THỨ BẨY, NGÀY 27 THÁNG 07 NĂM 2024 04:45

Đề phòng viêm phế quản co thắt ở trẻ em

Viêm phế quản co thắt không được coi là bệnh truyền nhiễm, tuy nhiên một số virus và vi khuẩn gây bệnh có thể truyền sang người khác. Vì vậy, nếu sinh hoạt, sử dụng chung các đồ vật, tiếp xúc nhiều với người bệnh có thể bị lây nhiễm vi khuẩn gây bệnh.

Trẻ em và người cao tuổi là những đối tượng hay mắc viêm phế quản co thắt.

Trẻ em và người cao tuổi là những đối tượng hay mắc viêm phế quản co thắt.

Nguyên nhân gây viêm phế quản co thắt

Theo các chuyên gia y tế, có nhiều nguyên nhân dẫn tới trẻ bị viêm phế quản co thắt như:

- Gia đình có tiền sử mắc bệnh hoặc cá nhân bị hen suyễn hoặc mẫn cảm với tác nhân dị ứng với những thứ như phấn hoa, nấm mốc, bụi, lông động vật hoặc phụ gia thực phẩm...

- Đường hô hấp bị nhiễm trùng.

- Các chất kích thích đường hô hấp từ không khí như khói, ô nhiễm không khí, môi trường, không khí lạnh hoặc khô cũng là nguyên nhân gây co thắt phế quản.

- Hệ miễn dịch yếu: Những người có nguy cơ cao mắc bệnh viêm phế quản co thắt là người có hệ miễn dịch yếu (trẻ em, người già, phụ nữ mang thai, người có bệnh mạn tính….). Đặc biệt, khi thời tiết giao mùa, nóng lạnh đột ngột các vi khuẩn, virus sẽ dễ dàng phát triển và gây bệnh hơn.

- Nhiễm virus, vi khuẩn: Khi sức đề kháng yếu, những loại virus, vi khuẩn thường xuyên kí sinh ở vùng mũi họng như virus hợp bào đường hô hấp, các loại vi khuẩn liên cầu, tụ cầu… hoạt động mạnh lên, độc tính tăng gấp bội gây viêm co thắt ở phế quản.

Một số triệu chứng điển hình khi trẻ bị viêm phế quản co thắt cha mẹ cần nhận biết: Khó thở, hụt hơi; ho dai dẳng kéo dài từng cơn; sốt nhẹ kéo dài vài ngày; cảm giác ngứa trong cổ họng; thở khò khè (đặc biệt ở trẻ nhỏ thường thấy dấu hiệu cánh mũi phập phồng rút lõm lồng ngực, co kéo cơ cổ); tức ngực, trào ngược dạ dày, thường xuyên buồn nôn trước và sau ăn; nôn, tiêu chảy, quấy khóc…

Nhiều người thường nhầm lẫn viêm phế quản co thắt là triệu chứng của bệnh hen phế quản. Tuy nhiên, các chuyên gia về đường hô hấp khẳng định, bệnh viêm phế quản co thắt không phải là triệu chứng của hen phế quản. Khi thấy trẻ xuất hiện các triệu chứng kể trên, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị sớm.

Bệnh có thể gây nhiều biến chứng khó lường

Sau khi xuất hiện các triệu chứng kể trên khoảng từ 2 - 3 ngày, tình trạng viêm phế quản co thắt ở trẻ em sẽ tiến triển nặng hơn có nguy cơ gây ra các biến chứng nguy hiểm như:

Viêm tai giữa: Đây là biến chứng hay gặp nhất của bệnh. Nếu viêm tai giữa nặng, không được chữa trị kịp thời, trẻ có thể bị giảm thính lực, thậm chí điếc.

Viêm phổi: Biến chứng viêm phổi có thể xảy ra khi ổ nhiễm khuẩn lan rộng xuống nhu mô phổi và phế nang. Đây là tình trạng nghiêm trọng cần xử trí đúng và kịp thời vì nguy cơ tử vong cao.

Suy hô hấp: Có thể nói, đây là biến chứng nguy hiểm nhất của viêm phế quản co thắt vì nguy cơ tử vong của bệnh nhân rất cao nếu không cấp cứu kịp thời.

Khi xuất hiện các triệu chứng bệnh (sốt cao, ho, thở khò khè, khó thở…) cần đua trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị sớm, tránh biến chứng. Ảnh minh họa

Khi xuất hiện các triệu chứng bệnh (sốt cao, ho, thở khò khè, khó thở…) cần đua trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị sớm, tránh biến chứng. Ảnh minh họa

Khi bị viêm phế quản co thắt điều trị thế nào?

Tùy theo thể trạng trẻ và mức độ của bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định những phương pháp điều trị khác nhau. Đa số bệnh nhân sẽ được chỉ định điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, với trường hợp nặng, bác sĩ sẽ yêu cầu nhập viện để điều trị.

Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu viêm phế quản co thắt gây ra bởi virus. Các bác sĩ sẽ chữa trị các triệu chứng đi kèm. Với nguyên nhân gây bệnh bởi vi khuẩn, bác sĩ sẽ kê đơn các loại thuốc kháng sinh.

Lưu ý, chỉ sử dụng thuốc cho trẻ em theo chỉ định của bác sĩ. Để tránh những hậu quả không mong muốn, cha mẹ tuyệt đối không được tự kê đơn hay cho trẻ uống thuốc theo sự mách bảo của người khác.

Nếu có triệu chứng sốt trên 38.5 độ C, sử dụng Paracetamol hoặc Ibuprofen để hạ sốt. Dùng thuốc long đờm cho những trường hợp ho có đờm. Nếu trẻ bị mất nước thì sử dụng phương pháp điện giải oresol để bù nước.

Khi trẻ có dấu hiệu khó thở, có thể dùng thuốc giãn phế quản.

Ngoài ra, trong quá trình điều trị, có thể kết hợp thực hiện một số phương pháp để bệnh nhanh khỏi như: Uống nhiều nước ấm; nếu bị sốt dưới 38,5 độ C, có thể chườm nóng hoặc lạnh để hạ sốt; vệ sinh mũi và họng thường xuyên; xông hơi ẩm.

Phòng bệnh hiệu quả

Viêm phế quản co thắt ngày càng phổ biến bởi những tác động tiêu cực từ môi trường ô nhiễm. Vì vậy, việc phòng bệnh có vai trò hết sức quan trọng. Để phòng ngừa bệnh viêm phế quản co thắt, cần lưu ý những vấn đề sau:

- Vệ sinh tai mũi họng cho trẻ sạch sẽ, thường xuyên bằng dung dịch nước muối sinh lý.

- Thường xuyên đeo khẩu trang, che chắn mũi cẩn thận khi ra đường hoặc tiếp xúc với môi trường khói bụi.

- Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng bằng chế độ ăn uống hợp lý, đủ dinh dưỡng và vitamin; chế biến thực phẩm sạch sẽ, đảm bảo an toàn vệ sinh.

- Hạn chế các loại đồ ăn cay nóng, gây dị ứng…

- Giữ nhà cửa sạch sẽ, ấm về mùa đông và thoáng mát về mùa hè.

- Giặt sạch chăn, ga, gối, đệm trải giường và phơi dưới ánh nắng mặt trời.

- Tránh cho trẻ tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, khói bụi, đặc biệt khói thuốc lá.

- Tránh tiếp xúc với thú cưng như chó, mèo… nếu trẻ bị dị ứng với lông của chúng.

- Vệ sinh tay, chân cho trẻ sạch sẽ để ngăn ngừa sự nhiễm trùng lây lan.

Nam Anh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh