THỨ TƯ, NGÀY 11 THÁNG 09 NĂM 2024 08:47

Con em người có công trưởng thành từ mái ấm Thụy An

Thầy giáo Nguyễn Như Liêm trong giờ dạy trẻ khuyết tật học nghề làm hương thơm.

Thầy giáo Nguyễn Như Liêm trong giờ dạy trẻ khuyết tật học nghề làm hương thơm.

Thầy Nguyễn Như Liêm là con liệt sỹ, từng bị khuyết tật vận động là một trong những học viên đầu tiên của Trung tâm (từ năm 1976) hiện là Trưởng phòng Hướng nghiệp dạy nghề. Ðể có được đôi bàn chân lành lặn như hiện nay, khi vào Trung tâm, thầy Liêm phải trải qua 4 lần phẫu thuật. Thầy Liêm chia sẻ: “Trung tâm như người mẹ thứ hai đã sinh ra tôi. Tôi được điều trị bệnh, được học văn hóa, rồi tốt nghiệp ÐH Tổng hợp, ÐH Lao động và Xã hội chuyên ngành Bảo trợ Xã hội học và giữ lại làm giảng viên ở Trung tâm.

Thầy Nguyễn Như Liêm cho biết, hiện nay Trung tâm dạy một số nghề phù hợp với người khuyết tật như: may, đan, sản xuất hương thơm, làm đồ handmade, hoa lụa, tranh bút lửa, tranh đá quý… Nhiều học viên sau khi học nghề đã có công ăn việc làm, thu nhập khá. Một số em được bố trí làm việc tại Trung tâm hỗ trợ cộng đồng, như Công ty TNHH Cộng đồng 18/4 ở Hưng Yên nhận các em điếc, câm, khuyết tật vận động vào làm đồ da cũng rất phù hợp. Có em tìm được việc làm ở xí nghiệp may, lắp ráp điện tử, thu nhập ổn định. Ðiển hình như em Thuận (Cao Bằng) và vợ đều bị dị tật ở chân nhưng đã tìm được việc làm, lương cao. Hay như gia đình em Duy bị câm, điếc ở Phúc Thọ có nghề may, hiện tạo được công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho 3, 4 bạn câm điếc.

“Người khuyết tật học được nghề đã vượt qua nhiều khó khăn, tuy nhiên, cái khó của họ hiện nay là sau khi học xong nghề, ít có cơ hội có việc làm. Do đó, rất mong các doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm xã hội trong tạo việc làm cho người khuyết tật hơn là chỉ trao quà cho họ.” - thầy Liêm bộc bạch.

Thầy giáo Nguyễn Đức Thể - giáo viên dạy làm tranh đá quý là một trong những tấm gương vượt lên số phận ở Trung tâm.

Thầy giáo Nguyễn Đức Thể - giáo viên dạy làm tranh đá quý là một trong những tấm gương vượt lên số phận ở Trung tâm.

Thầy giáo Nguyễn Ðức Thể - giáo viên dạy làm tranh đá Phòng Hướng nghiệp dạy nghề của Trung tâm cũng là một trong những tấm gương vượt lên số phận. Là người dân tộc Mường, con của nạn nhân chất độc màu da cam, Nguyễn Ðức Thể bị mất khả năng vận động ở chân, phải ngồi xe lăn. May mắn, Thể được Trung tâm tiếp nhận vào chăm sóc, điều trị PHCN và được đi học lớp tranh đá quý. Hiện thầy Thể vừa trực tiếp làm ra nhiều bức tranh đẹp, vừa hướng dẫn trẻ em, người khuyết tật kỹ thuật làm tranh đá.

