Dậy thì sớm ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ em
- Sức khỏe
- 06:47 - 07/11/2023
Những dấu hiệu dậy thì sớm ở trẻ
Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện nay trẻ dậy thì sớm tăng 35 lần so với 10 năm trước, tình trạng này đang có xu hướng ngày càng gia tăng và phần lớn gặp ở trẻ nữ. Theo các chuyên gia, tuổi dậy hiện nay được tính ở mốc 8-13 tuổi với trẻ gái và 9-14 tuổi ở trẻ trai. Khi bé gái có biểu hiện dậy thì trước 8 tuổi và bé trai có biểu hiện dậy thì trước 9 tuổi được gọi là dậy thì sớm.
Trong dậy thì sớm, phát triển chiều cao là yếu tố bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng, khi tuổi xương của trẻ trở nên "già" quá sớm, từ đó làm trẻ cao sớm hơn tuổi nhưng lại dừng phát triển sớm hơn các trẻ khác. Ngoài ra dậy thì sớm ở trẻ ảnh hưởng lớn về mặt thể chất lẫn tinh thần. Sự phát triển về mặt giới tính quá sớm sẽ làm cho trẻ trở nên biệt lập với các bạn cùng lớp, đem lại nhiều hậu quả tâm lý. Ngoài ra, theo nhiều nghiên cứu, trẻ dậy thì sớm sẽ có nguy cơ tăng huyết áp, đái tháo đường loại 2, bệnh tim mạch, tăng nguy cơ ung thư vú khi trưởng thành…
Dấu hiệu dậy thì ở bé gái phổ biến là tuyến vú phát triển, tăng dịch tiết âm đạo. Bé gái được đánh giá hoàn thiện về dậy thì ở lần kinh nguyệt đầu tiên. Biểu hiện ở bé trai bao gồm phát triển chiều cao nhanh, mọc lông mu, phát triển mùi cơ thể, thay đổi giọng nói, tăng khối lượng cơ, tinh hoàn và dương vật phát triển nhanh… Dậy thì ở bé trai đánh dấu bằng lần xuất tinh đầu tiên.
Hạn chế nguy cơ dậy thì sớm cho trẻ
Theo thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Trọng Tín (Phòng khám Nhi khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Ðại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3), tình trạng dinh dưỡng được coi là một trong những yếu tố quan trọng liên quan đến sự phát triển của tuổi dậy thì, bao gồm chế độ dinh dưỡng của mẹ lúc mang thai, chế độ dinh dưỡng của trẻ lúc sơ sinh cũng như chế độ ăn của trẻ trong giai đoạn tuổi thiếu nhi. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra được mối tương quan giữa tình trạng béo phì của mẹ và tuổi có kinh của con gái.
Cụ thể, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy BMI (chỉ số khối cơ thể) cao trước khi mang thai và tăng cân quá nhiều trong thai kỳ đều có liên quan đến dậy thì sớm ở trẻ gái. Ngoài ra, chế độ ăn uống chứa các hợp chất thuộc nhóm phytoestrogen trong thời kỳ mang thai cũng được cho là có ảnh hưởng đến sự phát triển tuổi dậy thì ở trẻ.
Những tháng đầu đời cần cho trẻ bú sữa mẹ ít nhất từ 6-12 tháng tuổi. Việc cho trẻ bú sữa mẹ đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ dậy thì sớm ở bé gái.
Ðối với trẻ ở nhóm tuổi từ 2-12 tuổi, nguy cơ có thể đến từ việc mất cân bằng năng lượng, gây ra béo phì. Ðây cũng chính là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến đến dậy thì sớm. Bên cạnh đó, việc sử dụng một lượng lớn protein động vật đã được chứng minh có tác động kích thích trục hạ đồi - tuyến yên - tuyến sinh dục thông qua việc tiết ra IGF-1, chế độ ăn trước tuổi dậy thì quá giàu protein động vật sẽ có nguy cơ dẫn đến dậy thì sớm. Do đó, trẻ cần có các chế độ ăn cân bằng để có đủ các chất nguyên tố vi lượng từ thịt, cá nhưng không quá dư thừa.
Ngoài ra, đối với nhóm thức ăn bột đường, các nghiên cứu đã phát hiện ra việc tiêu thụ thường xuyên các loại nước ngọt có đường và nước ngọt nhân tạo được dự đoán sẽ làm dậy thì sớm, chủ yếu do làm tăng BMI và tác động đến vùng dưới đồi của não bộ.
"Việc dậy thì sớm gây ra nhiều tác hại, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ. Do đó, chúng ta cần có kiến thức chăm sóc trẻ đúng cách để phòng được bệnh, đồng thời phát hiện và điều trị sớm khi có bệnh", bác sĩ Nguyễn Trọng Tín khuyến nghị.
Thực phẩm, chế độ ăn uống, sinh hoạt đều là nguyên nhân gây ra dậy thì sớm ở trẻ. Vì thế, lựa chọn bữa ăn cân bằng dinh dưỡng, đủ chất, không có các chất gây kích thích rất quan trọng với sự phát triển của trẻ. Ðể hạn chế nguy cơ dậy thì sớm cho trẻ, gia đình cố gắng có nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho trẻ, giáo dục cho trẻ từ sớm. Về chế độ dinh dưỡng, trẻ cần được ăn nhiều rau, hạn chế đồ ăn sẵn, nhiều đạm, nhiều đường, nhiều dầu mỡ, tránh uống nước ngọt có ga… Bổ sung canxi, vitamin D3 cho trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Trẻ nên tập thể dục, tham gia các hoạt động phát triển thể chất như bơi lội, chạy… kích thích tăng chiều cao, giảm dậy thì sớm. Trẻ cần đi ngủ trước 22 giờ bởi quãng thời gian 22 giờ đến 3 giờ sáng, cơ thể tiết hormon giúp trẻ phát triển chiều cao cân bằng nội tiết.
Ðồng thời, cha mẹ cũng khéo léo nói chuyện với con về vấn đề giới tính, hướng dẫn con cách vệ sinh, bảo vệ cơ thể. Khi trẻ được được cung cấp kiến thức đúng, đủ, các con không tò mò tìm hiểu, tránh được việc tiếp xúc những nguồn thông tin lệch lạc.
Khi phát hiện con có các dấu hiệu dậy thì sớm, phụ huynh nên động viên và đưa con đến khám chuyên khoa nhi hoặc nội tiết. Hiện tại, y học phát triển và có những can thiệp rất tốt để giúp trẻ trì hoãn dậy thì sớm.