Dạy trẻ có trách nhiệm với gia đình là nền tảng cho chữ hiếu
- Gia đình
- 10:11 - 17/12/2022
Hiện nay, cha mẹ quá coi trọng việc chăm lo vật chất, nuôi dưỡng bồi bổ cho con mà quên mất hoặc không còn thời gian dạy con lễ nghĩa. Con trẻ giờ thường được định hướng học phải giỏi, lập nhiều thành tích về tri thức, nhưng ít được chú trọng rèn đạo đức, nhất là việc hiếu thuận với bố mẹ. Một đứa trẻ không biết giúp đỡ bố mẹ lớn lên sẽ thành kẻ vô trách nhiệm với gia đình và không thể có hiếu thuận. Do đó, dạy trẻ có trách nhiệm với gia đình chính là đặt nền tảng cho chữ hiếu.
TS Lương Hồng Nga chia sẻ, trong gia đình chị, ngay từ rất nhỏ, các con đã được dạy về trách nhiệm với gia đình, ông bà, cha mẹ. Cha mẹ dành tình yêu thương cho con và các con cần bày tỏ lòng biết ơn với mẹ cha qua việc làm cụ thể. Các con chị thường thể hiện lòng biết ơn qua việc chăm sóc mẹ hàng ngày, như nấu món ăn mẹ thích, giữ yên tĩnh khi mẹ ngủ, tôn trọng ý kiến của mẹ và chia sẻ những chuyện con gặp phải trong cuộc sống. Dịp sinh nhật chị, các con mời mẹ đi du lịch, biếu mẹ quà để thể hiện lòng biết ơn với đấng sinh thành.
Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình (Bộ tiêu chí) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành và đang được áp dụng trên toàn quốc. TS Lương Hồng Nga cho rằng, với 4 tiêu chí chung Tôn trọng - Bình đẳng - Yêu thương - Chia sẻ, Bộ tiêu chí rất thiết thực và cần thiết trong giữ gìn nền nếp gia đình, đảm bảo cho hạnh phúc gia đình được vững bền. Gia đình chị đã và đang thực hiện theo và thấy rất tốt đẹp.
Theo các chuyên gia tâm lý, cha mẹ nên giúp trẻ hình thành một nhân cách tử tế, lối sống lành mạnh, tự lập từ trước 5 tuổi để con có thể hiểu chuyện và hiếu thuận hơn. Các bậc phụ huynh nên dạy con những hành động thể hiện lòng hiếu đạo hàng ngày đối với ông bà, cha mẹ, người thân thông qua cách ứng xử, lời nói, cử chỉ, hành động đúng mực, lễ phép, hiếu nghĩa với người trên. Giáo dục hiếu thuận là những bài học rất nhỏ như đi hỏi về chào, không nói dối ông bà, cha mẹ, không có cử chỉ việc làm xấu. Ðể con trẻ hình thành thói quen hiếu thảo thì phụ huynh phải trở thành tấm gương để con noi theo trong việc hình thành các thói quen tốt.
Dạy trẻ có tấm lòng hiếu thảo, có tâm hồn nhân hậu, vị tha, biết yêu thương, biết đồng cảm là giúp trẻ hình thành nhân cách tốt, sống có tình có nghĩa, hiểu biết về cách đối nhân xử thế, biết ơn với tất cả những gì có được trong cuộc đời này. Và quan trọng nhất là giúp trẻ không trở thành con người vô cảm, ích kỷ chỉ biết sống vì bản thân, không trở thành kẻ vô ơn, bạc tình bạc nghĩa.
Dạy con biết cảm ơn và xin lỗi là một trong những bài học cơ bản đầu đời mà trẻ cần phải học trong hành trình làm người. Cha mẹ nên dạy con điều này càng sớm càng tốt. Lời cảm ơn và xin lỗi tưởng chừng như đơn giản, nhỏ bé nhưng mang ý nghĩa rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách của trẻ.
Dạy con biết chia sẻ việc nhà là một trong những bài học quý giá mà phụ huynh nên hướng dẫn trẻ sớm nếu muốn dạy con hiếu thảo. Một đứa trẻ được chỉ dạy những kỹ năng làm việc nhà từ sớm sẽ có xu hướng tự lập, tự chủ động chia sẻ việc nhà với cha mẹ.
Kể cho con nghe những câu chuyện về lòng hiếu thảo, như sự tích về Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ hay những câu chuyện cổ tích: Cây vú sữa, Người tiều phu hóa nai, Cậu bé Tích Chu, Sự tích hoa cúc trắng…
Tâm sự với trẻ những khó khăn trong gia đình theo một cách khéo léo phù hợp với độ tuổi của trẻ để không làm con quá lo lắng. Ðứa trẻ khi biết gia đình đang có vấn đề về kinh tế, chúng sẽ ít đòi hỏi hơn, tiết kiệm hơn, giữ gìn đồ đạc hơn, thậm chí chúng cũng sẽ có suy nghĩ muốn làm gì đó để cha mẹ yên lòng. Ngược lại, khi cha mẹ xem trẻ là “con nít” và giấu hết mọi chuyện, cha mẹ sẽ không được nhìn thấy sự “dễ thương” của con khi lo lắng cho cha mẹ. Chẳng hạn như trẻ nói mơ ước khi lớn lên con sẽ dắt cha mẹ đi du lịch, hay một vài hành động nhỏ như vẽ tranh, viết thiệp gửi cho cha mẹ… Ðó là những hành động nhỏ, nhưng lại là hạt mầm cho sự hiếu thảo của trẻ được phát triển tốt hơn sau này.