CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 10:29

COVID-19 tới 6h sáng 8/10: Mỹ đứng đầu về ca mắc mới

Theo TTXVN, số liệu từ trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 420.000 ca bệnh COVID-19 và trên 7.300 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã là trên 237,4 triệu ca, trong đó trên 4,84 triệu ca tử vong.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 83.000 ca), Anh (40.701 ca), và Thổ Nhĩ Kỳ (30.019 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (1.498 ca), Nga (924 ca) và Mexico (713 ca).

Như vậy, Mỹ tiếp tục là quốc gia có số ca mắc và tử vong vì COVID-19 trong 24 giờ qua cao nhất thế giới. Tới nay, Mỹ đã ghi nhận gần 50 triệu ca mắc, trong đó trên 729.000 ca tử vong.

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Saint Petersburg, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Saint Petersburg, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

VTV cũng đưa tin, tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 7/10, nước này ghi nhận hơn 21.000 ca mắc mới COVID-19 và 269 trường hợp tử vong. Hiện tổng cộng trên 33,9 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 450.000 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Bộ Nội vụ Ấn Độ thông báo sẽ bắt đầu mở cửa trở lại cho du khách nước ngoài nhập cảnh thông qua các chuyến bay thuê bao từ ngày 15/10 tới sau hơn một năm đóng cửa do đại dịch COVID-19. Thông báo nêu rõ, khách nhập cảnh Ấn Độ trên các chuyến bay khác với máy bay thuê bao sẽ chỉ được phép nhập cảnh từ ngày 15/11. Khách du lịch nước ngoài và các hãng hàng không vận chuyển họ đến Ấn Độ đều phải tuân thủ tất cả các quy định và chuẩn mực liên quan đến phòng dịch COVID-19 của Bộ Y tế liên bang.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 599.400 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 21,5 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Chính phủ Brazil tuyên bố bãi bỏ việc tạm ngừng các chuyến bay từ Anh, Nam Phi và Ấn Độ đến nước này. Tuy nhiên, Brazil vẫn duy trì quy định cấm người nước ngoài nhập cảnh bằng đường bộ, ngoại trừ thân nhân của người mang quốc tịch Brazil hoặc những trường hợp liên quan đến vấn đề nhân đạo. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh hơn 70% dân số Brazil đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 và khoảng 45% đã tiêm phòng đầy đủ.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ ba thế giới với trên 21,5 triệu ca mắc. (Ảnh: AP)

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ ba thế giới với trên 21,5 triệu ca mắc. (Ảnh: AP)

Kể từ ngày 15/10, Pháp sẽ thu phí xét nghiệm sàng lọc COVID-19, trừ một số trường hợp ngoại lệ. Phí xét nghiệm PCR là 44 Euro đối với người trưởng thành chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 và không có chỉ định của bác sĩ. Phí xét nghiệm kháng nguyên là 22 Euro nếu được thực hiện trong phòng xét nghiệm, 25 Euro nếu thực hiện tại các hiệu thuốc và 30 Euro nếu làm vào Chủ nhật hàng tuần.

Tuy nhiên, theo Bộ Y tế Pháp, có một số trường hợp ngoại lệ được miễn phí xét nghiệm, ví dụ những người vừa qua tuổi 18 tuổi còn đang học trung học. Ngoài ra, tất cả những người trưởng thành chưa tiêm chủng có các triệu chứng mắc COVID-19 có thể được xét nghiệm miễn phí nếu xuất trình giấy chỉ định của bác sĩ có thời hạn dưới 48 giờ. Các chỉ định qua email sau tư vấn từ xa cũng được chấp nhận. Chính sách miễn phí cũng được áp dụng cho các bệnh nhân cần xét nghiệm để tiến hành phẫu thuật.

Thủ tướng Canada đã công bố chính sách tiêm chủng bắt buộc vaccine phòng COVID-19, yêu cầu các công chức phải tiêm phòng trước cuối tháng 10 này, hoặc buộc phải nghỉ làm không lương.

Để thúc đẩy tốc độ tiêm chủng đang bị đình trệ, Chính phủ Canada yêu cầu toàn bộ nhân viên trong bộ máy hành chính công và Cảnh sát Hoàng gia Canada phải được tiêm chủng đầy đủ. Bắt đầu từ ngày 30/10, tất cả chủ sử dụng lao động trong các lĩnh vực thuộc quyền quản lý của liên bang như vận tải hàng không, đường sắt và đường biển sẽ phải thực hiện những chính sách tiêm chủng bắt buộc. Nhân viên không tiêm phòng sẽ bị buộc thôi việc.

Theo kết quả trên được Viện Y tế quốc gia và Bộ Y tế Italy công bố, 7 tháng sau khi tiêm mũi thứ 2 vaccine ngừa COVID-19 sản xuất theo công nghệ mRNA, hiệu quả của vaccine này vẫn ổn định ở đa số người dân Italy, trong khi ở một số nhóm cụ thể có giảm nhẹ. 

Báo cáo cho biết, với đa số những người được tiêm các loại vaccine công nghệ mRNA, hiệu quả chống lại nguy cơ lây nhiễm 7 tháng sau khi được tiêm mũi thứ hai là 89%, trong khi hiệu quả bảo vệ khỏi tình trạng nhập viện và tử vong sau 6 tháng lần lượt là 96% và 99%. Với những người suy giảm miễn dịch, khả năng bảo vệ chống lại lây nhiễm giảm từ 28 ngày sau khi được tiêm mũi thứ 2, với mức giảm không giống nhau tùy theo bệnh khiến hệ miễn dịch suy giảm.

Chính phủ Italy sẽ dựa vào các báo cáo của Viện Y tế quốc gia để đưa ra các quyết định y tế của mình. Trong những tuần tới, Italy sẽ phải xem xét liệu có nên mở rộng mũi vaccine tăng cường cho toàn dân hay không.

Chính quyền bang New South Wales (Australia) ngày 7/10 công bố một loạt quy định mới sẽ có hiệu lực từ ngày 11/10 tới theo lộ trình nới lỏng các biện pháp phong tỏa phòng dịch COVID-19. Động thái này được đưa ra một ngày sau khi bang New South Wales trở thành địa phương đầu tiên ở Australia đạt mốc tiêm chủng đầy đủ 70%.

Ngày 6/10, Australia đã đạt mốc tiêm chủng quan trọng với 80% người dân từ 16 tuổi trở lên được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa COVID-19. Hai địa phương khác ở nước này đang thực hiện lệnh phong tỏa là bang Victoria và thủ đô Canberra dự kiến cũng sẽ đạt mốc tiêm chủng đầy đủ 70% trong vài tuần tới để có thể bắt đầu nới lỏng các hạn chế phòng chống dịch tương tự như bang New South Wales.

Indonesia nhận định, dịch COVID-19 sẽ còn kéo dài trong 5 - 10 năm tới. (Ảnh: AP)

Indonesia nhận định, dịch COVID-19 sẽ còn kéo dài trong 5 - 10 năm tới. (Ảnh: AP)

Châu Á là khu vực bị ảnh hưởng nhất bởi đại dịch COVID-19 với trên 76,69 triệu ca nhiễm, trong đó có 1,13 triệu người tử vong.

Nhà chức trách y tế Indonesia vừa đưa ra nhận định, đại dịch COVID-19 sẽ còn kéo dài ít nhất 5 năm, trung bình là 10 năm. Thậm chí, COVID-19 sẽ còn trở đi trở lại hàng trăm năm, giống như các bệnh đậu mùa và bại liệt.

Giới chức y tế Indonesia nhấn mạnh, nếu Chính phủ và người dân hợp tác thực hiện một số chiến lược như tăng cường xét nghiệm, truy vết và điều trị, vẫn có khả năng đại dịch COVID-19 sẽ trở thành một loại bệnh đặc hữu (như các dịch bệnh hiện nay). Cùng với việc tăng tốc tiêm chủng cho 70% dân số, người dân cần duy trì kỷ luật trong việc thực hiện quy định y tế, bao gồm đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn và duy trì khoảng cách. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến cáo cần cảnh giác với đợt bùng phát thứ ba có thể xảy ra sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới sắp tới, nhất là khi virus tiếp tục đột biến ngày càng nguy hiểm hơn.

Indonesia có thể giảm thời gian cách ly với du khách quốc tế từ 8 ngày xuống còn 5 ngày. Theo quy định hiện tại, du khách nhập cảnh vào Indonesia sẽ phải cách ly bắt buộc 8 ngày, có xét nghiệm PCR âm tính. Các hiệp hội du lịch Indonesia đã lên tiếng phản ứng rằng, những quy định này đang gây khó khăn cho việc thu hút khách nước ngoài. Indonesia dự kiến sẽ thí điểm mở cửa du lịch với du khách từ 6 nước đến đảo Bali từ ngày 14/10 tới.

