Cuộc đua quyết liệt vào lớp 10
- Tra cứu Từ điển y khoa
- 18:17 - 08/06/2015
Tuyển sinh vào lớp 10 nhận được sự quan tâm của xã hội.
Do số lượng học sinh lớp 9 thi vào lớp 10 năm nay tăng đột biến, nên cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2015 - 2016 của Hà Nội dự kiến sẽ có 85.000 thí sinh tham gia, tăng khoảng 10.000 em so với năm ngoái. Số lượng tuyển vào hệ THPT của Hà Nội là 72.110 học sinh, trong đó tuyển vào các trường công lập là 56.840 học sinh và các trường ngoài công lập là 15.270 học sinh. Số còn lại là 8.480 học sinh được tuyển vào các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX). Thí sinh dự thi vào lớp 10 THPT không chuyên tiếp tục thực hiện phương thức “kết hợp thi tuyển với xét tuyển” để tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập, ngoài công lập và lớp 10 học chương trình THPT tại các trung tâm GDTX.
Bà Nguyễn Thu Hà, Phó trưởng phòng Quản lý thi, Sở GD - ĐT Hà Nội cho biết: “Căn cứ vào tình hình thực tế, Sở đã cho phép một số trường THPT trên địa bàn tăng 5 - 10% chỉ tiêu so với năm học trước. Song song với đó, Sở yêu cầu các trường tăng cường cơ sở vật chất, đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh”.
Theo kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm học 2015 - 2016 của TP Hồ Chí Minh, tổng chỉ tiêu năm nay là gần 65.000 suất, tăng thêm gần 3.000 suất học so với năm trước. Tuy nhiên, chỉ tiêu này vẫn chỉ đáp ứng được 80% chỗ học trường công. Ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT Hà Nội cho biết: “Số học sinh không vào trường công lập sẽ học ở trường ngoài công lập, các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường THPT tư thục và học nghề kết hợp với học văn hóa ở các trường trung cấp chuyên nghiệp”.
Một số ý kiến cho rằng, với việc tăng số lượng học sinh thi vào lớp 10 như vậy sẽ khiến cuộc đua trở nên quyết liệt hơn. Ở Hà Nội, phải kể đến các trường THPT top trên lại có sự biến động tăng lên. Trong đó, trường THPT Trần Hưng Đạo - Thanh Xuân có 480 chỉ tiêu/3.887 nguyện vọng đăng ký (1 chọi 8); THPT Việt Đức có 600 chỉ tiêu/1.260 nguyện vọng đăng ký (1 chọi 2); THPT Kim Liên có 600 chỉ tiêu/1.547 nguyện vọng đăng ký (1 chọi 2,5), Tây Hồ có 560/2.900 nguyện vọng đăng ký (1 chọi 5,5), Đoàn Kết - Hai Bà Trưng 560/3.707 nguyện vọng đăng ký (1 chọi 7), Quang Trung - Đống Đa 560/2.940 nguyện vọng đăng ký (1 chọi 5,5); Nguyễn Văn Cừ 540/2.483 nguyện vọng đăng ký (1 chọi 5). Tỷ lệ chọi của các trường này tăng gần gấp đôi với với năm ngoái... Tình trạng này cũng diễn ra tương tự ở TP Hồ Chí Minh. Điều này khiến phụ huynh trở nên lo lắng hơn.
Tuy nhiên, ông Phạm Văn Đại, chia sẻ: “Loại hình trường nào cũng có mặt ưu việt. Không thể phủ nhận những đóng góp của những trường ngoài công lập trong việc đảm bảo chỗ học cho con em trên địa bàn. Có những trường thực sự có uy tín và hồ sơ đăng ký vào học luôn vượt quá nhiều so với chỉ tiêu đề ra. Học sinh của trường ngoài công lập cũng có rất nhiều học sinh giỏi, đỗ đạt cao trong các kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ”.
Một trong những nơi làm mạnh trong việc tăng cường cơ sở vật chất và tăng chất lượng dạy và học là Hà Nội. Trường THPT Lương Thế Vinh là một trường tiên phong trong việc xây dựng cơ sở vật chất trường học. PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Lương Thế Vinh cho biết: “Việc xây dựng cơ sở vật chất đã được trường thực hiện từ lâu. Trước đây sĩ số học sinh/lớp là 28 - 30, nay đảm bảo nhu cầu người học, sĩ số là 35 học sinh/lớp. Ở bậc THPT, căn cứ vào thực tế chúng tôi đảm bảo đủ chỗ học 1.500 học sinh”.
Ở những mùa tuyển sinh trước, các đoàn thanh tra của Sở đã yêu cầu các trường bổ sung những điều kiện đủ để đảm bảo tuyển sinh. Thậm chí, với những trường không đạt điều kiện, Sở đã nêu tên và tạm dừng không giao chỉ tiêu tuyển sinh. Năm nay, Hà Nội cũng công bố 8 trường THPT không được giao chỉ tiêu tuyển sinh năm học 2015 - 2016 để phụ huynh, học sinh biết, tránh tình trạng cố tình vi phạm, ảnh hưởng đến quyền lợi học tập của học sinh.