Thầy Thể cho biết, học sinh lớp tranh đá đa phần là các em câm điếc, khiếm thính, nên việc giao tiếp là trở ngại chính. Do bất đồng ngôn ngữ nên lúc làm việc thầy và trò phải viết ra giấy, cách phân biệt màu đá, pha trộn các màu, tên các loại đá, cách phối màu làm sao để khi thực hiện tác phẩm sẽ có ít lỗi nhất. Lớp tranh đá đòi hỏi sự tỉ mẩn và kiên trì nên số lượng học sinh trụ được với nghề cũng không phải là nhiều, mỗi lớp được khoảng 5 học sinh thành thục là đã thành công.

Các em khuyết tật vào đây, tuy sống xa bố mẹ, nhưng được các thầy cô ở Trung tâm yêu thương, hướng dẫn tận tình đã trưởng thành hơn, biết sống tự lập, biết vươn lên trong cuộc sống. Ðó chính là niềm vui, niềm hạnh phúc vô bờ của tất cả các thầy cô trong Trung tâm.

Thầy Thể xúc động chia sẻ về một cô học trò nhỏ tên Thương (Yên Bái), vì bố mẹ không hoà thuận nên Thương bỏ nhà ra đi. Ðược đưa về Trung tâm học làm tranh đá, Thương không những làm tranh đẹp mà còn rất tích cực tham gia các phong trào văn nghệ. Biết hoàn cảnh của Thương, Trung tâm đã kết nối và tìm được gia đình cho em - đích thân bố và em trai xuống đón Thương trở về nhà trong niềm vui của thầy và trò.

Đoàn viên Chi đoàn Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thuỵ An chăm sóc các phần mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Thụy An.

Đoàn viên Chi đoàn Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thuỵ An chăm sóc các phần mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Thụy An.

46 năm qua, Trung tâm đã chăm sóc, phục hồi chức năng (PHCN), đào tạo nghề cho hàng nghìn trẻ khuyết tật. Các em được phát triển về thể chất và tinh thần; được can thiệp phẫu thuật chỉnh hình, được PHCN, tham gia các hoạt động can thiệp sớm, giáo dục đặc biệt, giáo dục hòa nhập, hướng nghiệp dạy nghề, tham vấn, tư vấn, giới thiệu việc làm… giúp các em tự lập, ổn định cuộc sống lâu dài. Không chỉ làm tốt việc chăm sóc, PHCN, dạy nghề cho trẻ em, Trung tâm còn luôn làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa. Một số người là con của người có công với cách mạng đã được chữa trị, học tập và trưởng thành từ Trung tâm như anh Ðào Xuân Quyền, Nguyễn Như Liêm, Nguyễn Ðức Thể… đã tình nguyện ở lại làm việc, cống hiến và tiếp tục phát huy truyền thống của Trung tâm.

Anh Ðào Xuân Quyền (Phó giám đốc Trung tâm) cho biết, nhân dịp Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) và 46 năm ngày truyền thống của Trung tâm, Trung tâm tổ chức nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa thiết thực như: Thực hiện tốt chính sách đền ơn, đáp nghĩa; Tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho thân nhân gia đình liệt sĩ, người có công; Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cho các học viên; Phối hợp với nhiều tổ chức, cá nhân thăm hỏi, tặng quà cho trẻ khuyết tật, trong đó có con em thương binh, liệt sĩ, trẻ em nhiễm chất độc hóa học đang PHCN tại Trung tâm. Bên cạnh đó, các cán bộ Trung tâm còn tham gia lao động, chăm sóc nghĩa trang liệt sỹ của địa phương; Cùng với chính quyền và nhân dân xã Thụy An tham dự lễ thắp nến tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang được tổ chức vào tối 26/7…

Hồng Nga

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
UNICEF đánh giá cao về hướng dẫn ưu tiên chăm sóc trẻ em mồ côi do Covid-19 của Việt Nam

UNICEF đánh giá cao về hướng dẫn ưu tiên chăm sóc trẻ em mồ côi do Covid-19 của Việt Nam

Ngày 26-9, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam đã ra thông cáo báo chí cho biết bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam bày tỏ sự đánh giá cao trước việc mới...
2 năm trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh