THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:30

Đã chi bao nhiêu tiền cho đổi mới giáo dục phổ thông?

Cân nhắc thời gian áp dụng

Chiều 2/11, thảo luận tại hội trường, về việc lùi thời gian áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng các công việc liên quan đến xây dựng chương trình và sách giáo khoa trong thời gian tới còn rất nhiều, trong đó có việc xây dựng chương trình môn học, hoạt động giáo dục; biên soạn, thẩm định sách giáo khoa và tài liệu giáo dục chung và của địa phương; giảng dạy thí điểm, rút kinh nghiệm, điều chỉnh sách giáo khoa và triển khai đại trà... Do đó cần hết sức quan tâm đến công tác chuẩn bị, thời gian áp dụng.

“Đây là công việc rất hệ trọng, tác động, ảnh hưởng tới cả một thế hệ, do vậy công tác chuẩn bị, thời gian áp dụng phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng”, đại biểu Ngô Thị Kim Yến (Đà Nẵng) nêu quan điểm.

Đại biểu Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng) đề nghị: Trong xây dựng chương trình giáo dục phổ thông cần bảo đảm quyền bình đẳng trong thụ hưởng giáo dục giữa các vùng miền. Đồng thời, cần có các chính sách đặc biệt trong đào tạo nguồn nhân lực cho ngành giáo dục, nhất là đào tạo đội ngũ giáo viên làm việc ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vì nhà giáo có vai trò quyết định đối với việc thành bại của giáo dục.

“Việc xây dựng Chương trình có thể lùi lại một năm, hai năm, nhưng khi đã xây dựng được thì thực sự phải là đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo; bảo đảm được chất lượng giáo dục-đào tạo”, đại biểu Triệu Thế Hùng nhấn mạnh.

Lùi thời gian thực hiện sẽ phát sinh kinh phí bao nhiêu?

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nhấn mạnh, nếu để lãng phí là có tội với dân

 

Liên quan đến vấn đề kinh phí, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho rằng cần “làm rõ hơn nữa kết quả của việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 88 thời gian qua". 

“Trong Quyết định 404 của Chính phủ phê duyệt, nói trọn gói là 778 tỷ đồng cho chương trình này. Trong lúc đó, dự thảo chương trình thì lại viết 80 triệu USD, tương đương với 1.798 tỷ. Bây giờ đổi mới sách giáo khoa này lấy 778 tỷ hay lấy 1.798 tỷ phải làm cho rõ. Đồng tình là lùi cũng được, 2 năm cũng được, 3 năm cũng được, chưa chắc chắn thì cứ lùi. Nhưng đừng phát sinh thêm kinh phí hoặc có phát sinh thì Quốc hội cũng phải kiểm soát được” - Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nhấn mạnh và đề nghị Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần nói rõ sản phẩm hiện nay đã làm được cái gì, chi hết bao nhiêu tiền và hiện nay còn bao nhiêu tiền trong số tiền đã được phê duyệt sau đó mới bàn tính một cách thật chi tiết bởi “đó là tiền thuế của dân nếu để lãng phí là có tội với dân”.

Trước câu hỏi của các đại biểu về vấn đề kinh phí, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, kinh phí thực hiện chương trình mới tiêu được 48,2 tỷ đồng (tương đương 2 triệu USD), chưa phải là nhiều. Đối với chương trình bồi dưỡng giáo viên là 2,3 tỷ. Tổng cộng đến nay mới tiêu được hơn 50 tỷ đồng. Còn lại số tiền dành cho thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, biên soạn SGK mới đang trong kế hoạch thực hiện.

“Từng năm một, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công khai chi phí thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, biên soạn SGK để giải tỏa một số quan điểm là việc thực hiện chương trình tiêu rất nhiều tiền. Thực tế là hiện nay, đối với việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Bộ GD-ĐT mới dành kinh phí chi trả cho các chuyên gia, thầy cô giáo làm chương trình. Đối với chương trình đào tạo giáo viên mới có tiền để xây dựng lớp bồi dưỡng, chưa có tiêu gì nhiều”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.

THÁI AN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
2 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh