thành “a-nờ-an-lờ-an-lan”. Ngoài ra, học sinh còn ngồi sai tư thế dẫn đến cách cầm bút, để vở theo thói quen xấu, khó sửa và dễ thành tật…

KHÁNH VÂN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh