THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 02:11

Điều chỉnh thời gian bắt đầu môn học trong chương trình mới

 

Môn Thế giới công nghệ sẽ được dạy từ lớp 3 thay vì lớp 1 như đề xuất trước đây. Ảnh: Hải Nguyễn

 

GS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể - cho biết, sau khi công khai lấy ý kiến đóng góp về Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Ban soạn thảo đã nhận được hàng trăm ý kiến đóng góp. Bên cạnh những đánh giá tích cực, Ban soạn thảo đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi, đóng góp tích cực cho chương trình từ đó đưa ra những điều chỉnh cho phù hợp.

Sẽ dạy môn Thế giới công nghệ từ lớp 3

Theo đó, về thời lượng học tập, dự thảo đã giảm số môn học, thời lượng học so với chương trình hiện hành và còn thấp hơn các nước. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến phê bình, Ban soạn thảo dự kiến báo cáo Hội đồng thẩm định quốc gia không tổ chức dạy môn thế giới công nghệ ở các lớp 1, 2; chỉ bắt đầu dạy tin học và tìm hiểu công nghệ từ lớp 3. Số giờ học ở các lớp 8, 9, 10 cũng sẽ được nghiên cứu để giảm xuống dưới 30 tiết/tuần.

GS Thuyết cũng lí giải thêm về tên các môn học. Theo GS Thuyết, thực chất, hầu hết các môn học trong dự thảo chương trình tổng thể đều được phát triển trên cơ sở những môn đã có trong chương trình hiện hành.

Ví dụ, từ lớp 1 đến lớp 3 có môn Cuộc sống quanh ta, được xây dựng trên cơ sở môn Tự nhiên và Xã hội trong chương trình hiện hành. Chương trình nhiều nước cũng có môn học này với tên gọi tương tự. Cuộc sống quanh ta giúp học sinh có những hiểu biết ban đầu về các hiện tượng tự nhiên và xã hội xung quanh, biết giữ vệ sinh, chăm sóc sức khỏe,… Lên lớp 4, lớp 5, môn học này phân hóa thành 2 môn Tìm hiểu tự nhiên và Tìm hiểu xã hội; ở cấp THCS là 2 môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Việc dạy học tích hợp mạnh ở các lớp dưới, phân hóa dần ở các lớp trên phù hợp với quá trình nhận thức của học sinh, theo đúng yêu cầu của Nghị quyết 88/2014/QH13 ngày 28.11.2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa Giáo dục phổ thông.

Hai loại hình trải nghiệm sáng tạo

Bên cạnh đó, dư luận cũng đang được quan tâm nhiều về hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Trong chương trình mới có hai loại hoạt động trải nghiệm sáng tạo là hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong từng môn học nhằm trải nghiệm kiến thức môn học trong thực tiễn và hoạt động trải nghiệm sáng tạo mang tính tích hợp, trong đó học sinh dựa trên sự tổng hợp kiến thức của nhiều lĩnh vực giáo dục và nhóm kỹ năng khác nhau để trải nghiệm thực tiễn đời sống và tham gia hoạt động phục vụ cộng đồng dưới sự hướng dẫn và tổ chức của nhà giáo dục.

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo được phân bổ thời lượng giáo dục riêng trong dự thảo chương trình tổng thể thuộc loại 2. Nội dung hoạt động trải nghiệm sáng tạo bao gồm các hoạt động tập thể (chào cờ, sinh hoạt lớp, sinh hoạt Sao Nhi đồng Tháng Tám, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh), các hoạt động tham quan, nghiên cứu thực tế, lao động, vui chơi, thiện nguyện, phục vụ cộng đồng,… được thực hiện theo tinh thần học sinh là người tổ chức hoạt động dưới sự hướng dẫn của nhà giáo dục, phù hợp với lứa tuổi, nhu cầu và điều kiện thực hiện của cơ sở giáo dục và địa phương. Phần lớn các hoạt động tập thể, hoạt động ngoại khóa là những hoạt động quen thuộc ở tất cả các trường phổ thông. Một số nội dung hoạt động mới trên thực tế cũng đã được triển khai ở các trường từ nhiều năm nay.


CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh