Dạy con cách cư xử đúng mực đối với hàng xóm
- Gia đình
- 07:43 - 05/11/2023
Vì sao bạn nên sống tốt với hàng xóm?
Từ thời xa xưa, ông cha ta đã quan niệm “Bán anh em xa mua láng giềng gần”; “Nước xa không cứu được lửa gần”; “Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau”; “Dâu dữ mất họ, chó dữ mất láng giềng”; “Cơm ăn chẳng hết thì treo/ Việc làm chẳng hết thì kêu láng giềng”… Những người hàng xóm trong các làng quê, các khu tập thể, khu dân cư từ bao đời nay sống hòa thuận, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau.
Tôi còn nhớ, khi bé ở cùng bố mẹ trong một khu tập thể cấp 4 cũ, ai cũng nghèo nhưng sống vui vẻ và hòa thuận. Nhiều khi có bát canh ngon, chút quà quê, hàng xóm lại mang sang tặng nhau, chia sẻ ngọt bùi. Bố mẹ bận việc phải đi đâu gấp không trông con được, đưa con qua nhà hàng xóm nhờ trông giúp. Nhà có đám giỗ cần dựng rạp, lại nhờ hàng xóm, láng giềng cùng dựng… Hàng xóm ngày xưa coi nhau như anh em, bạn bè, không đề phòng, không nghi kỵ, sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau.
Thời buổi ngày nay, nhiều người trẻ cho rằng, sống cần gì phải quan hệ với hàng xóm, cứ “thân ai người ấy lo”, “việc ai người ấy làm”. Ðiều này khá phổ biến ở các khu chung cư, khu đô thị mới tại các thành phố lớn.
Tư duy sống hiện đại khiến cho nhiều người không thích quan tâm hay can thiệp vào cuộc sống riêng của hàng xóm, thậm chí hàng xóm tên gì họ cũng không biết. Nhiều trẻ em đã bị ảnh hưởng cách sống này từ chính cha mẹ hoặc từ phim ảnh và những người xung quanh.
Nhưng bạn có biết, trong thực tế cuộc sống đã có nhiều trẻ em thoát nạn trong gang tấc nhờ được hàng xóm ứng cứu, trợ giúp. Có trẻ bị cha mẹ bạo hành nhờ sự lên tiếng của hàng xóm mà được giải cứu kịp thời, có trẻ bị tai nạn thương tích được hàng xóm đưa vào bệnh viện cứu chữa, có trẻ ở nhà một mình bị người lạ gõ cửa lừa đảo nhưng hàng xóm xuất hiện đúng lúc đã ngăn chặn được…
Em L.T.N. (13 tuổi, Trường THCS Khương Ðình) là thành viên duy nhất trong một gia đình 4 người sống sót sau vụ cháy chung cư mini 9 tầng và 1 tum tại phố Khương Hạ (phường Khương Ðình, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) nhờ vào hàng xóm. Khi cả nhà N. đang ngủ thì nghe tiếng hô hoán “cháy nhà”. Người bố bế con trai nhỏ, còn mẹ dắt tay con gái chạy lên tầng thượng, nhưng giữa đường N. bị xô đẩy, ngã xuống và thất lạc. Kiệt sức, bé gái dựa người vào cửa nhà hàng xóm phòng 702, được anh Vũ Việt Hùng (40 tuổi) kéo vào trong nhà và thoát chết. Nếu như đêm hôm ấy, người hàng xóm mặc kệ N. thì chắc gì em đã có ngày hôm nay để ngồi kể lại câu chuyện của mình.
Xưa hay nay, ở đâu, dù không thường xuyên, thậm chí là hiếm khi nhưng biết đâu sẽ có lúc bạn cần nhờ tới sự giúp đỡ của hàng xóm láng giềng. Vì vậy, ứng xử với hàng xóm thế nào cho văn minh, lịch sử và đúng mực là điều các bậc cha mẹ cần dạy cho trẻ từ nhỏ.
Cha mẹ dạy trẻ cư xử đúng mực với hàng xóm như thế nào?
Ðể có thể sống hòa thuận với những người hàng xóm, cha mẹ nên dạy trẻ chào hỏi lễ phép mỗi khi gặp ở ngoài đường hoặc khi đến nhà hàng xóm chơi.
Bạn nên dặn trẻ lưu một vài số điện thoại của những người hàng xóm mà bạn tin tưởng để phòng khi bạn không có nhà hoặc khi trẻ không thể liên hệ được với cha mẹ có thể liên hệ với hàng xóm để đề nghị được giúp đỡ.
Dạy con sẵn sàng giúp đỡ những người hàng xóm nếu có thể. Ví dụ, tiện đi chợ con có thể mua giúp bác hàng xóm cạnh một vài món đồ, con cũng có thể giúp ông bà hàng xóm đã cao tuổi đổ rác, hoặc tưới cây…
Hãy cho phép trẻ chơi đùa, kết bạn với con nhà hàng xóm nếu đó là một đứa trẻ ngoan. Rất nhiều tình bạn trẻ con trong các xóm, phố vẫn khăng khít, bền vững cho đến khi trưởng thành.
Bạn cũng nên dặn con ý thức giữ gìn vệ sinh chung để xóm/ khu phố mình luôn xanh, sạch, đẹp. Một môi trường sống lành mạnh và an toàn cũng góp phần kết nối các hộ gia đình tốt hơn.
Nếu hàng xóm không tốt thì sao?
Trong thực tế cuộc sống, không phải hàng xóm lúc nào cũng tốt bụng. Có những người hàng xóm xấu tính đến độ bạn không thể chịu đựng được chỉ muốn chuyển nhà đi. Nhưng chuyển nhà đâu phải muốn là được. Trong trường hợp đấy, bạn phải dạy con ứng xử với hàng xóm như thế nào?
Là cha mẹ, bạn đừng để sự xấu xí của người hàng xóm ảnh hưởng đến con mình. Ví dụ, nhà hàng xóm thường xuyên cờ bạc hoặc đề đóm/ rượu chè, ham chơi lười làm, có tính tắt mắt, hay lừa gạt người khác…, đừng để con chơi cùng hoặc lại gần nhà hàng xóm đó. Tuy nhiên, khi trẻ gặp người hàng xóm đó ngoài đường, theo phép lịch sự con vẫn nên chào hỏi.
Hàng xóm xấu tính, quét rác hất sang nhà bạn, nói xấu gia đình bạn với những người hàng xóm khác, cố tình để xe trước cửa nhà bạn… đầu tiên bạn hãy góp ý nhẹ nhàng. Nếu hàng xóm không thay đổi, hãy thu thập các chứng cứ để nhờ Tổ trưởng tổ dân phố hoặc chính quyền địa phương giải quyết. Không nên “ăn miếng trả miếng”, lôi kéo con bạn cùng thực hiện càng hành vi trả đũa tương tự, điều này không dạy trẻ cách sống tử tế và văn minh mà chỉ làm cho cả bạn và trẻ trở nên xấu xí giống như người hàng xóm xấu tính mà thôi.
Nếu bạn không may sống cạnh một hàng xóm là đầu gấu, xã hội đen thì tốt nhất hãy chuyển nhà thật nhanh nếu có thể. Nếu chưa thể chuyển được hãy dạy con bạn luôn đề cao cảnh giác với người hàng xóm này.