Chính phủ Malaysia ngày 7/10 thông qua Bộ Y tế nước này đã ký thỏa thuận mua thuốc điều trị kháng virus Molnupiravir như một sự lựa chọn bổ sung cho phương pháp điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 ở nước này. Phát biểu tại khóa họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết, theo thỏa thuận với công ty dược phẩm sinh học Merck Sharp & Dohme, Chính phủ đã đồng ý mua 150.000 liều Molnupiravir nhằm chuẩn bị cho giai đoạn coi COVID-19 là "bệnh đặc hữu".

Theo ông Khairy, dựa trên các nghiên cứu do công ty Merck Sharp & Dohme thực hiện, việc sử dụng thuốc Molnupiravir có thể giảm tỷ lệ nhập viện tới 50%. Ngoài ra, loại thuốc này cũng phát huy hiệu quả trong việc chống lại các biến thể của virus SARS-CoV-2 như Gamma, Delta và Mu.

Ngày 7/10, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri khẳng định, nước này đang áp dụng các quy định linh hoạt trong việc cấp phép nhập cảnh. Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Ismail cho biết, Chính phủ nước này dựa trên 6 yếu tố để cấp phép cho người nước ngoài nhập cảnh gồm số ca mắc COVID-19 trong 14 ngày tại quốc gia của người xin nhập cảnh; tỷ lệ mắc COVID-19 tính trên một triệu dân; tỷ lệ tử vong trên một triệu dân; tỷ lệ tử vong tích lũy; chỉ số phục hồi và tổng số ca nhiễm tại các quốc gia tương ứng. Nếu con số ca mắc mới COVID-19 tăng đột biến tại quốc gia của người xin nhập cảnh, Malaysia có thể sẽ điều chỉnh chính sách từ cho phép nhập cảnh sang không cho phép nhập cảnh.

Số ca mắc mới COVID-19 tại Campuchia trong 7 ngày liên tiếp đầu tháng 10 này đã giảm còn khoảng 200 ca/ngày, so với mức 800 ca/ngày ghi nhận trong 7 ngày cuối tháng 9 vừa qua. Đây có thể được xem là dấu hiệu cho thấy cuộc sống đang dần trở lại bình thường ở nước này.

Bộ Y tế Campuchia ngày 7/10 ra thông cáo xác nhận có thêm 224 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, trong đó có 5 người nhập cảnh, nâng tổng số ca mắc tại Campuchia kể từ đầu dịch lên 114.148 trường hợp. Bộ Y tế Campuchia cũng xác nhận có thêm 10 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số người thiệt mạng vì đại dịch tại Campuchia lên 2.441 ca.

Bộ Y tế Lào thông báo, trong ngày qua, nước này ghi nhận 414 ca mắc mới COVID-19, trong đó có tới 404 trường hợp cộng đồng, còn lại là người nhập cảnh được cách ly ngay. Bộ Y tế Lào cho biết, số ca lây nhiễm cộng đồng trong một ngày tại thủ đô Vientiane có xu hướng giảm và chỉ ghi nhận 146 ca, trong khi tỉnh Luang Prabang lại ghi nhận số người nhiễm tăng cao với 143 trường hợp. Điều này cho thấy, tình hình dịch bệnh tại nước này vẫn diễn biến phức tạp. Như vậy, đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới 26,462 trường hợp, trong đó có 23 bệnh nhân không qua khỏi.

Nhằm đưa đất nước chuyển sang trạng thái bình thường mới, Lào bắt đầu cho phép các nhà máy may đáp ứng đủ tiêu chuẩn phòng dịch COVID-19 hoạt động trở lại. Những nhà máy này phải được Ủy ban chuyên trách quốc gia đánh giá về công tác phòng ngừa dịch bệnh và mức độ rủi ro lây nhiễm dịch COVID-19 trước khi mở cửa hoạt động trở lại. Các nhà máy trong "vùng đỏ" muốn hoạt động lại phải có khu ký túc xá cho người lao động ngay trong khuôn viên nhà máy.

BP (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh