Cói Nga Sơn trên đất Mỹ
- Bài thuốc hay
- 13:41 - 17/02/2021
Những ngày đầu Xuân 2021, khi những cánh đồng cói đã đi vào vụ mùa bội thu, chúng tôi gặp Giám đốc Cty XK Việt Anh Phạm Minh Tôn – người đầu tiên của Thanh Hoá đưa thương hiệu cói Nga Sơn trên đất Mỹ.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề cói. Từ hai bàn tay trắng và với ý chi quyết tâm của một người con Nga Sơn, anh đã tìm tòi nỗ lực làm sao để phát triển nghề cói, đưa sản phẩm cói Nga Sơn đến các thị trường lớn trên Thế giới.
Được biết, ngay từ nhỏ, anh Tôn đã yêu cói, yêu các sản phẩm từ cói như chính bản thân mình. Với mong muốn, có những sản phẩm đặc sắc từ cói Nga Sơn được bày bán trên các thị trường trong và ngoài nước đã thôi thúc anh ngay từ khi đến tuổi thưởng thành và đến nay, anh đã biến ước mơ đó trở thành sự thật. Sau bao nhiêu gian nan vất vả, nghĩ ra bao nhiêu cách mưu sinh, để tồn tại cho nghề cói và tạo việc làm cho lao động địa phương, có cuộc sống ổn định, làm giàu chính đáng ngay trên chính quê hương mình.
Hiện nay, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ được làm từ cói, từ bèo tây, từ bẹ chuối… của Cty Việt Anh đã đến được các nước Đông Âu, Châu Á và đặc biệt là có mặt trên đất Mỹ - là thị trường khó tính nhất trong các nước, đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỹ thuật cao, thân thiện với môi trường, không được sử dụng các loại hoá chất hay phẩm màu độc hại…
Bên sản phẩm cói, anh Tôn trăn trở: "Những làng nghề truyền thống xứ Thanh chẳng phải khi nào cũng phát triển rực rỡ. Đó còn là cả thăng trầm mà chỉ người làm nghề mới thấu hết. Câu chuyện về một nghề cói Nga Sơn với những biến động khiến nhiều người phải suy nghĩ. Sự thăng trầm, biến động của cây cói, nghề cói truyền thống ở Nga Sơn không phải là duy nhất. Đó là câu chuyện gặp phải của hầu khắp các làng nghề trăm tuổi ở xứ Thanh. Vậy nhưng, thay vì đầu hàng khó khăn, từ bỏ tinh hoa nghề mà lớp lớp cha ông đi trước đã nhọc nhằn góp nhặt, hậu thế vẫn gian truân âm thầm giữ lấy nghề dù không dễ dàng".
Đó là khi mất thị trường truyền thống, thị hiếu tiêu dùng của người dân thay đổi... tất cả khiến cho sản phẩm từ cói mất chỗ đứng trong đời sống người dân những thập niên cuối của thế kỉ XX. Và khi ấy, nếu người trồng cói buông bỏ, người làm nghề buông xuôi, chắc hẳn, vựa cói Nga Sơn ngày nào giờ chỉ là quá khứ. Vậy nhưng, có lẽ chỉ có tình yêu và sự yêu nghề, day dứt về nghề mới khiến những người dân vùng cói trăn trở đến vậy. Quyết không để cói chết, nghề mất, đó sự thôi thúc tự trái tim. Để rồi, chỉ khi người ta thực sự cố gắng, thực sự hết mình thì nghề sẽ không phụ người.
Chính vì có những người con như anh Tôn, để rồi xứ Thanh hôm nay, bên cạnh hàng nghìn di sản văn hóa lịch sử thì hơn 150 nghề, làng nghề truyền thống hàng trăm năm tuổi trải khắp đồng bằng, miền núi, vùng biển cũng đang từng bước góp phần vào sự phát triển, làm cho bức tranh quê Thanh thêm phần thắm sắc.
