Cụ bà 102 tuổi nhận bằng tiến sĩ sau 77 năm bị từ chối
- Tra cứu Từ điển y khoa
- 14:28 - 04/06/2015
Bác sĩ nha khoa Ingeborg Syllm-Rapoport sẽ có một buổi lễ vinh danh tại ĐH Hamburg vào ngày 9/6 tới – một phát ngôn viên của trường cho hay.
Ảnh: Thomas Peter/Reuters.
Bà Rapoport đã hoàn thành luận án của mình về bệnh bạch hầu vào 1938 – 5 năm sau khi Adolf Hitler nắm quyền nhưng không được trao bằng vì mẹ bà là người Do Thái. Căn bệnh bạch hầu lúc đó là nguyên nhân tử vong của nhiều đứa trẻ ở Mỹ và châu Âu.
Bà cho rằng sự phân biệt chủng tộc này là sự xấu hổ đối với khoa học và là sự xấu hổ với nước Đức.
Năm 1938, một mình bà di cư sang Mỹ trong khi túi không có một đồng. Bà thực tập tại các bệnh viện ở Brooklyn, New York, Baltimore và Akron, Ohio. Bà từng nộp hồ sơ xin học tới 48 trường y và được một trường duy nhất chấp nhận là Trường Y của Pennsylvania dành cho phụ nữ.
Bà Ingeborg Rapoport, 102 tuổi tại nhà riêng ở Berlin – nơi mà bà đã sinh sống từ năm 1952. Ảnh: WSJ
Công việc đầu tiên của bà là bác sĩ tại bệnh viện Cincinnati – nơi mà bà đã gặp chồng là một bác sĩ người Áo gốc Do Thái. Hai năm sau họ kết hôn và có 3 đứa con.
Sự nghiệp của hai vợ chồng bà xuôi buồm thuận gió. Chồng bà còn nhận được bằng khen của Tổng thống Harry S. Truman vì công trình nghiên cứu về bảo quản máu.
Rapoport khi còn trẻ. Ảnh: WSJ
Hi vọng nhận được bằng Tiến sĩ cũng mới chỉ được nhen nhóm trong bà cách đây vài tháng, khi một đồng nghiệp của con trai bà – giáo sư tại Trường Y Harvard – hiện đang làm việc tại ĐH Hamburg đã kể câu chuyện của bà cho hiệu trưởng nhà trường.
Tuy nhiên, quá trình này đã vấp phải một trở ngại. Ba lý do mà bộ phận pháp lý của nhà trường đưa ra cho việc không thể cấp bằng Tiến sĩ cho bà là: Luận án của bà không được tìm thấy, bà chưa tham dự kỳ thi vấn đáp và dù sao thì bà cũng đã nhận được tấm bằng công nhận trở thành bác sĩ ở Mỹ. Họ chỉ đồng ý trao cho bà bằng Tiến sĩ danh dự.
Không chấp nhận hướng giải quyết này, hiệu trưởng nhà trường đã tìm ra một cách hợp pháp để bà Rapoport nhận được tấm bằng chính thức. Do không thể đọc được và không biết sử dụng máy vi tính nên bà đã nhờ người thân và bạn bè tra cứu trên Internet những tiến bộ trong 70 năm qua trong việc điều trị bệnh bạch hầu, sau đó họ gọi điện để trao đổi lại với bà.
Hôm 27/5, Tiến sĩ Koch-Gromus – hiệu trưởng nhà trường và 2 giáo sư khác đã có mặt tại phòng khách nhà bà để thực hiện kiểm tra vấn đáp trong vòng 45 phút sau khi tuyên bố bà đủ điều kiện nhận bằng Tiến sĩ – gần 80 năm sau khi nộp luận án.
“Đó là một bài thi tốt. Bà Frau Rapoport đã thu thập được những kiến thức đáng nể về những gì đã diễn ra từ cách đây gần 80 năm. Đặc biệt là ở tuổi của bà, bà rất thông minh” – hiệu trưởng Gromus nói.