THỨ TƯ, NGÀY 11 THÁNG 09 NĂM 2024 08:42

Đồ thủy tinh - “sát thủ" gây tai nạn thương tích cho trẻ

Gương trang trí ở phòng khách có thể bị nứt vỡ sẽ tự động rớt xuống và gây tai nạn cho trẻ. Ảnh minh họa KT

Gương trang trí ở phòng khách có thể bị nứt vỡ sẽ tự động rớt xuống và gây tai nạn cho trẻ. Ảnh minh họa KT

Bên cạnh những lời cảnh báo về việc trẻ nhỏ bị điện giật, bỏng, ngã, ngộ độc hay đuối nước thì một nguy cơ tai nạn thương tích mà các bậc cha mẹ ít ngờ tới, đó là những đồ vật thủy tinh, gốm, sứ trong nhà. Trẻ nhỏ vốn hiếu động, tai nạn thì luôn rình rập và xảy ra một cách bất ngờ, khó tưởng tượng nhất, vì vậy cha mẹ cần phải loại trừ tất cả những nguy cơ tiềm ẩn nguy hiểm trong nhà để tránh gây tai nạn cho trẻ.

Nguy cơ tai nạn từ đồ vật bằng thủy tinh

Choang! Tiếng đổ vỡ từ phòng khách vọng lên, chị Ngọc vội vàng chạy xuống kiểm tra. Cậu con trai 5 tuổi đang đứng khóc trước cái gương treo tường đã vỡ tan tành. Chả là phòng khách có chiều ngang hạn chế, nên khi dọn về nhà mới, chị Ngọc đã mua một chiếc gương to treo tường. Chiếc gương to làm cho phòng khách nhà chị trông có vẻ rộng ra và nó được làm cầu kỳ, đẹp mắt nên có thể coi là một vật trang trí. Tuy nhiên, sự bất tiện và nguy cơ có thể xảy ra tai nạn là từ khi bé Hưng biết đi, thích đứng trước gương chơi đùa. Và hôm nay, cậu bé đã đá mạnh quả bóng da vào làm chiếc gương to trên tường vỡ vụn. Rất may mắn  là bé đứng xa nên không bị thương tích.

Chiếc bàn kính vỡ gây tai nạn cho cháu bé 4 tuổi ở TP.HCM. Ảnh: KT

Chiếc bàn kính vỡ gây tai nạn cho cháu bé 4 tuổi ở TP.HCM. Ảnh: KT

Nhiều nhà cũng có có thói quen cho trẻ ngồi trên mặt kính bàn nước hay bàn ăn để chơi hoặc dỗ trẻ ăn. Cho dù bạn đã sử dụng kính cường lực dày tới 10 ly, nhưng khi chịu một lực tác động lớn, kính vẫn vỡ và để lại những mảnh sắc nhọn vô cùng nguy hiểm, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Hơn nữa, trẻ con rất thích leo trèo lên bàn có độ cao để nhảy múa và nghịch. Chỉ cần một tác động lực nhỏ khi trẻ nhảy lên cũng có thể làm vỡ kính gây tai nạn đáng tiếc.Đã có nhiều trường hợp trẻ leo lên mặt bàn kính nô đùa, nhún nhảy khiến kính vỡ và gây thương tích nghiêm trọng.

Ngoài ra, những vật dụng rất quen thuộc trong nhà như cốc, ly, bát, lọ hoa… được làm bằng thủy tinh hay gốm, sứ cũng có thể là tác nhân gây ra những thương tích nguy hiểm cho trẻ. 

Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận nhiều trường hợp tai nạn sinh hoạt, trong đó có trường hợp một bé gái (16 tháng tuổi, trú tại Mê Linh, Hà Nội) bị mảnh thủy tinh cắm vào bụng. Trước đó, trong lúc đùa nghịch, bé vô tình đã làm vỡ một cốc thủy tinh và mảnh vỡ của cốc đã cắm vào bụng, làm thủng thành bụng, toàn bộ ruột non chui ra ngoài ổ bụng.

Phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhi bị tai nạn sinh hoạt - Ảnh BVNTW

Phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhi bị tai nạn sinh hoạt - Ảnh BVNTW

Làm gì để phòng tránh tai nạn từ đồ thủy tinh?

- Cảnh báo trẻ không được chơi, nghịch, nhảy trên bàn kính.

- Thường xuyên kiểm tra gương treo trong nhà bao gồm tủ quần áo có gương, gương treo tường, gương trong phòng tắm.

- Thay thế ngay nếu phát hiện gương bị nứt, vỡ hoặc khung gỗ giữ gương bị yếu, bị lỏng lẻo hoặc bị hư hỏng do mối mọt.

- Nếu có thể, hãy sử dụng băng keo trong để dán gương hoặc sử dụng gương hai lớp có dán keo ở giữa.

- Tuyệt đối không cho trẻ em đùa nghịch gần gương, tỳ đè vào gương.

- Bọc các đầu sắc nhọn của góc kính bàn nước, bàn ăn.

- Để ngoài tầm với của trẻ những vật dụng ly, cốc, bát, lọ hoa bằng thủy tinh, gốm sứ.

Khi trẻ bị chảy máu do các vết cứa của gương, kính vỡ cần làm gì?

- Đối với các vết thương bị chảy máu không nhiều, cần rửa vết thương bằng nước sạch và khử trùng vết thương bằng thuốc, đặt lên trên vết thương một vài lớp gạc, bên trên là một lớp bông. Dùng băng băng chặt vết thương, sau đó đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất.

- Đối với trường hợp động mạch bị tổn thương thì thủ thuật băng sẽ không hiệu quả. Trong thời gian đợi cứu thương, cần phải cố gắng hết sức để cầm máu cho trẻ bằng cách ấn thật chặt mạch phía trên, nơi phần cơ thể bị thương hoặc làm ga rô cầm máu. Trong khoảng thời gian chưa đưa trẻ đến được cơ sở y tế gần nhất hoặc chưa gọi được cấp cứu thì phải nới ga rô cứ 10-15 phút một lần. Để nới ga rô, cần phải dùng ngón tay để ấn chặt mạch máu bị tổn thương.

Cách xử trí khi thủy tinh bị vỡ

- Bảo vệ tay chân: Khi thủy tinh vỡ, hãy mang bao tay bằng cao su hay bằng vải rồi cẩn thận nhặt từng mảnh. Cần mang giầy dép khi dọn mảnh thủy tinh vỡ.- Dọn mảnh vỡ không nhìn thấy bằng bánh mì: Nếu làm vỡ ly thủy tinh trên một tấm thảm, hãy dùng mẩu bánh mì cắt một mặt, sau đó chà sát bánh mì ở khu vực có mảnh vỡ. Ruột trắng của bánh mì có các lỗ nhỏ, các lỗ này có khả năng bắt dính các mảnh vỡ thủy tinh khó nhìn thấy.

- Không dùng máy hút bụi. Các mảnh vỡ dù là nhỏ nhưng cũng sẽ làm ảnh hưởng ít nhiều đến các bộ phận của máy hút bụi (trừ trường hợp máy hút bụi có chức năng hút các vật sắc nhọn).

- Gói kỹ các mảnh vỡ trước khi bỏ vào thùng rác và nên ghi chú cảnh báo bên ngoài bao để tránh gây nguy hiểm cho người khác.

Anh Khánh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
UNICEF đánh giá cao về hướng dẫn ưu tiên chăm sóc trẻ em mồ côi do Covid-19 của Việt Nam

UNICEF đánh giá cao về hướng dẫn ưu tiên chăm sóc trẻ em mồ côi do Covid-19 của Việt Nam

Ngày 26-9, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam đã ra thông cáo báo chí cho biết bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam bày tỏ sự đánh giá cao trước việc mới...
2 năm trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh