CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:21

Đề xuất bỏ quy định miễn học phí cho sinh viên sư phạm

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học


Sáng 30/5, tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.  

Không có đề xuất tăng lương cho giáo viên 

Dự thảo luật này sửa đổi, bổ sung 31 điều; bổ sung 2 điều mới; bãi bỏ 1 điều và 1 khoản; bãi bỏ cụm từ tại 5 điều; thay thế cụm từ tại 1 điều; đồng thời rà soát chỉnh sửa tên một số điều về mặt kỹ thuật. 

Một trong những nội dung trọng tâm của dự thảo Luật là mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả tự chủ đại học.

Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung Điều 32 và các nội dung liên quan tới tự chủ đại học ở một số điều khác nhằm tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở giáo dục đại học phát huy tối đa nội lực trong thực hiện tự chủ, linh hoạt, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội, cạnh tranh lành mạnh để nâng cao chất lượng, hội nhập quốc tế…

Dự thảo Luật Giáo dục đại học có sửa đổi để chuyển quy định về học phí sang quy định về định giá dịch vụ đào tạo, nhằm phù hợp với Luật Giá, Luật Phí và Lệ phí. 

Theo đó, “đối với các dịch vụ do Nhà nước đặt hàng và cấp kinh phí thực hiện do các cơ quan nhà nước quy định khung giá. Đối với các dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước, cơ sở GDĐH tự chủ quyết định mức giá dịch vụ, công bố công khai cho từng năm học, khoá học cùng với thông báo tuyển sinh” - Bộ trưởng Nhạ cho biết.

Ngoài ra, theo dự thảo luật, cơ sở GDĐH có quyền chủ động xây dựng và quyết định mức giá dịch vụ đào tạo theo quy định của Chính phủ, đảm bảo tương xứng với chất lượng đào tạo.

Đáng chú ý, trong tờ trình, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết thay vì áp dụng chính sách miễn học phí đối với sinh viên ngành sư phạm như lâu nay, dự thảo Luật Giáo dục sẽ được sửa đổi theo hướng không miễn học phí đối với học sinh, sinh viên sư phạm mà thay bằng chính sách vay tín dụng sư phạm. 

Cụ thể: Học sinh, sinh viên sư phạm được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí trong toàn khóa học, được hưởng các chính sách học bổng khuyến khích học tập, các chế độ miễn, giảm học phí và trợ cấp xã hội quy định. 

Sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm. Cùng với đó, trong dự thảo Luật cũng không có đề xuất tăng lương cho giáo viên.

Không nhất trí thay “học phí” bằng “giá dịch vụ đào tạo”

Trình bày Báo cáo Thẩm tra dự thảo luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, đa số thành viên Uỷ ban tán thành việc tính đúng, tính đủ chi phí cần thiết cho hoạt động đào tạo theo cơ chế giá dịch vụ.

Tuy nhiên, không nhất trí việc thay thuật ngữ “học phí” bằng “giá dịch vụ đào tạo” như thể hiện trong Dự thảo Luật.

Theo Ủy ban, việc sử dụng khái niệm học phí (cũng đã được quy định trong dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục) vừa thể hiện quan điểm coi giáo dục là lĩnh vực đặc thù, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế và vừa tránh cách tiếp cận theo hướng thương mại trong giáo dục.

Nhiều ý kiến tán thành với quy định cho phép cơ sở GDĐH được tự chủ quyết định mức giá dịch vụ đào tạo đối với các dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước (khoản 2 Điều 65); tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu quy định rõ nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo cần thiết làm căn cứ để xây dựng khung giá, mức giá cụ thể đối với các khoản thu dịch vụ đào tạo đối với các dịch vụ do Nhà nước đặt hàng và cấp kinh phí thực hiện, trong đó làm rõ phần Nhà nước hỗ trợ và phần phải thu phí thêm.

Đi đôi với cơ chế thu dịch vụ, cần quy định cơ chế giám sát, công khai, minh bạch trong tài chính đại học, để kiểm soát việc thu phí tương xứng với chất lượng dịch vụ đào tạo; quy định chính sách hỗ trợ người học để có thể tiếp cận với GDĐH khi tăng mức học phí.

Trao đổi với bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện về 2 nội dung được dư luận đặc biệt quan tâm là bỏ quy định tăng lương giáo viên và miễn học phí sinh viên sưu phạm trong dự án luật, bà Hải cho biết, việc không quy định vấn đề tiền lương cho giáo viên trong dự luật là phù hợp. 

Bởi Hội nghị trung ương 7 vừa qua đã có đề án liên quan cải cách tiền lương cho cán bộ công chức, trong đó có cả đối tượng là giáo viên. Điều này đã được thông qua và thể chế hóa trong thời gian tới, nên không quy định tiền lương của nhà giáo trong luật giáo dục lần này.

“Chúng tôi cũng thống nhất điều đó, tuy nhiên, chế độ và tiền lương cho nhà giáo phải thu hút, vì trong Hiến pháp đã quy định, giáo dục là quốc sách hàng đầu và phải được thể chế hóa bằng chính sách để thu hút người tài, tâm huyết vào ngành giáo dục. Khi có những người giỏi vào giáo dục thì đầu ra sẽ có chất lượng tốt hơn”, bà Hải khẳng định.

Về vấn đề thay miễn học phí cho sinh viên sư phạm bằng hình thức vay tín dụng, bà Hải cho rằng, việc sinh viên sư phạm được miễn học phí là cần thiết, giúp cho sinh viên thuận lợi hơn cho học tập khi gia đình gặp khó khăn. 

Tuy nhiên, dự luật giáo dục đã thay đổi, theo xu thế hội nhập vì thực tế nhiều sinh viên sư phạm được tạo điều kiện về học phí, nhưng ra trường lại không đi theo ngành sư phạm.

NGUYỄN THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh