GS Nguyễn Lân Dũng: "Đánh đố" trường chất lượng cao
- Tra cứu Từ điển y khoa
- 17:21 - 08/06/2015
GS Nguyễn Lân Dũng (giữa) chụp ảnh với thầy trò một trường THCS ở Bắc Giang.
Thưa GS, việc 99% học sinh lâu nay cứ học hết lớp 5 là đủ điều kiện lên lớp 6 thì Bộ GD&ĐT có cần thiết phải ra quy định cấm thi tuyển lớp 6 hay không? GS bình luận gì về quy định này?
Theo tôi, việc đánh giá học sinh đầu cấp là chuyện vẫn phải làm. Nếu không thi thì xét học bạ học sinh tiểu học. Tuy nhiên, học bạ tôi nói ở đây học sinh phải được kiểm tra thường xuyên, kết quả các bài kiểm tra phải được vào sổ điểm nghiêm túc.
Lâu nay, việc duy trì một số trường chất lượng cao đã trở thành những nơi phát hiện và ươm mầm tài năng cho đất nước. Thông qua thi tuyển, nhiều trường lựa chọn được những học sinh thực sự giỏi như trường Hà Nội - Amsterdam, Nguyễn Tất Thành, Trần Đại Nghĩa... Liệu cấm thi tuyển có tạo cơ hội cho tiêu cực xin xỏ, chạy trường?
Chúng ta chấp nhận nền kinh tế thị trường, có nghĩa là có cửa hàng bình thường, có cửa hàng cao cấp... Ai muốn vào cửa hàng nào thì vào để phù hợp với thu nhập của mình, nhưng mọi người đều phải có đủ hàng hóa cần thiết cho cuộc sống.
Cũng như vậy, những gia đình muốn có con em học ở những trường có chất lượng cao thì thay vì phải gửi đi nước ngoài (hoàn toàn bất lợi với học sinh nhỏ tuổi và lại rất tốn kém) họ có quyền chọn các trường có chất lượng cao. Khi cung không đủ cầu thì tất yếu phải có lựa chọn. Nếu xét học bạ thì trước hết phải làm nghiêm túc học bạ ở bậc tiểu học mà điều này tôi chưa tin là đã làm được. Nếu không thì có thể kiểm tra theo cách gì đó để có thể đánh giá đúng năng lực học sinh mà không cần phải học thêm tràn lan. Vì học thêm không có ích gì đối với kiểu kiểm tra này. Kiểu kiểm tra của ĐHQG Hà Nội theo tinh thần kiểm tra tổng quát kiến thức vừa rồi là một ví dụ đáng tham khảo. Tất nhiên, việc kiểm tra học sinh vào cấp II không cần dùng đến máy tính như thế.
Tôi cho rằng, nếu không cho học sinh thi thì mọi người nói vui là bắt bố mẹ thi. Mà bố mẹ thi kiểu gì thì chắc ai cũng hiểu. Sẽ xảy ra những tiêu cực xã hội rất đáng buồn và nhẽ ra không đáng có.
Có luồng ý kiến cho rằng, Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT không chấm điểm học sinh tiểu học cùng với việc không thi tuyển lớp 6 sẽ không tạo môi trường thi đua học tập, thậm chí cào bằng cả một thế hệ? Quan điểm của GS về ý kiến này?
Tôi rất ngạc nhiên vì hầu như số đông giáo viên Tiểu học mà tôi tiếp xúc tại nhiều địa phương đều không đồng tình với chủ trương này. Lương thấp, công việc nhiều, họ không đủ thời gian thường xuyên ghi nhận xét cho từng học sinh. Tôi nghĩ thay vì chấm điểm thì có thể đánh giá theo ba mức A, B, C chẳng hạn. Làm cách nào để học sinh tránh lười biếng mà giáo viên đỡ vất vả. Có giáo viên nói đùa với tôi: “Có lẽ em cho khắc con dấu mấy kiểu nhận xét khác nhau rồi đóng thì mới giải quyết nổi đống vở cao như vậy”. Nhẽ nào cán bộ của các Sở GD&ĐT và trên Bộ không nghe thấy tiếng kêu của hàng vạn giáo viên tiểu học? Tôi nghĩ báo chí nên vào cuộc sâu sát hơn về việc này để lãnh đạo ngành biết và có giải pháp.
Đánh giá việc dạy và học của học sinh hiện nay, ông không đồng tình và mong muốn điều gì, thưa GS?
Tôi không đồng ý với kiểu tốt nghiệp cấp I, cấp II, cấp III với tỷ lệ đạt gần 100% như hiện nay. Nếu thực lực học sinh đúng như vậy thì tổ chức thi làm gì? Nhưng thực tế đâu có đúng như vậy? Thương học sinh kiểu này là làm khổ học sinh vì hạnh phúc của mỗi chúng ta là được trang bị những kiến thức cơ bản tất cả các môn dưới mái trường phổ thông. Những kiến thức ấy đi theo với chúng ta suốt cuộc đời.
Tôi mong muốn lập lại chế độ có lưu ban và muốn các trường làm nghiêm chỉnh việc kiểm tra thường xuyên để lấy điểm ghi học bạ. Không có lý gì trong điều kiện phát triển mọi mặt như hiện nay mà chất lượng học sinh thua kém thế hệ chúng tôi trước đây. Tất nhiên sẽ có khó khăn về cơ sở vật chất, nhưng sẽ phải khắc phục với chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm. Ta chủ trương phổ cập cấp II, đó là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên chất lượng đầu vào vẫn phải bảo đảm.
Tôi phản đối việc thi tốt nghiệp THPT với 3 môn Văn, Toán, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn. Trên thế giới người ta Học gì thi nấy, còn ta sẽ chắc chắn xảy ra tình trạng Thi gì học nấy. Rồi sẽ thấy hậu quả là các em sẽ lơ là các môn gọi là môn phụ. Các thầy cô giáo dạy các môn này sẽ cảm thấy thế nào khi học sinh nghiễm nhiên bỏ học hay ngồi đánh cờ ca-rô mà không thèm ghi chép gì hết.
PGS Văn Như Cương cho rằng, quy định dừng thi tuyển lớp 6 là vội vàng khi chưa lấy ý kiến các trường, phụ huynh. Theo GS ngành giáo dục trước khi đưa ra quy định có nên lấy ý kiến rộng rãi trong dư luận không hay làm rồi mới rút kinh nghiệm?
PGS Văn Như Cương rất thành công với trường tư thục Lương Thế Vinh nổi tiếng. Nhu cầu vào học trường này thường gấp đôi so với khả năng tuyển chọn. Quy định vừa rồi coi như đánh đố ông cũng như với trường Hà Nội - Amsterdam và nhiều trường có chất lượng cao khác. Vì thế, tôi nghĩ đề nghị của PGS Văn Như Cương về việc ngành giáo dục nhất thiết nghĩ đến việc dừng việc xét tuyển ở năm sau để lấy ý kiến đóng góp của người dân, phụ huynh là hoàn toàn chính đáng.
Việc lấy dư luận rộng rãi tôi nghĩ phóng viên các báo, đài trong toàn quốc có thể làm giúp Bộ GD&ĐT nhằm khách quan và có hiệu quả nhanh chóng hơn. Về phần mình, tôi sẽ trình bày ý kiến trước Hội đồng tư vấn Khoa học- Giáo dục của UBTƯ Mặt trận Tổ quốc VN. Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân thường nhắc nhở chúng tôi: “Tư vấn và phản biện vừa là trách nhiệm, vừa là vinh dự của Mặt trận Tổ quốc các cấp”.
“Tôi cho rằng, nếu không cho học sinh thi thì mọi người nói vui là bắt bố mẹ thi. Mà bố mẹ thi kiểu gì thì chắc ai cũng hiểu. Sẽ xảy ra những tiêu cực xã hội rất đáng buồn và nhẽ ra không đáng có”. PGS Văn Như Cương |