Đẩy lùi nạn bạo hành trẻ em ngay từ trong gia đình
- Xe máy
- 15:29 - 10/01/2022
Trẻ em bị bạo hành thường ngay trong gia đình, nơi vốn được coi là an toàn đối với các em. Và chính người thân, bố, mẹ, bố dượng, mẹ kế là những người bạo hành đối với trẻ em trong gia đình, thậm chí có những trường hợp thương tật hoặc tử vong.
Theo số liệu của Bộ Công an, năm 2020 có gần 2.000 vụ bạo hành trẻ bị phát hiện. Đáng nói, 97% số vụ bị phát hiện, kẻ gây hại đều thân, quen với nạn nhân.
Nạn bạo hành đối với trẻ em chỉ có thể bị đẩy lùi khi cộng đồng thay đổi cách ứng xử với trẻ em, chính từ trong mỗi gia đình phải ngăn chặn những hành vi đánh đập, xúc phạm trẻ.
Theo các nhà quản lý và chuyên gia, bạo hành trẻ em đang trở nên đáng báo động, với mức độ ngày một nghiêm trọng.
Trong sự việc liên quan đến cái chết của em gái 8 tuổi gây rúng động mới đây, hành vi bạo hành diễn ra ở một chung cư, không ít người hàng xóm đã thấy những dấu hiệu bất thường nhưng lại cho đó là "việc gia đình", là "người lớn dạy dỗ con trẻ"… Chỉ khi hậu quả đau lòng xảy ra, vụ việc mới bị phát giác.
Có rất nhiều vụ bạo hành trẻ đã xảy ra, hàng xóm biết nhưng không thông báo kịp thời với cơ quan chức năng. Đã có nhiều trẻ em chịu bạo hành trong cô đơn và nhiều sự hối hận muộn màng khi người xung quanh chần chừ không lên tiếng.
Để tăng cường bảo vệ trẻ em, Nghị định 130 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 là công cụ pháp lý hiệu quả trong bảo vệ trẻ em trước bạo lực, bóc lột lao động...
Nghị định 130 bổ sung một số quy định mới để xử phạt các hành vi vi phạm quyền tham gia của trẻ em; công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em; vi phạm trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng… Đặc biệt, mức phạt cao nhất cho các hành vi vi phạm quy định về cấm bạo lực trẻ em tại điều 22 đã được tăng lên đến 20 triệu đồng, gấp đôi mức xử phạt quy định tại khoản 2, điều 27, nghị định số 144/2013/NĐ-CP (là từ 5-10 triệu đồng).
Thực tế, nhiều phụ huynh, người chăm sóc trẻ không nhận biết được đâu là hành vi bạo lực với trẻ em và coi đó là hành vi bình thường để giáo dục trẻ như trừng phạt, đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật; chửi mắng trẻ…
Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) - cho biết, Nghị định 130 là quy định cụ thể của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Trẻ em 2016. Đặc biệt là những hành vi vi phạm quyền trẻ em mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân không được phép làm.
"Nghị định 130 là công cụ pháp lý rất tốt khi đã đưa ra các chế tài, biện pháp xử lý hành vi vi phạm như hành vi bạo lực với trẻ em, bóc lột sức lao động, bỏ rơi trẻ em… Trước nay, chúng ta chỉ xử lý hình sự nếu gây tổn hại cho trẻ ở mức nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Còn hành vi chưa đến mức xử lý hình sự thì không có căn cứ để yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm trước pháp luật", ông Nam nêu rõ.
Cục trưởng Đặng Hoa Nam lấy ví dụ hành vi không tố cáo, không thông báo hoặc cản trở, che giấu việc tố cáo, thông báo hành vi xâm hại trẻ em đã được quy định tại Luật trẻ em 2016 nhưng chưa có chế tài xử lý cụ thể. Do vậy, Nghị định 130 đã đưa ra các chế tài xử lý vi phạm hành chính rõ ràng, hiệu quả.
Nghị định 130 nâng mức xử phạt theo hướng tăng nặng giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về mức độ nghiêm trọng của các hành vi bạo lực với trẻ em. Và là công cụ pháp lý hiệu quả trong bảo vệ trẻ em. Mong rằng, những vụ việc đau lòng sẽ không còn xảy ra với trẻ nào nữa.