Về Nga Sơn hôm nay, bên cạnh chiếu cói Nga Sơn thì đã có không ít các sản phẩm mỹ nghệ từ cói khiến du khách thích thú. Các sản phẩm mỹ nghệ từ cói (thảm ngồi, làn cói, giỏ cói...) không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, có cảm giác, đi qua thăng trầm bể dâu thì nghề cói ở Nga Sơn không chỉ phát triển hơn mà còn từng bước chinh phục con đường nghề bền vững.
Giám đốc Phạm Minh Tôn chia sẻ: "Với ước mơ, đưa các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Nga Sơn đến các thị trường trên Thế giới, để nhiều người được sử dụng sản phẩm thương hiệu Nga Sơn, từ một xưởng sản xuất theo mô hình hộ gia đình, năm 2009, tôi quyết định thành lập Cty, đây là giai đoạn Cty mới thành lập, nên gặp nhiều khó khăn, và cũng là trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng".
"Từ năm 2013 đến 2015 là giai đoạn công ty bước vào thế ổn định và tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức, phương pháp hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Và cho đến nay, có thể nói công tác thị trường trong những năm qua đã có được thành tích to lớn góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty phát triển. Từ chỗ chỉ có xuất khẩu thị trường cho các công ty nhỏ đến nay công ty đã mở rộng được thị trường xuất khẩu cho các tập đoàn lớn của Mỹ và Châu âu. Như tập đoàn TJMAX – NEW YORK, Tập đoàn MARSHALLS – NEW YORK, tập đoàn ROSSTORES – NEW YORK và tập đoàn ALD – AUSTRALIA…" – anh Tôn phấn khởi cho biết thêm.
Được biết, công tác tiếp cận thị trường, phát triển thị trường của công ty luôn luôn thay đổi. Các hình thức xúc tiến thương mại thông qua hội chợ triển lãm, mỗi năm Cty đều tham dự hội chợ triển lãm, khảo sát thị trường tại các hệ thống siêu thị lớn của nước ngoài, và thông qua đó để có cơ hội tiếp xúc với các tập đoàn lớn để thiết lập mối quan hệ làm ăn cũng như học hỏi thêm kinh nghiệm của các đối tác.
Bằng nhiều biện pháp cải tiến mẫu mã, chất lượng Cty Việt Anh đã từng bước thành công và có chỗ đứng trong các thị trường Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Úc.., tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn công nhân trong và ngoài huyện với mức lương bình quân từ 3-5 triệu đồng/người/tháng và tạo nguồn thu ngoại tệ cân bằng cho đất nước, với doanh thu từ 2-3 triệu đô la/năm.
Đến nay, Công ty Việt Anh chuyên sản xuất và chế biến các sản phẩm Thủ công mỹ nghệ làm từ chất liệu cói, mây, bèo tây, tre, nứa,.. Sau 10 năm thành lập, Công ty có 2 xưởng sản xuất, tổng diện tích mặt bằng 15.000m2 thu hút lực lượng lao động thường xuyên tại công ty là 300 lao động, và hơn 10.000 lao động là những nghệ nhân giàu kinh nghiệm trực tiếp làm ra sản phẩm. Các mặt hàng của công ty đã được xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường quốc tế như: Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Đức, Áo, Úc, Cộng hoà Séc... Phương châm của Công ty là thực hiện 5 nhất: "Chất lượng tốt nhất. Giá cả tốt nhất. Thời gian giao hàng nhanh nhất. Làm mẫu tốt nhất. Hồ sơ giấy tờ sau xuất hàng nhanh nhất". Công ty Việt Anh luôn có nhu cầu mở rộng thị trường, thiết lập các mối quan hệ hợp tác lâu dài với tất cả các bạn hàng trong và ngoài nước.
"Tôi đã cùng các anh em cổ đông thiết kế mẫu mã và xúc tiến Thương mại. Từ đó cho đến nay tôi luôn luôn không ngừng nghiên cứu, trăn trở, tìm tòi sáng kiến để tăng năng xuất lao động, quan tâm đến cán bộ công nhân viên chức và người lao động, đảm bảo mức thu nhập ngày một nâng cao. Tạo việc làm và giúp đỡ được nhiều gia đình khó khăn tại địa phương" – anh Tôn chia sẻ,
Mời các bạn đón đọc bài 3: Sức sống cói Nga Sơn